84 tuổi, King Kong vẫn lôi cuốn toàn cầu

16/03/2017 07:13 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) -Kong: Skull Island, phiên bản điện ảnh mới về King Kong đang "tung hoành" khắp thế giới và trở thành "vua phòng vé" khi thu về 61 triệu USD ở thị trường Bắc Mỹ trong dịp cuối tuần đầu tiên. Tại sao quái vật hủy diệt này ăn khách và được tôn sùng như vậy?

1. Ở Đức trong thời phát xít, phim rùng rợn bị cấm chiếu. Bộ phim King Kong đầu tiên, với tựa đề King Kong and the White Woman, có mặt ở rạp chiếu hồi năm 1933 và được quảng cáo là "một bộ phim tạo cảm giác mạnh của Mỹ".

Tuy nhiên sau đó, King Kong và những người bạn Hollywood của mình bị "xua đuổi", dù có thông tin rằng trùm phát xít Hitler cũng là một fan của bộ phim này.

Nhưng bộ phim này đã gặt hái thành công toàn cầu và tạo ảnh hưởng lớn tới nền văn hóa đại chúng trong những năm 1930. Sự kết hợp giữa kỹ xảo điện ảnh với nội dung nguyên sơ trong phim đã khiến tác phẩm này ăn khách ở Mỹ và khắp châu Âu.

Phim gây sốc cho khán giả với những hình ảnh được tạo dựng bằng hiệu ứng đặc biệt - khi mà trước đó công chúng chưa hề được xem bất cứ hình ảnh nào như vậy. Xem phim khán giả đã khiếp đảm khi con khỉ khổng lồ đã cho thấy nó có sức mạnh tàn phá và hủy diệt như thế nào.


King Kong trong phim "Kong: Đảo Đầu lâu"

Tuy nhiên, King Kong cũng thể hiện khía cạnh tình cảm, yêu thương. Ngay từ trong phim sản xuất năm 1933, con khỉ này đã biểu hiện yêu thích và nhạy cảm đối với "người phụ nữ da trắng" (diễn viên Fay Wray) sau khi cô bị King Kong bắt cóc.

Thực tế, khía cạnh tình cảm luôn là thế mạnh lớn nhất của King Kong bên cạnh khả năng hủy diệt của quái vật này. King Kong đã trèo lên tòa nhà Empire State ở New York, trong tay vẫn túm Wray. Sau đó, Kong bị bắn và ngã lăn ra chết, tuy nhiên trước đó nó vẫn kịp đặt Wray vào nơi an toàn.

2. Năm 1962, King Kong tới Nhật Bản với phim King Kong vs. Godzilla (1962). Trong phim này, ngoại hình của King Kong đã được làm "tinh" hơn và quái vật này đã tạo "cú hích" đáng kể cho doanh thu phòng vé, khi đánh nhau với quái vật Nhật Bản Godzilla trên đỉnh núi Phú Sĩ.

Tuy nhiên, trong những năm 1960, King Kong và nhiều phim quái vật khác trở nên lập dị và kém tinh tế hơn. Nhiều nhà phê bình cho rằng sự minh họa xuất sắc nhất về King Kong trong thời điểm này là phim King Kong Escapes (1967) của đạo diễn Nhật Bản Ishiro Honda.

Năm 1976, con khỉ khổng lồ đã trở lại Hollywood với phim King Kong và nữ diễn viên Jessica Lange đã đánh dấu vai diễn điện ảnh đầu tiên của mình với chân dung cô gái bị Kong bắt cóc trong phim.

Thư gửi Kinh Kong

Diễn viên Fay Wray trong bản phim năm 1939 từng mở đầu tự truyện của mình bằng một bức thư gửi cho King Kong, Cô viết: "Tôi không thể quên  những giây phút cuối cùng của anh, khi anh ngã xuống từ đỉnh tòa nhà Empire State, nhưng trước đó anh đã cẩn thận đặt tôi vào nơi an toàn. Cảnh này đã khiến tôi cảm thấy cổ họng mình như bị tắc nghẹn lại".

Nhưng, không phải phim King Kong nào cũng chiến thắng ở phòng vé. Phim King Kong Lives (1986) của đạo diễn John Guillermin, phần tiếp theo của phim sản xuất năm 1976, đã thất bại thảm hại - dù được làm mới bằng sự xuất hiện của một "đối tác" tình cảm là King Kong cái.

Trong tập phim này, Kong rơi xuống từ tòa tháp đôi song vẫn sống. Tuy nhiên, tim của nó có vấn đề và phải thay bằng tim nhân tạo. Cuộc sống của Kong vẫn ổn cho đến khi một King Kong cái xuất hiện và tàn phá.

Năm 2005, Hollywood có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn khi làm phim mới về King Kong. Với sự hỗ trợ của công nghệ máy tính, kinh phí lớn và tìm hiểu thị trường cẩn thận, đạo diễn New Zealand Peter Jackson đã lôi kéo được đám đông khán giả đến rạp chiếu với bản phim dài 187 phút.

3. Năm nay, King Kong tái xuất với phim Kong: Skull Island (Kong: Đảo Đầu lâu). Các đánh giá ban đầu về phim đều tốt, trong đó có nhiều lời khen dành cho nội dung và phần kỹ xảo điện ảnh đầy thuyết phục.

Nhìn lại, King Kong là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong lịch sử điện ảnh. Quái vật này và một loạt phim về nó thường được nhắc tới trong nền văn hóa đại chúng khắp thế giới.

Có thể nói, King Kong đã mang tầm vóc của một biểu tượng văn hóa đại chúng và huyền thoại hiện đại. Quái vật khổng lồ này làm nguồn cảm hứng sáng tạo, xuất hiện trong nhiều quảng cáo, phim hoạt hình, truyện tranh, kịch, phim điện ảnh, bìa tạp chí, thơ, biếm họa chính trị, truyện ngắn, chương trình truyền hình và trong các trò chơi điện tử.

Thậm chí, King Kong còn được nhắc đến trong album Baloney (2002) của Dàn nhạc Giao hưởng Los Angeles.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm