(TT&VH) - Nếu cần chỉ ra một nghệ sĩ Việt Nam nào quyết liệt với nghệ thuật đến mức vắt kiệt, chấp nhận trả giá, hy sinh để cống hiến vì công chúng, lập tức những người yêu nghệ thuật sẽ đồng thanh “Đào Anh Khánh”. Chính anh, chỉ anh mới đủ dũng cảm và năng lượng thực hiện những ý tưởng phi thường.
1. Sau khi viết về cuộc trình diễn Cây đời, tôi phải trả lời nhiều lần cho cùng một câu hỏi: “Có thật đây là cuộc trình diễn cuối cùng?”. Trong đêm diễn, dưới chân cầu Long Biên, công an, trật tự viên phường Ngọc Thụy, quận Long Biên phải tổ chức phân luồng đường bằng barie sắt và ô tô. Tôi cùng tất cả du khách đi bộ trên triền đê nơi diễn ra cuộc triển lãm sắp đặt lộng lẫy đến bàng hoàng. Bên phải, 38 cây măng rực rỡ, bên trái những dải lụa màu và trắng do chính Khánh đề thơ mình, lượn mềm trong gió. Dọc đê xuống studio, hàng quán “ăn theo” la liệt. Đào Anh Khánh đang múa với đôi nạng gỗ khi ở trên cao 2m. Ảnh: Nguyễn Hữu Bảo
Đêm diễn nghệ thuật của một nghệ sĩ thu hút lượng người đến xem đông thế, bởi khối lượng công việc mà Đào Anh Khánh làm hơn một nhà hát.
Bất chấp những đàm tiếu, bình luận về mình, Đào Anh Khánh bằng tình yêu khác thường và cực điểm với nghệ thuật trình diễn, đã kiên cường suốt 10 năm qua, biến những giấc mơ thành hiện thực. Anh là tác giả, đạo diễn, biên đạo, thiết kế phục trang, kiến trúc sư, tổng công trình sư, diễn viên chính và tự lo kinh phí, xin tài trợ cho tất cả các đêm diễn (miễn phí). Anh đã bỏ hai năm làm chuỗi sự kiện Dòng chảy ngàn năm dồn toàn lực cho đêm diễn cuối cùng Trong vườn nhà, quả cầu chiếu hình với 12 diễn viên, tượng trưng cho 12 tháng, 12 múi giờ múa - tác phẩm Phủ xanh trái đất. Đa số mọi người dồn ra bãi đất ngoài Studio, hướng lên sân khấu cao 2m, rộng 900m2 chờ xem tác phẩm Thăng bằng. Trời thương anh, mưa một chút rồi tạnh hẳn. Trong bộ vest xanh lá cây, Đào Anh Khánh phát biểu mở màn. Lời kết khiến chúng tôi cảm động : “Cảm ơn Trời Đất và cha mẹ đã phù trợ cho con thực hiện được giấc mơ của mình”. Lúc 22h30, đêm diễn kết thúc, khán giả còn ngần ngừ chưa muốn về. 2. Trưa hôm qua, 16/10, tôi gọi đến Đào Anh Khánh, anh bận. 13h20 anh gọi lại, nói vừa bán được 1 tranh sơn mài 30 x 40cm vẽ phố Hà Nội. Một đôi bạn dạy Đại học từ Na Uy đến, một người mua tranh, còn một người bạn hẹn sẽ rủ người yêu quay lại mua sau. Họ biết anh từ lâu và tiếc không được xem Cây đời. Một bức tranh nhỏ bán đi, đáng là bao so với số nợ 600 triệu Đào Anh Khánh đang gánh sau Cây đời. Vẫn vẽ và sáng tạo độc lập, nên mỗi lần làm trình diễn anh phải mất nhiều thời gian chuẩn bị và phải gác chuyện vẽ (đồng nghĩa giảm sút thu nhập). Vẽ còn để lại tranh. Trình diễn chỉ còn lại trong kí ức, trí nhớ. Chúng ta xem miễn phí 10 năm qua và chúng ta vẫn mong Anh Khánh không bỏ cuộc. Nhưng chúng ta đều trở lại công việc sau đêm hạnh phúc được chiêm ngắm và thưởng ngoạn, còn tổng đạo diễn kiêm diễn viên chính thì không kết thúc được vì lại bắt đầu một nhiệm vụ tưởng mâu thuẫn, lại là cốt lõi để vận hành nghệ thuật: kiếm tiền. Anh phải lo trả nợ! Toàn bộ tác phẩm sắp đặt sẽ giữ nguyên tới hết 18/10. Công chúng vẫn còn cơ hội ngắm sự sáng tạo hy hữu này 2 ngày nữa. |
3. “Tôi tập trung tinh thần để diễn nên quên đau” - Đào Anh Khánh đã nói như vậy về cái chân bị gãy của mình mà trong suốt 4 tháng luyện tập, và cả trong đêm diễn anh vẫn phải mang đôi nạng. Không chỉ quên đau, anh còn quên hết những nhọc nhằn, phức tạp và phiền nhiễu của đời sống để thăng hoa cho cái đẹp, tạo ra cái đẹp, bằng hết năng lực của mình. Anh vẫn đang là “con nợ” của 600 triệu và nhiều dự định. Tôi đâu muốn tin và biết chính Đào Anh Khánh cũng không muốn Cây đời là đêm diễn cuối cùng. Một nghệ sĩ “ròng” như anh dễ gì từ bỏ đam mê máu thịt. Công chúng sẽ cùng anh nhớ những đêm diễn để chờ lần gặp lại, bởi niềm tin vào “sứ mệnh Khánh”. Chúc anh hồi sinh năng lượng sáng tạo và gặp nhiều may mắn. Đào Anh Khánh không bao giờ kết thúc những giấc mơ!Vi Thùy Linh