26/02/2013 09:01 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - 1. Những ngày qua, có hai sự kiện mà những người quan tâm đến nghệ thuật thứ 7 theo dõi sát sao. Ở nước Mỹ xa xôi diễn ra lễ trao giải thưởng điện ảnh danh giá bậc nhất thế giới - Oscar. Giải thưởng mà bất cứ nghệ sĩ nào của nghệ thuật thứ 7 cũng mơ ước được một lần vinh danh trên bục nhận giải.
Nhưng trước lễ trao giải Oscar một ngày, đã diễn ra một sự kiện bi thương của một gia đình, nhưng cũng là của nền điện ảnh nước nhà: Cả nhà giám đốc hãng phim Lạc Việt tử nạn do “tai nạn nghề nghiệp”.
Người ta nói anh “sinh nghề tử nghiệp”, nhưng nhìn sâu xa hơn, sự lạc hậu của nền điện ảnh nước nhà cũng có phần trách nhiệm. Nói như vậy có thể mơ hồ, nhưng vẫn phải nói. Nền điện ảnh mà rõ ràng từ diễn viên, kịch bản, trường quay, hậu kỳ, diễn viên đóng thế… và cái to tát hơn là triết lý còn ở sự hoang sơ, mơ hồ. Nền điện ảnh mà người ta dễ dàng chấp nhận tất cả, kể cả sự nguy hiểm đến tính mạng để có được những thước phim, miễn sao là… đạt yêu cầu và… rẻ. Nền điện ảnh ấy có lỗi không?
Thực tế, nghề khói lửa phim trường thường được các nền điện ảnh phát triển xếp vào bộ phận hiệu ứng đặc biệt, được đầu tư bài bản và trả thù lao hậu hĩnh. Nhưng ở Việt Nam, như báo chí tiết lộ, “nghề nguy hiểm” này được trả công bọt bèo. Điều này cũng dễ hiểu, trong một nền điện ảnh mà cái gì cũng thiếu, nhất là thiếu tiền.
2. Cũng phải nói công bằng, trong điện ảnh không thiếu những sự mất mát kiểu “sinh nghề tử nghiệp”. Người ta từng biết đến sự ra đi của diễn viên George Camilleri, người đóng thế nam tài tử Brad Pitt trong siêu phẩm Con ngựa thành Troy. Tai nạn xảy ra khi George nhảy từ thuyền buồm xuống bãi biển và tiếp đất không đúng cách.
Vào năm 2011, một diễn viên đóng thế được giấu tên cũng đã tử nạn tại trường quay bộ phim “bom tấn” The Expendables 2 (Biệt đội đánh thuê). Đây là cảnh quay vô cùng nguy hiểm vì có sử dụng… thuốc nổ.
Có thể, còn tiếp tục có sự hy sinh nữa, tuy vậy, đó là những tai nạn mang tính hiện tượng hy hữu. Còn với điện ảnh Việt Nam, Phương “khói lửa” vốn được coi là người có nghề bậc nhất lại lâm vào thảm nạn, thì đây là tiếng chuông báo động. Nếu còn kéo dài sự lạc hậu ấy, ai dám chắc tai nạn không tiếp tục xảy ra.
Hàng ngày, chúng ta được theo dõi những bộ phim hay, mãn nhãn với những cảnh quay đẹp và chúng ta cũng hiểu được rằng, để có được những thước phim quý giá ấy, diễn viên, những người làm phim thường xuyên phải đối mặt với những gian khổ, thậm chí hy sinh. Với những nền điện ảnh hiện đại, được bảo hiểm và trang bị đến tận răng nguy hiểm vẫn rình rập. Vậy đối với điện ảnh thô sơ như chúng ta, nguy hiểm sẽ ở mức nào?
Người yêu điện ảnh đau xót trước sự ra đi của Phương “khói lửa”. Đây không phải lúc đổ lỗi cho ai, nhưng dù mơ hồ, tôi vẫn cứ nghĩ nền điện ảnh còn chút mắc nợ anh và những người làm “nghề nguy hiểm” như anh.
Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất