'Đảo của dân ngụ cư' thất bại phòng vé - điều không khó lý giải

19/06/2017 08:13 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Được làm với tâm thế nghiêm túc và hướng đến một khí quyển nghệ thuật nhất định, đến nay phim Đảo của dân ngụ cư của Hồng Ánh vẫn còn nhận về sự thán phục của giới làm nghề, nhưng lại thất bại doanh thu phòng vé. Thất bại này có thể lý giải được.

1. Bạo lực, sự ẩn ức tình dục và một tình cảnh sống đậm chất hiện sinh là điều có thể dễ nhận ra từ bộ phim của Hồng Ánh. Chọn góc nhìn và cách kể chuyện tương đối bạo liệt, gần như không thỏa hiệp với các yếu tố câu khách, hoặc giải trí bình thường, việc Đảo của dân ngụ cư vắng khán giả đã được giới phát hành dự đoán từ trước. Nhưng nhiều người cũng hy vọng với các giải thưởng quốc tế mà phim có được sẽ cứu vớt tình hình phần nào.

Xem xong Đảo của dân ngụ cư, hẳn một số khán giả sẽ nghĩ tới các phim của Kim Ki Duk, dù câu chuyện, tính chất bạo lực và ẩn ức là khác nhau. Tại Hàn Quốc, phim của tượng đài điện ảnh này cũng không có nhiều người xem, có phim suốt tuần công chiếu chưa có nổi 100 người. Trong khi đó Kim Ki Duk là đạo diễn đã nhận được hầu hết các giải thưởng danh giá nhất thế giới, trong đó có giải Sư tử vàng tại LHP Venice năm 2012. Các nhà phát hành lớn nghe tới phim của Kim Ki Duk cũng “chạy dài”, né tránh.

 

Chú thích ảnh
Diễn viên Phạm Hồng Phước (vai Phước, bên trái) trong phim "Đảo của dân ngụ cư"

Thế nhưng có một điều đáng chú ý, khi đặt câu hỏi với 4-5 chuyên viên phát hành phim tại TP.HCM, hầu mong nghe họ cắt nghĩa vì sao Đảo của dân ngụ cư vắng khách? Mỗi người đưa ra một lý do để từ chối, nhưng điểm chung là họ đánh giá rất cao sự nỗ lực và lối đi này của Hồng Ánh, nên không muốn nhận xét gì thêm.

Một người trong số họ cho rằng nếu chỉ làm phim giải trí và giải trí, thì đến một ngày khán giả sẽ khó còn giữ được khả năng xem những phim có chất lượng nghệ thuật cao, hoặc thể nghiệm.

Trên báo điện tử Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Mạnh Cường (Trưởng phòng chiếu phim của Trung tâm Chiếu phim quốc gia) chia sẻ một số lý do khiến Đảo của dân ngụ cư vắng khách, trong đó có: “Bối cảnh phim ngột ngạt, bí bách, cộng thêm kết phim khá bi đát khiến cho khán giả khi xem xong có cảm giác nặng nề. Nhưng lý do khiến cho phim này vắng khán giả một phần nữa cũng là do công chiếu đúng vào thời điểm nắng nóng gay gắt, khán giả chỉ muốn ra ngoài vào buổi tối nên cũng khiến bộ phim bị giảm đi lượng xem”.

2.Khi đưa một phim nặng tính nghệ thuật đến với môi trường thương mại để bán vé, thì phải chấp nhận các quy luật của phòng vé. Dù lời khen tặng dành cho Đảo của dân ngụ cư là tràn ngập trên báo và mạng xã hội, đến nay vẫn chưa ngớt, nhưng khán giả mua vé (đa phần là giới trẻ từ 16 đến 24 tuổi - theo một khảo sát trước đây) thì có chọn lựa riêng, nó dường như chẳng chịu nhiều sự tác động từ những lời khen tặng kia.

'Đảo của dân ngụ cư': Hồi hộp chờ 'phản ứng' của khán giả

'Đảo của dân ngụ cư': Hồi hộp chờ 'phản ứng' của khán giả

'Đảo của dân ngụ cư' đã có một số giải quốc tế 'lận lưng', có yếu tố lạ và 'nóng'.

Nếu có một mong chờ gì đó về khía cạnh bán vé, thì chỉ còn biết mong chờ “gu” xem phim của khán giả trẻ sẽ đa dạng hơn để có thể tiếp cận nhiều phong cách làm phim khác nhau.

Mà thực tế này không chỉ xảy ra tại Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng đang bị phong cách làm phim kiểu Hollywood áp đảo phòng vé, thành ra kiểu làm của Hollywood thường bán được nhiều vé hơn.

Điều này có thể thấy được qua phim Em chưa 18 (đạo diễn: Lê Thanh Sơn) chẳng hạn, nó hoàn toàn mang dáng dấp thu nhỏ của một phim Hollywood.

Nếu sứ mệnh cao nhất của sáng tạo là “nỗ lực làm ra cái mới”, thì ngôn ngữ điện ảnh và cách kể chuyện trong Đảo của dân ngụ cư chưa mới, nó chỉ hàm chứa những cái hay theo chuẩn mực cũ.

Nhìn lại các phim giàu tính nghệ thuật mà bán được nhiều vé gần đây trên thế giới, ví dụ như La La Land, chúng có thể cũ về chủ đề, về câu chuyện, nhưng ngôn ngữ và cách kể phải có nét mới, phải phù hợp với tâm lý, nhịp sống đương thời.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm