Tranh cãi Bob Dylan có xứng với Nobel Văn học

15/10/2016 08:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Dylan là một trong những nhạc sĩ đáng kính nhất nước Mỹ nếu như không muốn nói là nhất thế giới. Nhưng ông có xứng đáng đoạt giải Nobel Văn học?

Đây là câu hỏi dai dẳng và gây tranh cãi suốt những ngày qua, kể từ khi Ủy ban Nobel xướng lên cái tên Robert Allen Zimmerman (tên thật của Bob Dylan)

Ủng hộ

Bob Dylan được trao giải, và Sara Danius, Tổng thư ký Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển đã so sánh ông với các thi sĩ Hy Lạp cổ đại Sappho và Homer.

Và như lý luận của nhiều người, khi mà Ủy ban Nobel có thể trao giải Nobel Hòa bình cho Henry Kissinger (nhà ngoại giao, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ  từng bị các nhà hoạt động nhân quyền cáo buộc gây tội ác chiến tranh) thì họ cũng có thể trao giải Văn học cho một nhạc sĩ.

Trong cơn bão dư luận, nhiều người ủng hộ Dylan (75 tuổi). Một số nhà văn nổi tiếng cho rằng đây là lựa chọn đúng đắn. Điển hình, nhà văn  viết truyện kinh dị Stephen King bày tỏ, ông thấy ngây ngất khi biết tin Dylan đoạt giải và nhận thấy đây quả là tin vui trong "một khoảng thời gian buồn bã và nhớp nhúa".


Nhạc sĩ Bob Dylan

Còn ca sĩ, nhạc sĩ Robyn Hitchcock viết: "Xin chúc mừng Bob Dylan đoạt giải Nobel Văn học. Ông đã đưa tôi và nhiều người khác tới những đại dương mà chúng tôi chưa hề mơ tới...".

Và đặc biệt nhất, tổng thống Mỹ Barack Obama cũng khẳng định Dylan là "một trong những nhà thơ yêu thích của tôi".

Trước khi đoạt giải thưởng đặc biệt này, Dylan đã đoạt giải Grammy, giải Quả cầu Vàng và Oscar. Ông còn được trao Huy chương Tự do của Tổng thống, được Trung tâm Kennedy tôn vinh, được trao Huy chương Nghệ thuật Quốc gia, đoạt giải Pulitzer Prize và được lưu danh trong Sảnh Danh tiếng Rock & Roll cũng như Sảnh Danh tiếng của  các nhà soạn ca khúc.

Phản đối

"Việc tôn vinh Dylan khiến bạn nghĩ rằng Ủy ban Nobel đang mở rộng khái niệm về văn chương"  - Alan Light, nhà báo chuyên viết về âm nhạc đồng thời là người dẫn chương trình trò chuyện âm nhạc Volume của SiriusXM, nói với Billboard về giải thưởng bất ngờ dành cho Dylan.

Theo ông Light, người ta không hề nghi ngờ gì về sức tác động mang tính biến đổi của Dylan tới thế giới thông qua âm nhạc của mình, mà trong đó phần ca từ của ông đề cập đến tình yêu, chiến tranh, lòng hận thù, sự tham lam, bất công, không khoan dung và nhiều thứ khác trong hơn 5 thập kỷ qua. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là sáng tác ca khúc và văn học có thuộc cùng thể loại?

'Bob Dylan của Việt Nam' và 'Trịnh Công Sơn của Mỹ'

'Bob Dylan của Việt Nam' và 'Trịnh Công Sơn của Mỹ'

Dù không phải chính thức, nhưng việc một trang mạng có uy tín đưa hai cây bút người Việt vào dự đoán Nobel văn học 2016 đã ít nhiều tạo dư luận trong và ngoài nước.


Cũng với quan điểm của ông Light, Dylan là một nghệ sĩ vĩ đại của dòng nhạc dân gian và có thể là nghệ sĩ dân gian vĩ đại nhất còn sống. Tuy nhiên, giải Nobel Văn học được trao không dựa trên nền tảng của những gì mà công chúng yêu thích (bởi nếu như vậy thì nữ văn sĩ Anh Doris Lessing sẽ không đoạt giải) mà lại dựa vào khả năng nắm bắt chủ nghĩa lý tưởng.

Dylan có được cả hai yếu tố này, song các sáng tác của ông kém hẳn những tác phẩm của các nhà văn từng đoạt giải Nobel như Yeats, Gide, O’Neill, Solzhenitsyn...

"Sức sáng tác và sự đa dạng về đề tài trong các tác phẩm của họ hơn hẳn Dylan nhiều năm ánh sáng. Nếu ví von, Dylan chỉ là một ngôi sao mờ nhạt, còn họ là mặt trời quay xung quanh quỹ đạo" – ông nói.

Còn cây bút Tim Stanley của tờ Telegraph đặt câu hỏi: Nếu Ủy ban Nobel muốn tôn vinh một người Mỹ thì họ nên chọn các cây bút Don DeLillo, Philip Roth. Phải chăng họ chọn Bob Dylan để chiều lòng theo đám đông công chúng và nếu vậy tại sao họ không chọn các ca sĩ huyền thoại như Leonard Cohen hay cựu thành viên Beatles Paul McCartney?

"Cứ cho rằng Ủy ban Nobel đang muốn phổ cập hóa giải thưởng này, vậy tại sao họ không xúc tiến việc trao giải bằng cách bình chọn thay vì chọn lựa dựa trên cơ sở thành tích? Có một thực tế rõ ràng, đây là giải Nobel Văn học chứ không phải là cuộc thi Tìm kiếm tài năng Thụy Điển (Sweden’s Got Talent)" – Tim Stanley viết.

"Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên mà sự phân biệt đối xử bị coi là bẩn thỉu. Tuy nhiên, một nền văn hóa trao giải Nobel văn học cho Dylan thì đó là nền văn hóa sẽ tiến cử Donald Trump cho vai trò tổng thống" – Tim Stanley chua chát. Và như lời ông, có lẽ, tới năm 2025, ông Trump sẽ... đoạt giải Nobel với những dòng viết đầy trữ tình trên trang mạng xã hội Twitter.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm