09/08/2024 17:06 GMT+7 | Văn hoá
Sự dịch chuyển ở đây không đơn thuần mang tính cơ học theo nghĩa tháo lắp và di dời những cây cầu bộ hành tới vị trí thích hợp hơn - dù thực tế đã có điều đó. Về lâu dài, đó phải là sự dịch chuyển trong cách tiếp cận về tính đa chức năng của cây cầu, về cách quy hoạch và chọn vị trí lắp đặt, cũng như khả năng thu hút nguồn lực để cầu bộ hành luôn được "chăm sóc" như những không gian quan trọng tại Hà Nội.
Để kết thúc loạt bài này, Thể thao và Văn hóa có cuộc trao đổi với 3 chuyên gia: Kĩ sư Nguyễn Tuấn Bình, Kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà và họa sĩ Nguyễn Thế Sơn.
Cơ hội từ những "mặt tiền thứ hai"
* Xin bắt đầu bằng một thực tế: Hà Nội vừa có thêm vài cây cầu bộ hành khá độc đáo như cầu Trần Nhật Duật, hoặc ở mức thấp hơn trước đó là "cầu chữ Y". Rồi, liền kề với Thủ đô - và cũng là nơi có nhiều người dân Hà Nội đang sống - khu đô thị Mega Grand World Hà Nội (Văn Giang, Hưng Yên) cũng vừa khánh thành 3 cây cầu bộ hành khá bắt mắt…
- Kĩ sư Nguyễn Tuấn Bình: Giải pháp kết cấu của cầu chữ Y (phố Nguyễn Thị Thập - Hoàng Minh Giám, xây năm 2021) không có gì mới trên thế giới, nhưng lại nổi bật vì lần đầu xuất hiện ở Hà Nội, giữa giao lộ trung tâm. Phía thiết kế tạo điểm nhấn mỹ thuật bằng cách sử dụng dầm hộp đáy bằng, mang lại mặt phẳng trơn dưới gầm cầu thay vì hệ mạng dầm nặng nề. Ngoài ra, hệ dàn thưa, sơn xanh khiến kết cấu vững chãi và bề thế, phù hợp với không gian lớn.
Điều đáng nói nhất ở cây cầu này là việc thiết lập hệ thống đèn led đổi màu ấn tượng và nổi bật về đêm. Đó là một bước đột phá, vì trước đây chúng ta mới chỉ làm hệ thống chiếu sáng kiến trúc cho các cầu vượt lớn cho xe cơ giới.
Riêng ba cây cầu tại khu Mega Grand World Hà Nội chúng có công năng sử dụng tuyệt đối vì là lối đi bộ bắt buộc để kết nối các khu đô thị. Mặt khác, các cầu này cũng đáp ứng được tính chất thu hút mọi người tới tham quan, để trở thành biểu tượng của cả khu đô thị.
- KTS Đoàn Thanh Hà: Có thêm một điểm đáng chú ý tại 3 cây cầu sau: Chúng do tư nhân đầu tư, nằm trong một khu đô thị, được đầu tư đồng bộ từ quy hoạch tổng thể, từ đó vị trí đặt cầu được tính toán phù hợp với "câu chuyện" mà khu đô thị đề ra. Khá quan trọng, cầu có thang máy cho người tàn tật, người già, trẻ nhỏ... hỗ trợ và định hướng luồng người di chuyển.
* Từ những ví dụ này, ta có thể hi vọng gì về sự đổi mới trong cách nhìn của cộng đồng và phía quản lý: Coi cầu bộ hành là những công trình gắn với thẩm mỹ và không gian công cộng, thay vì chỉ… để đi?
- Kĩ sư Nguyễn Tuấn Bình: Nhu cầu về không gian đi bộ luôn luôn cần thiết tại mọi đô thị. Và về bản chất, cầu đi bộ chính là "vỉa hè nâng cao", tạo dựng một mặt tiền thứ hai trên các trục đường.
Nếu được nhìn như một kiến trúc gắn với cảnh quan đô thị, cầu bộ hành cần thêm sự đầu tư, quan tâm để tạo thành những điểm đến hấp dẫn, thậm chí là không gian cho hoạt động văn hóa. Nếu thành công, điều này tự khắc sẽ thu hút người đi bộ, như mục đích lớn nhất của cây cầu.
- Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn: Trên thế giới, nghệ thuật đang có xu hướng "vượt thoát" khỏi các không gian mặc định của bảo tàng hay gallery để tương tác với cộng đồng nhiều hơn. Những không gian công cộng như trạm xe, ga tàu điện ngầm, cầu bộ hành… ngày càng được khai thác nhiều. Với đặc trưng hẹp dài, có những luồng di chuyển tạo sự sinh động cho thành phố, không gian này có thể "đánh thức" những lớp văn hóa ngầm quanh nó, nếu chọn cách tiếp cận hợp lý.
- KTS Đoàn Thanh Hà: Tôi muốn bổ sung thêm từ góc nhìn ra thế giới. Ở nhiều đô thị, cầu bộ hành vẫn được đầu tư như những kiến trúc cuốn hút tạo nên diện mạo đặc trưng. Chẳng hạn, đó là cầu Hiến pháp (Ponte della Costituzione) khánh thành năm 2007 ở Venice, bắc qua nhà ga và quảng trường. Cầu được làm từ vật liệu nhẹ, gồm thép và kính, có hình dáng như một làn sóng dâng trào lên mặt nước và rất nổi tiếng.
Hoặc, Copenhagen có cầy cầu tôn vinh người đi bộ với tên cầu Vòng tròn (Cirkelbroen), mang thiết kế gồm nhiều vòng tròn như một minh chứng cho lịch sử hàng hải của khu vực. Đây là nơi dừng chân nghỉ ngơi, gặp gỡ và ngắm cảnh của 5000 người mỗi ngày, kể từ năm 2015.
Những ví dụ ấy phần nào giúp ta thấy được mối liên hệ mật thiết của cầu bộ hành với không gian kiến trúc cảnh quan của một đô thị.
"Khi người đi bộ được đặt ở vị trí ưu tiên ngay từ khâu quy hoạch và thiết kế, họ sẽ rất thoải mái sử dụng những cầu bộ hành vì nhận ra đó là không gian an toàn cho mình" - KTS Đoàn Thanh Hà.
"Dễ làm" hay "dễ để người dân tiếp cận"?
* Thiết lập những cây cầu bộ hành đa chức năng, có tính mỹ thuật cao, đó là câu chuyện nên làm nhưng rõ ràng sẽ phụ thuộc lớn vào điều kiện, cũng như khả năng xã hội hóa, của từng đô thị. Còn ở mức độ nhỏ hơn, việc cải tạo - hoặc tái tạo và bổ sung công năng - cho những cây cầu cũ liệu có khả thi?
- Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn: Tôi cũng nhận được những câu hỏi về khả năng "nhân bản" cầu Trần Nhật Duật. Trên lý thuyết, đây cũng có thể là một hướng suy nghĩ cho việc tạo sự sinh động ở cầu bộ hành. Nhưng việc "tiếp biến" thêm nghệ thuật vào những câu cầu đã xây là điều phải tính toán và chọn lựa về cảnh quan, lịch sử của từng trường hợp - thay vì làm ồ ạt thiếu bản sắc.
Nhìn rộng hơn, dù chỉ là cải tạo không gian của một số cây cầu, chúng ta cần những giải pháp thu hút nguồn lực xã hội, và cần cả sự thay đổi trong cách đầu tư của Nhà nước. Không nơi nào có thể bán vé thu tiền trực tiếp từ những cây cầu bộ hành đẹp. Nhưng nhìn tổng thể và lâu dài, chúng đủ sức "kích hoạt" nguồn lợi từ du lịch, dịch vụ cho cả một khu vực hay một quần thể không gian.
- Kĩ sư Nguyễn Tuấn Bình: Xin chia sẻ thêm: Ở mức thấp nhất, việc "làm đẹp" những cầu bộ hành đã xây bằng việc phủ cây xanh, lắp đặt hệ thống chiếu sáng nghệ thuật… hoàn toàn khả thi về kĩ thuật. Kinh phí cho các hoạt động này cũng chỉ là 10 - 15% so với kinh phí xây một cây cầu. Nhưng điều quan trọng nhất là nguồn lực để duy tu, bảo dưỡng chúng một cách bền vững.
Như tôi biết, kinh phí hiện rót cho các hoạt động này rất thấp. Đã có những cây cầu từng làm rồi phải bỏ không duy trì các bồn hoa hay hệ dây leo xanh. Rồi, nhiều cây cầu lại bỏ phần mái che khi thiết kế, vì… biết trước rằng việc thiếu giám sát, dọn dẹp vệ sinh sẽ khiến những "không gian kín" được tạo ra càng thêm nhếch nhác, hoặc bất an vào ban đêm.
* Và cuối cùng, chúng ta vẫn phải quay lại với câu hỏi muôn thuở về giải pháp cho thực trạng buồn: có nhiều khách bộ hành vẫn giữ tâm lý giản tiện, muốn… băng qua đường và bỏ qua sự tồn tại của cầu bộ hành?
- KTS Đoàn Thanh Hà: Đã đến lúc, chúng ta cần rà soát lại toàn bộ quy hoạch không gian sử dụng đất tại các vị trí đặt cầu bộ hành để đánh giá lại những nơi nào là hợp lý, từ đó phát huy hiệu quả sử dụng trong suốt quãng đời của các cây cầu này, cũng như áp dụng kinh nghiệm cho những cây cầu xây sau.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới từng chỉ rõ: Ở những khu vực có nhu cầu đi bộ lớn như các trung tâm thương mại, nhà ga, trạm giao thông công cộng…, nên ưu tiên cho người đi bộ trên mặt đất qua vạch kẻ sang đường, đồng thời đặt biển báo hạn chế tốc độ của giao thông cơ giới.
Ngược lại, ở những nơi có nhu cầu đi bộ không cao và vẫn cần đảm bảo tốc độ cho phương tiện cơ giới thì ta mới bố trí cầu vượt bộ hành tại những vị trí mà người dân dễ tiếp cận (chứ không phải những vị trí "dễ làm"). Và tốt nhất, cần có thiết kế hấp dẫn, thân thiện, tích hợp thang máy, thang cuốn hỗ trợ cho nhóm người yếu thế...
* Xin cám ơn các chuyên gia về cuộc trò chuyện!
Vài nét về các chuyên gia
- Thạc sĩ, kĩ sư Nguyễn Tuấn Bình (ĐH Giao thông Vận tải) - người đã tham gia tư vấn thiết kế nhiều cầu bộ hành tại Hà Nội.
- Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn (ĐH Quốc gia Hà Nội), "tác giả" chính của dự án trang trí cầu Trần Nhật Duật.
- KTS Đoàn Thanh Hà tốt nghiệp Thạc sỹ kiến trúc tại Đại học Kiến trúc Hà Nội, là sáng lập & Kiến trúc sư trưởng ở H&P Architects, từng nhận khoảng 30 giải thưởng trong nước lẫn quốc tế cho các công trình và đồ án kiến trúc.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất