Đảo chính Thái Lan đã diễn ra như thế nào?

23/05/2014 10:15 GMT+7 | Trong nước

(Theothaovanhoa.vn) - Trong ngày 22/5, tướng quân đội Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã triệu tập các lãnh đạo của hai lực lượng ủng hộ và phản đối chính phủ tới dự một cuộc họp kín, trong nỗ lực cuối cùng nhằm phá vỡ sự bế tắc chính trị đã kéo dài suốt 6 tháng qua. Chẳng ai biết rằng dông bão sắp xảy ra

Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ đối thoại giữa các phe tại CLB Quân đội ở Bangkok, viên tướng đã hết kiên nhẫn.

Những cái đầu nóng

"Do chúng ta không thể tìm được cách để đưa đất nước tới hòa bình và không ai chịu lui bước, tôi muốn tuyên bố rằng tôi sẽ nắm quyền" - ông bình thản nói với những người có mặt trong phòng, theo lời kể của một ủy viên bầu cử đã hiện diện tại sự kiện - "Mọi người phải ngồi yên tại chỗ".

Quyết định của ông trong việc tổ chức cuộc đảo chính thành công thứ 12 của Thái Lan kể từ khi trở thành quốc gia quân chủ lập hiến kể từ năm 1932, dựa trên việc các phe có quan điểm quá cách xa nhau và kể cả khi đã đối thoại, họ vẫn không thay đổi ý kiến.


Binh lính Thái Lan bao vây CLB Quân đội

Theo 2 nguồn tin đã tham gia cuộc họp, nội các còn lại của Thủ tướng Yingluck Shinawatra mới bị phế truất, tuyên bố với các đại biểu rằng họ sẽ không từ chức. Bà Yingluck bị một tòa án buộc phải từ nhiệm cách đây 2 tuần, nhưng chính quyền của bà vẫn điều hành một đất nước đang đối mặt với ngày càng nhiều bất ổn và nguy cơ suy giảm kinh tế mỗi lúc một lớn dần.

Trong khi đó các lãnh đạo lực lượng biểu tình, những người đã cắm trại bên ngoài trung tâm Bangkok, đã tới cuộc họp kín cùng chính trị gia đối lập Suthep Thaugsuban. Họ tuyên bố sẽ không ngừng biểu tình.

Suthep lâu nay đã vận động yêu cầu chính quyền phải từ chức, bầu thủ tướng tạm quyền mới và cải cách triệt để nhằm giúp Thái Lan không còn chịu ảnh hưởng của anh trai bà Yingluck, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.Bản thân Thaksin cũng bị lật đổ trong một cuộc đảo chính hồi năm 2006 và hiện đang sống lưu vong.

Về phần mình người biểu tình "áo đỏ" dưới sự lãnh đạo của Jatuporn Prompan, cũng thề không từ bỏ việc biểu tình để cứu chính quyền. Họ đã đe dọa chiến đấu nếu quân đội nắm quyền.Nói chung các bên đều không chịu nhường nhau

Biến cố nhanh chóng

Ngay trước 3 giờ chiều, Suthep đã giơ tay và đề nghị được nói chuyện riêng với tướng Prayuth và mời Jatuporn tham gia cuộc thảo luận. Các đại biểu không để ý tới sự thay đổi nhỏ này, tuy nhiên nó đã đánh dấu thời điểm ông  Prayuth không còn kiên nhẫn được nữa.

"Sau đề nghị đó, mọi chuyện diễn biến rất nhanh" - một lãnh đạo lực lượng ủng hộ chính quyền tham dự cuộc họp kể với Reuters. Binh lính đã tiến vào phòng ngay khi Prayuth rời đi. Ông được đưa lên xe và tới đài truyền hình quốc gia để tuyên bố mình đã nắm quyền kiểm soát đất nước.

Các đài truyền hình Thái Lan đã ngừng các chương trình đang phát sóng để chiếu biểu tượng quân đội cùng quân nhạc, trước khi Prayuth lên phát biểu. Ở một đất nước đã quá quen với đảo chính như Thái Lan, người dân nhận tin với ít cảm xúc.  

Trở lại CLB quân đội, các ủy viên bầu cử và nghị sĩ lập tức được đưa vào một căn phòng nằm ở dưới khu vực diễn ra cuộc họp kín. Binh lính tiếp tục bao vây Suthep và đưa ông đi trên một chiếc xe tải màu trắng.

Hàng trăm người lính khác tiếp tục kéo tới, dùng xe chắn lối ra vào CLB và bao vây bất kỳ ai rời khỏi cuộc họp. Các nhân vật này gồm đại diện đảng Puea Thai, đảng Dân chủ đối lập và lãnh đạo lực lượng biểu tình. Giống Suthep, họ cũng bị đưa đi trên những chiếc xe tải.

Hiện không rõ ông Prayuth đã lên kế hoạch tiến hành đảo chính trong bao lâu. Nhưng với việc triệu tập tất cả các bên tới CLB Quân đội, binh lính của ông đã có thể dễ dàng bắt giữ nhiều nhân vật chính trị quyền lực nhất nước cùng lúc. Thủ tướng tạm quyền Niwatthamrong Boonsongphaisan đã không tham dự các cuộc họp kín. Tuy nhiên với việc đảo chính diễn ra, ông đã trở thành thủ tướng thân Thaksin thứ 4 mất quyền, kể từ khi Thaksin bị lật đổ hồi năm 2006.

Tường Linh
Theo Reuters

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm