'Đánh bạc' với bóng đá trẻ Việt Nam

17/08/2019 12:56 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Bóng đá trẻ là thiếu ổn định, bóng đá trẻ là may thì được lứa, không may thì công cốc, nói tóm lại, bóng đá trẻ là hên xui… Thế thì tại sao chúng ta lại tự tạo sức ép cho những người đã và đang làm công tác "trồng cây", chỉ vì biểu đồ thành tích không đều tay, so với 3-4 năm đổ lại! Đội tuyển U18 Việt Nam không thi đấu thành công tại giải U18 Đông Nam Á mở rộng (thua U18 Campuchia trong trận cuối và dừng bước ở vòng bảng), nhưng nên nhớ, đây chỉ là bản đề mô cho chiến dịch Vòng loại U19 châu Á vào năm sau.

Lịch thi đấu và trực tiếp bóng đá U18 Đông Nam Á hôm nay (17/08)

Lịch thi đấu và trực tiếp bóng đá U18 Đông Nam Á hôm nay (17/08)

Trực tiếp bóng đá hôm nay: U18 Việt Nam, Lịch thi đấu bán kết U18 Đông Nam Á hôm nay, Kết quả bóng đá hôm nay, Xem bóng đá trực tuyến K+, VTV6, Bóng đá TV, FPT Play

Trước khi giải đấu diễn ra, HLV Hoàng Anh Tuấn đã chia sẻ rất nhiều với Thể thao & Văn hóa, xung quanh vấn đề nhân sự, kế hoạch tập luyện và cả chuyện chế độ, chứ không phải đợi đến lúc này, khi U18 Việt Nam đã bị loại.

3,5 triệu trước thuế, hỏi ai làm?

"Tại sao ê-kíp BHL của đội tuyển U18 Việt Nam lại mỏng thế, thưa HLV Hoàng Anh Tuấn?", phóng viên Thể thao & Văn hóa từng đặt vấn đề với thuyền trưởng người Khánh Hòa, sau khi đội bóng trở về từ chuyến tập huấn miễn phí trên đất Nhật.

"Anh hỏi thế, tôi thật không biết trả lời như thế nào. Chế độ cho một HLV trên đội tuyển trẻ U18 Việt Nam chỉ là 3,5 triệu đồng trước thuế, hỏi ai làm? Tôi đã đặt vấn đề với nhiều đồng nghiệp - cộng sự, nhưng họ đều từ chối. Chỉ còn lại 2-3 anh em đã gắn bó với nhau từ nhiều năm qua", ông Tuấn buồn bã trả lời.

Thật không thể tin được, khi người ta có thể trả hàng chục ngàn USD/tháng cho một HLV trưởng các ĐTQG, nhưng lại chỉ chi 100 USD/tháng cho một HLV với vai trò tương tự ở đội tuyển trẻ. Mà ông Tuấn là ai? Người đã đưa đội tuyển U20 Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử nền bóng đá dự FIFA U20 World Cup 2017. Trước đó, Hoàng Anh Tuấn và cộng sự cũng đã giúp U19 Việt Nam lần đầu vào bán kết VCK U19 châu Á 2016, sau khi quật ngã rất nhiều gã khổng lồ.

Thế hệ các học trò của Hoàng Anh Tuấn ở U19 Việt Nam và U20 Việt Nam, cách đây 3 năm, giờ nhiều người là nòng cốt của đội tuyển quốc gia. Ví như Quang Hải, Văn Hậu, Đình Trọng, Hà Đức Chinh, Hoàng Đức…

Chú thích ảnh
Thất bại của lứa U18 Việt Nam cần được nhìn nhận thấu đáo, thay vì vùi dập những tài năng còn đang trưởng thành. Ảnh: Tuấn Hữu

Có gốc thì mới có ngọn, có công chăm bón mới có ngày hái quả. Ông Tuấn nói, đội tuyển U18 Việt Nam hiện tại không có "bột" như các lứa U18 trước đây, đấy chính là so với lứa tài năng của Quang Hải, Văn Hậu… Mà bao nhiêu năm rồi Việt Nam mới sản sinh ra một đôi thế hệ cầu thủ tài năng như vậy? Có lẽ là khoảng 12 năm, bằng với một con giáp theo cách tính của người Việt Nam, sau thành tích vào đến tứ kết AFC Asian Cup 2007, Vòng loại thứ 3 Olympic Bắc Kinh 2008 và vô địch AFF Suzuki Cup 2008, của Công Vinh và đồng đội.

"Tôi biết các em khó thể so với thế hệ trước đó, nhưng tôi thậm chí không thể nói điều đó với giới truyền thông, bởi như thế dễ làm người trẻ mủi lòng và nhụt trí. Bóng đá có thắng có thua, đặc biệt là bóng đá trẻ vốn thiếu tính ổn định. Nói về đào tạo trẻ, chúng ta không là gì so với Thái Lan, chứ đừng nói Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Chúng ta may mắn có được một vài thành tích bước đầu, nhưng nó chỉ là hiện tượng chứ không phải bản chất. Chừng nào nền bóng đá tạo được một chân đế đào tạo trẻ, cũng như hạ tầng phục vụ đào tạo trẻ thực sự lý tưởng, mới hy vọng vào tính kế thừa", vẫn lời Hoàng Anh Tuấn.

So sánh mất hay

Chúng tôi đã đem vấn đề này hỏi các nhà làm bóng đá, từ Hà Nội đến HAGL, Viettel và cả PVF, SLNA…, những trung tâm đào tạo lớn nhất Việt Nam trong khoảng 10 năm đổ lại. Họ đều khẳng định rằng, thế hệ của Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn, Quang Hải, Văn Hậu, Đình Trọng, Văn Đức, Duy Mạnh…, thực sự là của hiếm.

"Tôi nghĩ trước và rất lâu sau này, chúng ta mới lại may mắn sản sinh ra một lứa cầu thủ tài đức vẹn toàn như thế hệ vừa gây tiếng vang trên trường châu lục, trong 3 năm đổ lại. Nhưng, người làm bóng đá như chúng tôi không được phép dừng lại", ông Nguyễn Quốc Hội - chủ tịch CLB Hà Nội chia sẻ.

Bằng với thế hệ cầu thủ "tài đức vẹn toàn" như ông Hội khẳng định và rất nhiều người trong chúng ta cũng phải thừa nhận, bóng đá Việt Nam đã gặt hái quá nhiều thành công: Từ U19 châu Á 2016, đến FIFA U20 World Cup 2017, á quân U23 châu Á 2018, bán kết ASIAD 18, tứ kết Asian Cup 2019 và vô địch AFF Suzuki Cup 2018… Đấy là chưa kể thành tích ở các giải khách mời như King's Cup. Và điều đó dường như khiến cho một số trong chúng ta ảo tưởng về sức mạnh của nền bóng đá, đặc biệt là bóng đá trẻ.

SLNA sau một thời gian im hơi lặng tiếng tại hệ thống các giải bóng đá trẻ quốc gia, đã bắt đầu lấy lại số từ U13 đến U19 quốc gia. Nhưng, bộ đôi HLV trưởng đội tuyển U15 SLNA vừa lên ngôi vô địch giải toàn quốc trên sân Thống Nhất cách đây không lâu, các thần đồng một thời là Phạm Văn Quyến và Phan Như Thuật, cũng khẳng định rằng bóng đá trẻ bây giờ sẽ không bao giờ sản sinh ra những Văn Quyến hay Như Thuật của ngày xưa.

"Bóng đá bây giờ rất khác, nhanh hơn, đồng bộ hơn và toàn năng hơn, chứ không như ngày xưa, ít nhất là thời của tôi, với một cầu thủ được phép làm điều mình muốn. Chúng ta phải thay đổi để theo kịp với sự phát triển của các hệ thống chiến thuật, cũng như phương pháp đào tạo. Và đừng nên so sánh, mất hay", thần đồng Phạm Văn Quyến chia sẻ. Quyến "béo" được ví là cầu thủ hay nhất Việt Nam hay ít nhất là mang lại nhiều cảm xúc nhất Việt Nam trong khoảng 20 năm đổ lại, kể từ VCK U16 châu Á 2000 được tổ chức tại sân Chi Lăng, Đà Nẵng.

Tất nhiên, Quyến đã từng bị đem so sánh với rất nhiều cầu thủ cùng thời, hoặc đàn em, khi sự nghiệm thi đấu của "thằng béo" bị gián đoạn. Và anh không hề thích điều này. Chúng ta cũng không thích bị so sánh, với bất cứ ai, thì đừng đem người trẻ ra so sánh, ở đây là bóng đá trẻ. Cái bóng của thế hệ Quang Hải, Công Phượng…, là quá lớn, người lớn hẳn không hiểu điều đó. Hãy khích lệ, thay vì gây những sức ép tự tạo.

Vĩ thanh

Nếu bóng đá trẻ là một "canh bạc", thì có được có mất, có thắng có thua. Nhưng bóng đá không phải là canh bạc, mà là cả một chiến lược phát triển bài bản, có quy mô và có kế thừa. Để hướng tới một nền bóng đá tự cường, không phải ngày một ngày hai.

Và nên nhớ một điều, những HLV giỏi nhất phải được dồn cho bóng đá trẻ, với một chế độ đãi ngộ tốt nhất, chứ không phải 3,5 triệu đồng/tháng, thật không đủ tiền café. Một đứa trẻ bước vào môi trường bóng đá, chỉ cần uốn nắn sai động tác, định hướng sai về tư tưởng, thì xem như đã đi cả sự nghiệp. Đó gọi là sai một ly đi một dặm.

Hãy bình tĩnh và tận hưởng các cuộc chơi ở hệ thống giải trẻ, thành tích của bóng đá trẻ không nói lên điều gì, thậm chí nó còn phản tác dụng, gây ảo tưởng như nền bóng đá đã và đang trải qua, với bao cuộc bể dâu rồi.

CCKM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm