Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Nói hai điều từ lâu… vẫn giấu

13/08/2010 07:01 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Tròn quay như... hòn bi theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nghĩa đen thì ai cũng đã thấy. Còn nghĩa bóng thì cũng không khó thấy: đã có rất nhiều bài viết về “tay” đạo diễn thích gây sốc trong phim và luôn hài hước khi bị truy hỏi, nhưng việc túm được “chân tướng” của Nguyễn Quang Dũng lại là điều rất khó. Vừa định tỏ ý định, anh dựng “rào chắn” ngay: “Có hai điều tôi không nói: thứ nhất là nói về người khác, thứ nhì là chuyện riêng tư, ví dụ yêu đương!”.

* Có câu, muốn biết anh ta là người như thế nào hãy nghe anh ấy nói về bạn bè mình. Vậy chắc anh không ngại nói, ngắn gọn thôi, về những người mà anh thấy “tâm đầu ý hợp”?

- Những người bạn mà tôi tìm thấy sự đồng điệu trong cuộc sống hay gặp gỡ nhau về quan điểm nghệ thuật hiện nay là Vũ Ngọc Đãng, anh Nguyễn Tranh, anh Trinh Hoan, diễn viên Thanh Hằng, Minh Hằng.


Dù không cao, nhưng các “chân dài” đều phải... ngước nhìn. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng
với người đẹp Minh Hằng. Ảnh: Hương Trà
Vũ Ngọc Đãng với tôi luôn có sự chia sẻ về nghề nghiệp. Từ khi hai đứa còn học chung trường, thằng này không biết thằng kia là ai, rồi dần dần mới thân nhau và đến nay cả hai cùng nổi tiếng. Có mùa phim hai đứa là đối thủ thì vẫn chơi thân với nhau. Nhiều người lúc còn khó khăn thì thân nhau, nhưng khi thành công thì không còn tình bạn. Tôi và Đãng không vậy mà chúng tôi luôn tìm thấy sự chia sẻ, đồng cảm.

Anh Nguyễn Tranh và anh Trinh Hoan là hai người đàn anh thật sự của tôi. Khi tôi còn chưa là gì thì hai anh đã chỉ dạy, giới thiệu việc làm cho tôi và luôn xuất hiện khi tôi cần trợ giúp, cả những chuyện nhỏ nhất. Họ làm tôi thay đổi rất nhiều. Trước đây, khi mới ra trường, cái tên Dũng “khùng” gắn với tôi, tức là một thằng chỉ biết cái gì mình thấy sướng thì làm, không quan tâm đến người khác và… hoạnh họe tất cả mọi người. Chơi với anh Tranh, anh Hoan, mình hiểu được sự chia sẻ. Tới bây giờ, các bạn trẻ cần giúp đỡ gì thì tôi lại nghĩ ngày xưa mình đã được các đàn anh giúp đỡ thế nào. Tôi không trả nợ được những người đi trước và họ cũng đâu cần mình trả nợ, nên bây giờ tôi nghĩ mình “trả nợ” thế hệ đi sau như là cách để “trả nợ” các đàn anh đi trước.

* Còn các “kiều nữ” Thanh Hằng và Minh Hằng, anh nói gì về họ?

- Cái tật của tôi là ít giao lưu với người trong giới nên thường chỉ quen với người nào mình từng hợp tác. Khi hợp tác với Minh Hằng và Thanh Hằng, chúng tôi rất hiểu và tin tưởng nhau, chỉ nói một vài câu là hiểu ý. Nghe bàn về dự án phim Những nụ hôn rực rỡ với Minh Hằng, Thanh Hằng, các cô liền tự đi tập vũ đạo. Trong khi với người khác, có thể họ phải chờ đến khi ký hợp đồng rồi làm gì thì làm cho chắc ăn.

* Có những lúc phim của Vũ Ngọc Đãng được khen “lên mây” và ngược lại, có lúc bị chê, thậm chí bị đập tơi tả, nên một người cho dù rất cứng rắn, tự tin hẳn cũng không tránh khỏi dao động. Lúc ấy, người bạn Nguyễn Quang Dũng ở đâu?

- Bạn bè là nơi giữ cân bằng cho nhau. Lúc bạn khó khăn thì có thể mình là người chia sẻ cùng bạn khó khăn ấy. Trước những khen - chê, nó có thể khiến hai đứa tức thời tức giận hay tức thời vui mừng, nhưng tôi nghĩ, những gì tôi hay Đãng làm được hoặc chưa, thì cả hai đều biết rõ, có nói ra hay không mà thôi. Và khi làm xong cái gì, tôi và Đãng thường hỏi ý kiến của nhau.

* Có nhiều xung đột về quan điểm nghệ thuật giữa Đãng “trọc” và Dũng “khùng”?

- Tôi và Vũ Ngọc Đãng có hai cách làm phim rất khác nhau, chính vì khác nhau nên mới hỗ trợ nhau. Khi viết kịch bản xong tôi thường đưa cho Đãng đọc góp ý nhưng cuối cùng thì… ai cũng vẫn giữ ý kiến của mình!


Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng với người đẹp Thanh Hằng. Ảnh: Hương Trà.
* Sự khác nhau trong cách làm phim của anh và Vũ Ngọc Đãng?

- Cái hay cái mạnh của Đãng là kể một câu chuyện bình thường, rất giản dị, đi vào cảm xúc đời thường của con người. Còn tôi thì hay làm quá lên cái bình thường, theo chiều hướng giả tưởng. Ngoài nội dung giả tưởng thì phim của tôi sử dụng nhiều kỹ thuật, kỹ xảo, còn Đãng thì không. Đãng chủ yếu khai thác lối diễn của diễn viên. Đã có đề xuất hai đứa làm một phim chung, với kịch bản chung. Tôi và Đãng ngồi suy nghĩ về đề xuất đó, Đãng nói: Nếu kịch bản của chú Dũng mà đưa cho chú Đãng thì chú Đãng không biết làm sao, phức tạp quá, rắc rối quá! Còn nếu kịch bản của Đãng mà đưa cho Dũng thì Dũng cũng không biết làm sao, vì thấy nó đơn giản quá, không biết vẽ trò gì ở đó hết! Cả hai cũng muốn có một sản phẩm là kỷ niệm của bạn bè nhưng tới nay vẫn chưa biết phải làm như thế nào!

* Trong mối quan hệ thân thiết rất dễ dẫn đến tình trạng “bạn hát tớ khen hay”. Thậm chí diễn viên ruột của bạn mà thi Bước nhảy hoàn vũ thì anh cũng luôn dành những lời ưu ái hơn để nhận xét và cho điểm. Điều này có trong tầm kiểm soát của anh?

- Con người không thể thiếu cảm tính, nếu không đã là người máy rồi. Dĩ nhiên mình vẫn biết cái gì thì tốt cho bạn và tốt cho mình, cho mọi người. Không phải cứ khen đã tốt cho bạn. Ở đây là những người tôi chơi rất thân thiết, vừa là đồng nghiệp vừa là bạn bè, vừa chơi được vừa có thể học nghề với nhau; chứ thực ra có những người mình chơi rất thân nhưng không làm chung được và có những người mình làm chung nhưng không thân được.

* Anh thấy mình là người duy cảm, duy lý hay duy mỹ?

- Điều quan trọng nhất với tôi là cảm xúc. Bất kì điều gì tôi làm thì cũng cần cảm xúc, sau đó mới tính đến những chuyện khác.

* Tôi tưởng với người làm nghệ thuật thì rõ ràng phải là người duy mỹ, vì luôn hướng đến cái đẹp, phụng sự cái đẹp. Còn riêng người ở vị trí đạo diễn của nghệ thuật thứ bảy thì phải rất tỉnh táo, lý trí?

- Tôi nghĩ cảm xúc quan trọng hơn, bởi nghệ thuật gì thì cũng phải hướng đến cảm xúc, đánh vào cảm xúc con người. Tôi thích được làm phim mà xem xong người ta cười, thấy cảm động, hơn là chỉ thấy nó hay. Có những phim không hay nhưng hợp với con người mình thì mình lại thích. Thực ra nghệ thuật là cái đẹp, đẹp là tác động đến cảm xúc, là một phần để người ta rung động.

* Với người mà anh có thể gắn bó, đi cùng với mình suốt cả cuộc đời, là người yêu, người vợ của mình sau này thì anh người ấy có cần “duy cảm” như anh?

- Trước đây tôi cũng đặt ra nhiều tiêu chí. Hồi học trường Sân khấu – Điện ảnh tôi nghĩ sau này mình sẽ yêu một cái cô làm chung nghề, dễ cảm thông, chia sẻ. Tới khi quen một người, thấy mọi chuyện không phải vậy; lúc đó tôi lại nghĩ là yêu một người bình thường, ngoài giới đi cho khỏe, không phải nói chuyện công việc, không mang phim ảnh về nhà! Thật ra, không có gì tuyệt đối như vậy. Có những người không ở trong ngành nhưng họ có cái nhìn sâu sắc hơn người trong ngành. Nhìn lại thì thấy những người tôi đã từng yêu không giống nhau, mỗi thời kỳ lại gặp những người khác nhau và tôi cần người đi cùng mình trong chặng đường dài.


Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng
với người đẹp Minh Thư. Ảnh: Hương Trà
* Người đó rất có thể có sự cân bằng giữa tình cảm - lý trí và hẳn là phải đẹp, có phải thế không? Vì lâu nay tin đồn về người yêu của Nguyễn Quang Dũng không phải chân dài thì cũng dáng thon?


- Cái đẹp nó dễ tạo cho người ta cái cảm xúc. Ví dụ như diễn viên. Tại sao người ta hay chọn người trẻ, đẹp là vì với diễn viên, ngoại hình rất quan trọng, khiến khán giả dễ có cảm tình ban đầu, dễ nhớ. Nhưng cũng nhiều diễn viên không đẹp nhưng khán giả thấy họ đáng yêu nên nhớ, chú ý đến họ và được truyền cảm xúc từ vai diễn của họ. Ngược lại, có những diễn viên, mình thấy đẹp và sau đó chỉ thấy đẹp mà thôi, không tạo cảm xúc đến khán giả.

* Một thời người ta đồn anh đang “cặp kè” với Minh Thư, vì nàng đẹp hay vì nàng tạo cho anh nhiều cảm xúc? Tại sao anh không kể đến Minh Thư ngay từ đầu nhỉ?

- Là tin đồn thì có 50% đúng còn 50% là sai và sự hấp dẫn của tin đồn là ở chỗ đó. Thật ra thì Thư với tôi có một quãng thời gian rất thân, bây giờ vẫn thân nhưng ít gặp nhau hơn. Tôi nghĩ rằng lúc nào Thư cần gì ở mình thì mình vẫn giúp như những người bạn chứ không có gì quá đặc biệt.

* Bạn anh, Vũ Ngọc Đãng, đã có “nàng thơ”, còn “nàng thơ” của Nguyễn Quang Dũng bây giờ là ai?

- Tôi hay nói đến một nhân vật là “ai kia” chính là theo nghĩa hiểu về một “nàng thơ”. Làm người sáng tác thì có vẻ dễ cô độc hơn người bình thường và khi vượt qua được nỗi cô đơn thì đó là do họ sống với sự cô đơn tốt hơn. Một “nàng thơ” thường hiện diện trong tâm tưởng và ra đến ngoài đời, người ta có thể gặp một “ai kia” gần giống vậy nhưng thực ra đó chính là cách họ yêu mình. Họ không yêu ai quá tuyệt đối trong khoảng thời gian dài. Chính “nàng thơ” kia là sự cản trở họ với các mối quan hệ ở ngoài đời. Chính “nàng thơ” đã cứu rỗi họ khỏi nỗi cô đơn. Và mỗi khi cô đơn, họ lại có một “nàng thơ” của riêng mình.

Ngày trước làm show cho Phương Thanh, tôi chọn cái tên Người đàn ông trong bóng đêm cũng là xuất phát từ “ai kia”, từ ý nghĩ về một “nàng thơ”. Tôi quan sát và hỏi: Tại sao Phương Thanh cứ gặp trắc trở trong cuộc sống? Có thể “bà này” cũng có kiểu nghĩ đến “nàng thơ” như mình? Hay ở những phim tôi làm sẽ thấy có “nàng thơ” rất rõ ràng. Trong Hồn Trương Ba da hàng thịt, vai do Anh Thư có thể khiến nhiều người chửi bới: sao có một người phụ nữ ghê quá! Nhưng thực sự tôi thích xây dựng một nhân vật dữ dằn, có cảm giác là… vô văn hóa nhưng tính cách mạnh mẽ. Trong con người ấy vẫn có cái yếu mềm trong đó, rất chung thủy và yêu chồng. Vai của Thanh Hằng trong Nụ hôn thần chết cũng là một “nàng thơ” của tôi.

* Nói gọn thế này đi: “Nàng thơ” của anh trong đời sống hiện tại là… ai kia?

- Có, nhưng mà không nói được. (Cười)

* Hay là anh vẫn đang đi tìm kiếm chứ không phải là đã có rồi?

- Tôi luôn có quyền mơ mộng nhưng vẫn phải quay lại với thực tế là mình vẫn có người yêu, vẫn yêu một người nào đó. Người tôi đang yêu có một phần ở những nhân vật mà tôi xây dựng. “Nàng thơ” trong tâm tưởng của mình thì không bao giờ bỏ mình ra đi, lúc nào cũng ở bên mình; còn người ngoài đời mình đang gắn bó, dẫu mình thấy tuyệt vời, thì cũng có thể bỏ mình ra đi…

* Vậy vì lý do gì mà anh không “khai” ra, không tự hào nói với tất cả mọi người rằng: Dũng “khùng” đã có người yêu rồi?!

- Đây không phải là chuyện của riêng mình mà còn là “ai đó” có muốn công khai hay không. Khi chưa được cho phép thì không nên, mình phải tôn trọng. Đó là phần quan trọng thứ nhất. Phần quan trọng thứ hai là nghệ sĩ thường mang tiếng lung tung, lăng nhăng, chứ thực ra người thường thì cũng như vậy thôi, chẳng qua là nghệ sĩ thì dễ bị để ý, xét nét hơn. Khi họ yêu thì ai cũng biết và khi chia tay thì mọi người đều hay. Mình không muốn nói ra “ai kia” vì có thể nó tốt cho nghề nghiệp của mình nhưng chưa chắc tốt cho tình cảm của mình. Nhiều trường hợp người ta đang yêu mình, bị mọi người phát hiện, bị chú ý, đồn thổi. Mọi chuyện đang bình thường nhưng một ngày mình tình cờ đi với một người, chỉ là công việc thôi thì cũng bị đồn thổi và chuyện đó bỗng nhiên trở thành rào cản, làm tình cảm dễ bị tan vỡ.

* Có phải anh đang muốn nói: Tình yêu là cuộc sống của tôi chứ không phải là bộ phim của tôi, nên… không “phát hành” rộng rãi?

- Tôi có thể chia sẻ với người mà mình cần chia sẻ, không cần thiết phải chia sẻ với quá nhiều người. Nếu sự chia sẻ đó làm cho tình yêu lớn hơn thì mình nên làm, còn chia sẻ xong, người yêu mình giận thì mình nói ra làm gì? Một vấn đề nữa mà tôi rất ngại là biến bản thân mình thành một sản phẩm giải trí. Một ngày mở báo ra không thấy các tác phẩm nghệ thuật, dự án của nghệ sĩ đâu chỉ thấy sao đi dự tiệc thế nào, ai cặp đôi với ai… thì tôi không muốn mình góp phần vào đó làm chi cho… thêm rối!

Bùi Dũng (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm