Chuyện hậu trường sản xuất phim 'Bố già': Vì sao Marlon Brando được chọn?

13/09/2016 10:14 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Robert Evans, Phó Chủ tịch Paramount phụ trách sản xuất, ngần ngại với việc chọn Coppola làm đạo diễn. Hơn nữa, anh này chỉ đồng ý làm phim nếu có ngân sách đủ lớn để đạo diễn bộ phim theo ý muốn.

Giây phút quyết định nghiệp của Coppola chính là lúc anh gặp ông Evans và Stanley Jaffe - Chủ tịch Paramount - để được hai ông này chấp nhận cho đạo diễn phim. Khi nhà sản xuất Ruddy đón Coppola tại sân bay và đưa anh đến cuộc gặp, anh đã nói với đạo diễn trẻ tất cả những luận điểm mà các ông chủ hãng phim muốn nghe. Đó là làm xong phim đúng thời gian và đúng ngân sách. Coppola xem xét mọi yếu tố vừa được nghe và sau đó quyết định làm theo cách của mình.

Ngay khi cuộc gặp bắt đầu, thay vì bàn về lịch quay và tài chính, Coppola đã mô tả một cách sống động và nhiệt huyết về các nhân vật và câu truyện mà anh nghĩ mình cần phải khắc họa. Sau khi nghe Coppola thuyết phục, cả ông Evans và Jaffe đều bị “đo ván”. Họ từ bỏ ý định làm một bộ phim ăn liền, tăng ngân sách cho phim lên 6 triệu USD, về sau là lên 6,5 triệu USD, đồng thời thông báo đây sẽ là một bộ phim lớn của Paramount năm 1971.

Chọn người làm “Bố già”

Thuyết phục được Paramount sản xuất nghiêm túc bộ phim The Godfather cũng khiến Coppola phải trả một cái giá. Khi đã bỏ quá nhiều tiền vào bộ phim, hãng này quyết tâm giám sát mọi quyết định lớn. Ví dụ như chọn diễn viên. Ngay cả khi đang viết cuốn tiểu thuyết, tác giả Mario Puzo đã hình dung ra cảnh diễn viên Marlon Brando vào vai Bố già Don Corleone và Coppola nhất trí rằng diễn viên này là hoàn hảo cho nhân vật đó.


Bìa cuốn sách “The Godfather”

Mặc dù ông được coi là một trong những nam diễn viên xuất sắc nhất thế giới, nhưng Brando đã chìm nghỉm suốt hơn thập kỷ qua. Ông liên tục xuất hiện trong các bộ phim thua lỗ và khét tiếng là diễn viên khó tính nhất Hollywood. Khi ông ra mắt tác phẩm One-Eyed Jacks năm 1961 với vai trò đạo diễn, những chuyện của ông đã khiến chi phí sản xuất phim tăng gấp đôi và bộ phim này đã mất một khoản tiền lớn.

Hãng Paramount chính là nhà sản xuất của One-Eyed Jacks và không muốn lặp lại sai lầm. Ông Jaffe nói với Coppola: “Chừng nào tôi còn là chủ tịch hãng phim, Marlon Brando sẽ không tham gia bộ phim này và tôi sẽ không cho phép anh thảo luận về việc này nữa”.

Hãng phim muốn một người như Anthony Quinn đóng vai Bố già. Ernest Borgnine là lựa chọn hàng đầu cho vai diễn. Rudy Valle và Danny Thomas cũng muốn vào vai này. Tác giả Mario Puzo nhớ rằng, có lần ông đọc trên báo và biết diễn viên Thomas muốn đóng vai Bố già tới mức anh sẵn sàng mua cả hãng Paramount để có được vai này. Nghĩ đến khả năng chuyện đó có thể xảy ra, ông Puzo đã hoảng hồn tới mức viết thư cho diễn viên Brando cầu xin ông nhận vai diễn.


Marlon Brando trong phim "Bố già"

Cũng như tác giả Puzo, Coppola quyết tâm mời Brando vào vai Bố già. Anh thúc ép ông Jaffe mạnh đến mức cuối cùng ông này cũng phải đầu hàng, đồng ý cân nhắc Brando nhưng chỉ khi Brando đồng ý với ba điều kiện mà ông Jaffe chắc chắn là diễn viên này sẽ không bao giờ chấp nhận: Brando phải đồng ý đóng phim với thù lao ít hơn bình thường, ông phải bỏ tiền túi cho bất kỳ sự trì hoàn nào trong quá trình sản xuất phim mà ông gây ra, và ông phải nộp một bài kiểm tra diễn thử - điều mà ông Jaffe biết là Brando sẽ coi như một cái tát.

Đạo diễn Coppola chấp nhận vì không còn lựa chọn nào khác. Trong khi đó, diễn viên Brando đọc cả cuốn sách và kịch bản phim. Ông dần tỏ ra quan tâm tới việc đóng vai Bố già. Coppola không nói với ông về các điều kiện của ông Jaffe mà chỉ hỏi xem liệu ông có thể ghé qua và ghi hình thử một đoạn. Diễn viên Brando đồng ý.

Tại cuộc gặp, diễn viên Brando nói với Coppola suy nghĩ của ông về ngoại hình của Bố già, cụ thể là nhân vật này phải trông như một con chó bun. Ông nhét khăn giấy vào miệng để làm phồng má, hơi gù lưng, tỏ vẻ mệt mỏi trên khuôn mặt. Sau đó, ông bắt đầu lầm bầm lời thoại. Cùng với những kỹ thuật phụ trợ, nam diễn viên 47 tuổi đã hóa thân thành một bố già hoàn hảo.

Sự thay đổi tuyệt vời đến mức khi Coppola mang hình ảnh của diễn viên Brando cho các lãnh đạo Paramount xem, họ còn không nhận ra được đó chính là ông Brando. Vậy là xong một điều kiện về bài kiểm tra diễn thử.

Diễn viên phụ vô danh

Đạo diễn Coppola đã nghĩ tới một người để đóng vai Michael Corleone, con trai út của Bố già Don Corleone. Người này mới đây xuất hiện trong một vở kịch tên là Does the Tiger Wear a Necktie?, một câu chuyện về một kẻ giết người tâm thần. Coppola đã ấn tượng với diễn viên Al Pacino 31 tuổi đóng vai kẻ giết người kia.

Tại thời điểm đó, Pacino vô danh  với khán giả điện ảnh. Tất nhiên, các ông chủ Paramount cũng không biết tới Pacino và vở kịch kia. Họ nói Pacino chẳng là ai cả. Trong khi đó, nhân vật Michael Corleone là một vai diễn lớn, quan trọng như vai Bố già. Do đó, hãng phim muốn một ai đó nổi tiếng đảm nhiệm. Họi nói Pacino quá thấp.

Về phần mình, Coppola mặc định Al Pacino phải là người đóng vai Michael Corleone và như với trường hợp diễn viên Brando, anh cứ làm theo ý mình cho tới khi đạt được mục đích. Hãng Paramount buộc Coppola thử các diễn viên khác và cứ mỗi lần thử ai đó, Coppola sẽ đưa cả Pacino tới và diễn thử một cảnh. Đến mức, diễn viên Robert Evans phát ốm vì nhìn thấy mặt Pacino, tới mức anh ta gào lên: “Vì cái quái gì mà anh lại thử anh ta lần nữa? Anh ta quá lùn”.

Tuy nhiên, Coppola không chịu lùi bước, thậm chí ngay cả khi chính Pacino cũng chán thử hết lần này đến lần kia cho vai diễn mà anh biết là hãng phim sẽ không đời nào giao cho anh đảm nhiệm. Có điều, chính sự tức giận đó đã giúp Pacino giành được vai diễn. Trong một số đoạn diễn thử, anh tỏ ra bình tĩnh nhưng dường như đang ẩn giấu sự tức giận ngầm. Sự căng thẳng tâm trạng này phản ánh chính xác thực trạng của Pacino trong thực tế và đó cũng là thứ mà anh cần truyền tải để diễn vai thành công.

Hiện không rõ các ông chủ Paramount bị lối diễn xuất của Pacino thuyết phục hay là vì Coppola đã buộc họ phải đồng ý Pacino, chỉ biết, Pacino đã có được vai diễn này. Đạo diễn phân vai Fred Roos từng nói: “Coppola là đấu sĩ hiệu quả nhất khi chống lại hệ thống thống trị Paramount mà tôi từng gặp. Anh ấy không đấu tranh bằng cách gào thét mà chỉ bằng sức mạnh ý chí”.

Chuyện hậu trường sản xuất phim 'Bố già': Chật vật tìm đạo diễn

Chuyện hậu trường sản xuất phim 'Bố già': Chật vật tìm đạo diễn

Bộ phim 'The Godfather', tên tiếng Việt là 'Bố già', được coi là một trong những bộ phim hay nhất lịch sử điện ảnh thế giới. Ít ai biết rằng hậu trường sản xuất bộ phim nổi tiếng này cũng hấp dẫn không kém.

Lúc mà hãng phim Paramount chấp nhận Pacino, anh lại sắp phải ký hợp đồng đóng phim The Gang That Couldn’t Shoot Straight. Để đưa Pacino ra khỏi phim đó, Coppola đã thương lượng rằng mình sẽ để một diễn viên trẻ khác định xuất hiện trong The Godfather sang đảm nhiệm vai của Pacino trong phim The Gang That Couldn’t Shoot Straight.

Diễn viên đó là Robert De Niro - người đã được chọn để đóng vai Paulie Gatto - lái xe kiêm vệ sĩ và là người đã phản bội Don Corleone. Mất vai đó khiến De Niro rất thất vọng nhưng điều đó cũng dọn đường cho anh đóng vai Vito Corleone thời trẻ trong Bố già phần II - vai diễn đã giúp anh giành được giải Oscar đầu tiên ở hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất, đưa tên tuổi lên tầm quốc tế.

Kỳ cuối: Đầu xuôi đuôi lọt

Theo Thùy Dương - Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm