Đạo diễn Aaron Toronto: Viết được kịch Việt nhờ có vợ Việt

11/02/2015 07:31 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 16/2 (nhằm 28 tháng Chạp) vở Canh máu (KB: Aaron Toronto - Nhã Uyên, ĐD: Aaron Toronto) sẽ công diễn tại Kịch Sài Gòn, góp một hương vị “rùng rợn” cho mùa Tết. Điều đáng nói không phải ở chuyện một vở kịch mới ra rạp, mà là người dàn dựng xem đây là cột mốc để bản thân được “Việt hóa” nhiều hơn.

Nhân vật mà chúng tôi đề cập ở đây là đạo diễn - diễn viên Aaron Toronto (Mỹ, sinh 1977), người đã dàn dựng 5-6 vở kịch kinh điển bằng tiếng Anh tại TP.HCM từ năm 2011 đến 2014.

Aaron Toronto sống như một “công dân quốc tế”, học tiếng Việt từ năm 18 tuổi, nghĩa là có đã nửa đời dùng thứ tiếng này, nhưng chỉ khi lấy vợ (diễn viên Nhã Uyên) mới đủ can đảm viết kịch bản bằng tiếng Việt. Vừa rồi vợ chồng anh tham gia biên kịch phim Ngày nảy ngày nay (ĐD: Cường Ngô), sắp tới là một kịch bản phim truyền hình dài tập.

Thể thao & Văn hóa có cuộc trò chuyện với Aaron Toronto.   


Aaron Toronto

* Đã có một số nhà nghiên cứu người nước ngoài viết sách về Việt Nam để làm “sính lễ” cưới vợ Việt, anh có đi theo lối này không khi Canh máu do hai vợ chồng chắp bút, và anh thì dàn dựng?

- Tôi chưa suy nghĩ về ý này đến khi bạn hỏi, nhưng có lẽ nó khá thú vị, tại sao không? Điều quan trọng nhất là chúng tôi muốn có một vở kịch với tuổi thọ dài hơn, vì kịch tiếng Anh kinh điển chỉ diễn chừng 4-5 suất là hết khách tại TP.HCM.

Từ một góc độ khác thì đúng như bạn hỏi, nền văn hóa nào cũng có bề mặt và chiều sâu, để nắm được bề mặt đã khó, để hiểu hoặc chia sẻ về chiều sâu càng khó hơn. Từ khi lấy vợ tôi mới dần cảm nhận về chiều sâu nhiều hơn, nên những kịch bản tiếng Việt mới từ đó được sinh ra đời. Lấy vợ Việt thì tôi mới có được những đứa con tinh thần Việt.


Cảnh trong vở Canh máu tại buổi phúc khảo

* Nghe nói Canh máu có tứ từ truyện cổ của Nhật Bản, vậy thì bối cảnh của nó sẽ được Việt hóa như thế nào?

- Chúng tôi lùi về thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, với bối cảnh là sự phân hóa giàu nghèo. Một gia đình bần cố nông (anh Số chị Ba) đang bị áp bức bởi bà Lê với món nợ truyền kiếp. Sau đó bà Nguyễn xuất hiện để giải cứu anh Số và ép anh Số phải bỏ vợ để về làm gia nhân trong nhà bà. Ai cũng sợ bà Nguyễn vì người ta đồn bà là hồ ly tinh chuyên hút máu người. Rất tiếc tôi không thể tiết lộ nhiều hơn, nhưng như người Việt mình hay nói: “thấy vậy mà không phải vậy”, vở diễn sẽ có những bất ngờ và những thông điệp gần gũi.

* Chính nhóm kịch của anh (Dragonfly) lần đầu đưa vở phi lý kinh điển Trong khi chờ Godot sáng đèn tại Việt Nam, nay dựng một vở giải trí, ma quái, vậy có mâu thuẫn không?

- Nghệ thuật phải là sự giao thoa và giao lưu giữa nghệ sĩ với khán giả, nên không thể chỉ vì một phía nào cả. Kịch Sài Gòn có gu riêng, “nhập gia tùy tục”, đến đây dựng kịch thì mình phải biết khán giả là ai, không thể làm điều gì đó quá khác biệt. Tuy nhiên, dù là kịch giải trí, kinh dị, nhưng phía sau vẫn chuyên chở những câu chuyện đủ sâu để người xem ngẫm ngợi.

Aaron Toronto từng làm phó đạo diễn các phim chiếu tạp như Chuyện tình xa xứ, Để Mai tính, Sài Gòn yo!, Trúng số…; từng tham gia 7-8 chương trình truyền hình, trong đó có vai trò MC; từng đóng 6-7 phim truyền hình Việt Nam, mà sắp tới đây là Mỹ nhân Sài thành (ĐD: Lê Cung Bắc, 45 tập). Các vở kịch mà anh đồng dàn dựng bằng tiếng Anh là: The Last 5 Years (Năm năm vừa qua), The Importance of Being Earnest (Tầm quan trọng của sự nghiêm túc), Le Petit Prince (Hoàng tử bé), Dangerous Liaisons (Mối quan hệ nguy hiểm), Blue/Orange, sắp tới đây là chuỗi kịch ngắn của Tennessee Williams.

Như Hà (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm