Ghi nhanh từ Quảng Bình: 'Mỗi lần về quê, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi thăm từng nhà'

05/10/2013 18:20 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngay từ sáng sớm hôm nay, người dân thôn An Xá (Lộc Thủy, Lệ Thủy) đã tập trung tại nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không ai muốn tin rằng Đại tướng đã ra đi mãi mãi!

Khi biết sự thật đúng là như vậy, nhiều người đã òa khóc gọi “Bác ơi! Bác ơi!”. Bà Võ Thị Trang (69 tuổi, thôn An Xá, Lộc Thủy) - cháu gọi Đại tướng bằng cậu họ đã không thể kìm lòng, chạy lại ôm tượng Đại tướng. Bà khóc và kể: “Mới 2 tháng trước, các cháu tôi ở trên huyện ra thăm cậu, cậu vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh lắm. Cứ viết từng câu trên giấy đưa cậu xem, cái nào đúng thì cậu gật đầu, cái nào không đúng là lắc đầu. Mấy ngày ni, trong lòng tôi thấy bất an, cồn cào không hiểu có chuyện gì,... thì ra là tin cậu mất.

Mỗi lần về thăm quê, cậu dặn dò bà con cố gắng làm ăn, sống vui vẻ, còn trẻ con phải lo học tập. Lần nào cậu về tôi cũng sang nấu nước, nấu cháo,... nhưng cậu bận quá, không lần nào ở lại ăn được”.


Người lính già vượt 40km trong đêm về nhà Đại tướng vì không tin ông mất

Căn nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp đơn sơ như chính phong thái bình dị của cụ. Hàng cây sau bão đã xác xơ, nay hay tin cụ mất càng ủ rũ hơn. Sông Kiến Giang, nơi tắm mát thời tuổi thơ của Đại tướng, hôm nay cũng mênh mang và lặng lẽ. Vẫn còn đó, những bức ảnh Đại tướng cười thật tươi mỗi lần về thăm quê, còn đó chiếc phản gỗ nhỏ - nơi cụ về nghỉ ngơi,... Tất cả còn nguyên đó mà người đã đi rồi.

Ông Võ Đại Hàm (70 tuổi), người trông coi nhà Đại tướng, đã phải cố gắng kìm nén nỗi đau, lo hậu sự. “Tôi nghe tin bác mất lúc 18h30 hôm qua. Giờ chỉ biết tập trung lo chuẩn bị tang lễ”.

Mỗi người một tay lo chuẩn bị tang lễ Đại tướng tại quê nhà

Mỗi người một tay, người ra vườn hái bưởi, cắt chuối, người thu dọn bàn ghế trong nhà, người thắp nhang, đốt đèn cầy... Tất cả cứ lặng lẽ làm việc của mình. Không ai bảo ai, họ biết mình phải là những người kìm nén mất mát lớn lao này để lo chu toàn công việc tại đây, dù cho toàn thể đồng bào đang rơi nước mắt.

Một cụ già cao lớn, nói tiếng sang sảng, không ai biết là ai từ ngoài cổng chạy vào nhà “Đại tướng đã đi thật rồi sao”. Người lính già ấy là ông Nguyễn Thanh Hoanh (68 tuổi, ở Đồng Hới) - nguyên là trợ lý tham mưu công binh binh trạm 14. “3h sáng, tôi mở máy tính đọc báo mới biết tin cụ mất, nhưng tôi không tin. Sáng nay, tôi chạy xe về đây ngay xem có đúng sự thật không. Tôi vừa đi vừa khóc. Đến nơi... thì đúng là cụ mất rồi”, ông Hoanh chia sẻ.


Tất cả trong căn nhà còn nguyên đó mà Đại tướng  đã ra đi mãi mãi rồi

Bao kỷ niệm với Đại tướng chợt ùa về, xô đẩy nếp nhăn trên khuôn mặt ông, càng khiến vẻ mặt đau đớn hơn: “Hồi ấy, bác về thăm chúng tôi, bắt tay từng người. Thấy nhiều chị em thiếu thốn, bác cho mỗi người 1 bánh xà bông, 1 miếng vải màn. Bác đã nhiều lần về thăm chúng tôi, cho đến năm vừa rồi, bác vẫn nhớ tiểu đội của tôi ai còn, ai mất”.

Người dân thôn An Xá đang khẩn trương dọn dẹp lại đường làng để có không gian sạch sẽ nhất, chuẩn bị cho tang lễ Đại tướng. Mỗi lần Đại tướng về quê, những đứa trẻ nơi đâylại náo nức ra đón, mong được nhìn thật kỹ cụ, để có câu chuyện kể cho lũ bạn ở trường với vẻ đầy tự hào. Nhưng hôm nay, bọn chúng buồn đến lạ. 

Người dân tưởng nhớ cụ qua tấm hình

Ông Võ Văn Sỏn - hàng xóm (79 tuổi, thôn An xá): “8h tối hôm qua, đứa con ở Vũng Tàu điện về báo tin Đại tướng mất lúc 6h chiều. Tôi chạy đi ra đi vô qua nhà nhưng không thấy có động tĩnh chi cả, tôi cũng chưa tin. 5h sáng ni, tôi qua đây thì đúng là bác mất rồi. Đau xót quá! Quá đột ngột! Một lần về quê, bác đi từng nhà, thăm từ già tới trẻ”.

Chuyên đề: Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Hồng Thúy
Từ Lệ Thủy - Quảng Bình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm