Tận mắt ngắm Voọc quý hiếm ở đầm Vân Long

18/04/2013 16:30 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Không phải ai cũng có duyên gặp được loài Voọc quần đùi trắng quý hiếm ở đầm Vân Long, đầm nhân tạo thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Có người đi tới vài ba ngày chỉ để tìm và chụp Voọc nhưng vẫn phải về không.


Người dân ở đây đa số cũng không nắm được quy luật xuất hiện của chúng. Người thì bảo chúng ra tùy theo ngày trở trời. Dân chuyên đi đánh cá ở đây lại khẳng định, ngày nào chúng cũng ra nhưng mỗi ngày chúng thay đổi một chỗ kiếm ăn nên lúc gặp lúc không. Có lúc Voọc xuống tận chân núi uống nước, có lúc lại ngồi phơi nắng chót vót trên đỉnh núi. Chính vì vậy dân nhiếp ảnh chuyên nghiệp cũng tùy "cơ duyên" mà chụp được chúng hoặc ra về chỉ có vài bức ảnh không thể sử dụng được.

Mời bạn đọc cùng chia sẻ chùm ảnh do phóng viên báo Thể thao và Văn hóa mới thực hiện ngày 17/4 tại đầm Vân Long:

Mặc dù không phải là loài trốn tránh con người nhưng việc tìm và chụp loài Voọc quần đùi trắng ở đầm Vân Long không hề dễ. Người dân chèo đò ở đây cho biết, có lúc chúng ngồi ngay chân núi uống nước, người đi qua chúng chỉ nhìn mà chẳng thèm chạy. Nhưng đa số khách du lịch đều không gặp được chúng vì chúng thường ở tuốt trên núi hoặc ngồi im lặng trên 1 cái cây nào đó

Nhóm chúng tôi khá may mắn khi ngay trong chuyến đi đầu tiên đã gặp được một gia đình Voọc 3 con đang đi kiếm ăn ngay sát mép nước. Có lẽ chúng chọn địa điểm này bởi đây là khu vực ít khách du lịch đến chơi vì nó nằm ở cuối đầm

Cây chúng chọn ăn cũng khá nhỏ nhưng thật lạ khi có tới 3 con trèo lên nhưng cây không bị rung lắc nhiều. Nếu không chú ý, có lẽ nhiều người sẽ bỏ qua khu vực này và hoàn toàn không phát hiện ra đám Voọc

Phát hiện ra có người quan sát, chúng cảnh giác hơn một chút

Không ai rõ loài cây chúng chọn ăn là là cây gì. Lá cây này hơi có mùi giống mùi lá trầu không nhưng gần như không có vị gì

Cảm giác con người tiến lại quá gần, sau khoảng 10 phút ăn lá no nê, chúng rời cây tiến về phía lưng chừng núi

Chúng tỏ ra khá nhanh nhẹn khi di chuyển trên các mỏm đá

Khi tạo được một khoảng cách an toàn, chúng bắt đầu theo dõi động tĩnh của con người

Có vẻ như sự quan tâm của chúng tôi hơi quá sâu vào chuyện ăn của chúng nên cuối cùng cả 3 con quyết định rời hẳn cây lên mấy mỏm đá phơi nắng

Với chỏm tóc khá "ấn tượng, đôi lông mày, hai bên má và đặc biệt là toàn bộ phần hông có màu trắng, chính vì vậy nó được gọi là Voọc quần đùi trắng

Mặc dù chưa có thống kê chính xác số lượng Voọc quần đùi trắng ở đầm Vân Long nhưng theo các như dân cho biết, chúng chia thành nhiều đàn. Có đàn lên đến gần 20 con, có đàn lại chỉ vài ba con như đàn này

Việc sinh sống ở đầm Vân Long của loài Voọc quần đùi trắng không gặp nhiều khó khăn bởi thức ăn khá dồi dào, lại là khu vực cô lập và được bảo vệ. Theo ghi nhận của người dân, chúng vẫn sinh sản đều và họ thường bắt gặp Voọc mẹ bế, cõng con xuống chân núi uống nước

Trong khi đó, các nhà động vật học trong nước và quốc tế cũng đến đây khảo sát và nghiên cứu thường xuyên. Đặc biệt các tổ chức bảo vệ động vật quốc tế còn cử người túc trực tại khu vực này nhằm thống kê số lượng, theo dõi tập tính cũng nhưng khảo sát khu vực hang sinh sống của chúng

Voọc quần đùi trắng hay voọc mông trắng (danh pháp khoa học: Trachypithecus delacouri), loài linh trưởng cỡ lớn thuộc họ Khỉ Cựu thế giới (Cercopithecidae), bộ Linh trưởng (Primates), đặc hữu của Việt Nam.

Tại Việt Nam, là loài đặc hữu quý hiếm, có tên trong "Sách Đỏ" của Việt Nam và thế giới; cần được bảo vệ. Đây là một trong năm loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức toàn cầu.

Voọc quần đùi trắng nặng 8,1 – 9 kg; chiều dài đầu và thân 0,46 - 0,665 m. Trên đỉnh đầu có mào lông màu đen, có vệt lông trắng khá rộng hai bên má kéo dài lên phía trên vành tai. Chân có bộ lông màu đen. Vùng mông có lông màu trắng kéo dài tới tận gốc đuôi và đùi; chân tay dài. Đuôi dài hơn thân, lông đuôi màu đen. Thức ăn chủ yếu là chồi cây, lá và quả cây.

Voọc quần đùi trắng phân bố ở rừng già, rừng nguyên sinh trên núi đá nhiều hang động. Theo kết quả điều tra của Hội Bảo vệ Động vật Frankfurk (Đức) tại Việt Nam, voọc quần đùi trắng chỉ còn ở Việt Nam với hơn 200 cá thể, được phân bố tại 18 điểm tách biệt nhau thuộc các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình và Thanh Hóa.

Tại Việt Nam, voọc quần đùi trắng được tập trung bảo tồn ở hai nơi: Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long và Vườn Quốc gia Cúc Phương

Mạnh Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm