Đào Anh Khánh: Một mình khuấy động Dòng chảy ngàn năm

26/05/2009 11:27 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Trong gần 10 năm, Đào Anh Khánh luôn đau đáu phải làm một chương trình tầm cỡ cho 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tới nay, không chỉ một mình anh, nhưng từ sự khởi xướng của anh đã có hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và quốc tế cùng góp sức thực hiện Dòng chảy ngàn năm tại studio của Đào Anh Khánh. Dòng chảy nghìn năm sẽ gồm 3 sự kiện lớn vắt qua 2 năm, mở đầu là Hội tụ ánh sáng (11/2009), tiếp đến là Cầu âm thanh (2/2010) và cuối cùng là Cây đời (10/2010) đúng dịp đại lễ.

Một thập niên miệt mài làm nghệ thuật trình diễn (perfomance art) với vai trò tiên phong quả cảm và “máu lửa”, Đào Anh Khánh là một nghệ sĩ khiến tôi kính trọng về tình yêu bền bỉ, xả thân, sức sáng tạo phong nhiêu, làm nên những đêm nghệ thuật độc đáo, quy mô lớn. Đầu tháng 5 này, anh và 15 họa sĩ Hà Nội khởi động làm sự kiện đầu tiên Hội tụ ánh sáng. Là tác giả kịch bản, tổng đạo diễn của các sự kiện trên, anh dành cho TT&VH cuộc trò chuyện:

10 năm - hết ra sông Hồng, sông Đuống lại về… studio

* Chúng ta bắt đầu cuộc trò chuyện hào hứng này chính từ cảm hứng của anh cho Thăng Long từ năm 2000 nhé!

Đào Anh Khánh đứng trong vườn, phía sau là bức tranh tường Hoa của trời (2009) 
- (Cười tít mắt) Lúc 990 năm Thăng Long, năm 2000, khi làm cuộc trình diễn đầu tiên Hòa cùng vũ trụ ở studio, kéo dài lên đê 1km, với mục đồng, 30 con bò thả dọc đê Ngọc Thụy, trước sự phấn kích, tò mò của công chúng, không khí náo nức của anh em nghệ sĩ khắp nơi về xem, khiến tôi quyết định phải làm gì đó cực lớn nhằm cống hiến cho Hà Nội 1.000 năm.

* Và anh bắt đầu viết kịch bản, lấy bối cảnh studio quen thuộc này, để rồi sau 8 năm, lại quay về chốn cũ?

- Năm 2001, tôi làm kịch bản, lấy bối cảnh bãi giữa sông Hồng. Nhưng có khó khăn về không gian cho người xem: hai bờ sông nhà mọc chi chít, mà để khán giả tràn xuống bãi giữa thì không ổn. Đến 2005, tôi lại viết kịch bản lấy bối cảnh mặt sông Đuống, phía cầu Đuống, tiến hành gặp các nghệ sĩ trong và ngoài nước để mời, tìm tài trợ. Tới 2007, tôi báo cáo với Ban chỉ đạo 1.000 năm Thăng Long, dự án được ủng hộ. Tôi được mời làm cuộc trình diễn lấy hồ Hoàn Kiếm làm bối cảnh, nhưng chờ suốt 2008, mà không thấy trả lời về công việc, lịch trình cụ thể... Hoang mang, không biết thế nào, thời gian qua rất nhanh, tôi quyết định không phụ thuộc vào bối cảnh bên ngoài, mà trở về studio.

5.000m2 studio và 1km đê để triển lãm

* Hội tụ ánh sáng - sự kiện đầu tiên của anh vào tháng 11 này đích thực là sự hội tụ quy mô lần đầu tiên ở Việt Nam do một cá nhân tổ chức. Anh có thấy mình liều không, khi vừa quy tụ anh em, vừa đi xin tài trợ, rồi đối phó giải quyết đủ thứ khó khăn?

- Chưa khi nào tôi mạnh như lần này. Những lần trình diễn trước, đến ngày diễn, ốm cũng làm, trời rét cứ mình trần đóng khố. Sức mạnh tinh thần quan trọng hơn, nó là lửa, là hưng phấn. Cùng tôi, là 15 anh em sống ở HN, đã biết gắn bó với nhau. 1.000 năm Thăng Long là sự kiện thiêng liêng, không thể bỏ lỡ. Cứ ngại khó khăn thì ai đứng ra tổ chức, lợi thế của tôi là kinh nghiệm và địa điểm. Hội tụ ánh sáng thực sự là cuộc hội tụ của nhiều loại ánh sáng, nhiều ánh chiếu sáng, mà ánh sáng tài nguyên quý giá, tỏa ra từ tài năng của họa sĩ.

* Tiêu chí nào để anh mời các họa sĩ cùng thực hiện dự án?

- Đa số họ được sinh ra ở HN và đều sống, làm việc lâu năm ở đây. Họ là họa sĩ, nhà điêu khắc, nghệ sĩ video, ca sĩ mà tôi đã hiểu qua quá trình làm việc. Trong những năm qua, họ đã làm việc hiệu quả, uy tín, đóng góp cho nghệ thuật đương đại của Hà Nội và Việt Nam, có nhiệt huyết, ảnh hưởng trong khu vực nghề nghiệp cũng như với xã hội.


Không gian trong studio của Đào Anh Khánh sẽ được sử dụng cho các
sự kiện Dòng chảy ngàn năm

* Ý tưởng của Hội tụ ánh sáng là gì, thưa anh?

- Các họa sĩ hoàn toàn độc lập, chủ động đưa ra ý tưởng cho tác phẩm, không bị phụ thuộc vào trào lưu, áp đặt nào, chỉ lấy nghệ thuật là tiêu điểm cao nhất để tặng cho Hà Nội, tác phẩm có thể đề cập đến các vấn đề, hình ảnh Hà Nội, nhưng không bắt buộc phải gắn với các biểu tượng đặc trưng, không minh họa, không bó trong vấn đề riêng của Hà Nội. Hơn hết là giá trị nghệ thuật nhân văn. Đòi hỏi chung là tất cả phải dâng hiến những tác phẩm xuất sắc nhất, tiêu biểu nhất của phong cách của mình. Mỗi họa sĩ ít nhất 1 tác phẩm, có thể nhiều hơn, không hạn chế.

* Yêu cầu bắt buộc về kỹ thuật và nghệ thuật của tác phẩm lần này chắc không đơn giản?

Sự trở lại của Đáo Xuân
Đào Anh Khánh quả quyết sự kiện tiếp theo: “Cầu âm thanh (2/2010) sẽ đánh dấu sự trở lại của Đáo Xuân (diễn liên tục từ 2002 đến 2006 thì tạm ngừng), nhưng sẽ làm từ nay cho đến lúc tôi không còn sức khỏe”. Cầu âm thanh nối quá khứ với hiện tại, nối Việt Nam với thế giới, dài 50m, được vắt theo nhịp lên xuống của studio. Làm bằng tre, cầu sẽ có nhịp điệu và kết cấu để tạo ra cảm giác âm nhạc. Khán giả không chỉ nghe, nhìn, mà còn được gợi mở, phát triển khả năng ứng phó với sóng âm thanh đa dạng, tuôn trào không dứt. Phần kết, công chúng sẽ thưởng thức tiếng hát của “ca sĩ” họ Đào - chính là chủ nhân dự án.
- Diện tích studio là 1.800m2, tính cả khu bên ngoài và lối vào tổng cộng 5.000m2 và 1 km trên đê Ngọc Thụy là không gian lớn, nên bắt buộc tác phẩm phải có quy mô hoành tráng, vì mỗi tác giả, phải đảm nhiệm một không gian rộng. Tác phẩm phải có độ bền, chịu được mưa nắng, gió, vì bày ngoài trời. Tôi sẽ phải thuê bảo vệ 24/24. Mọi tác phẩm phải tỏa sáng. Ánh sáng từ bản thân tác phẩm chiếu ra, từ ngoài chiếu vào, hoặc cả hai, chiếu sáng bằng lửa, điện, laser, pin, dạ quang, nến, mọi chất liệu có thể tạo ánh sáng. Các họa sĩ sẽ đứng bên tác phẩm của mình, không phải bảo vệ chúng, mà là tham gia vào quá trình vận động của sân khấu.

Các nhạc sĩ nổi bật về âm nhạc đương đại sẽ có mặt tại 3 sân khấu: trên đê (Nguyễn Xuân Sơn, Trần Kim Ngọc), trong studio (Vũ Nhật Tân), ngoài studio (Trí Minh), để trình diễn âm thanh liên tục từ chiều đến đêm. Có hai nghệ sĩ nước ngoài tham gia sân khấu này. Ông Brian Pring (58 tuổi), người Canada (sống trên 10 năm ở VN), sẽ làm video art trong sân. Nữ nghệ sĩ nước ngoài duy nhất tham gia dự án này là Simona (32 tuổi) người Italia, từng có triển lãm tranh ở Hà Nội. Lần này, chị sẽ bay sang, làm tác phẩm, dùng ánh sáng lửa, điện.

* Xin cảm ơn anh.
 
Dựng 36 cây măng trên đê tượng trưng cho 36 phố phường
Đó là sự kiện Cây đời sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 10/2010, đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Xuất phát từ câu nói nổi tiếng của J.Goethe: “Mọi lý thuyết đều xám, chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi”, Đào Anh Khánh cho biết: “Tôi sẽ dùng hình ảnh cây măng, làm từ nhiều chất liệu. Cao nhất 35m, đường kính 60, bê-tông là chủ yếu, cây măng này là khối điêu khắc mở cho các sự kiện sau này tiếp tục sử dụng. Đây chính là sân khấu của tôi. Cây đời, là hy vọng, là sức sống, sẽ có 36 cây măng trên đê, tượng trưng cho 36 phố phường, cao từ 5 - 12m bằng tre, nilon. 4 cây trong sân studio và 1 cây cao nhất dựng trong khu vườn um tùm. Âm nhạc đương đại là nền tảng, với các nhạc sĩ tiên phong về âm nhạc đương đại Việt Nam.
Vi Thùy Linh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm