25/11/2017 09:39 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - “Bất cứ thằng đàn ông ngớ ngẩn nào ra sân bóng cũng thắng phụ nữ giỏi nhất thế giới” - vua bóng nỉ Bobby Riggs hùng hồn tuyên bố hồi 1973 và khai trương cuộc đọ sức đình đám nhất lịch sử thể thao đỉnh cao giữa hai giới tính.
Trương San không biết nhân nhượng, lại càng không thể nương tay ở Thế vận hội Barcelona 1992 khi chiếc huy chương vàng lấp lánh ngày càng nhích lại gần hơn.
Những hoài nghi đầu tiên
Trương San bắn trúng từng đĩa bay trong tiếng trầm trồ pha chút tuyệt vọng của đám đối thủ. 50, 100, rồi 200. Kết quả cuối cùng là 223 đĩa bay bị bắn hạ và Trương San trở thành nhà vô địch lừng lẫy với chỉ 2 viên bắn trượt.
Một chiến thắng lịch sử - người phụ nữ đầu tiên đẩy toàn bộ giới mày râu tinh hoa xuống bậc thấp hơn, vì ở thời điểm đó hai giới tính còn thi đấu cùng nhau. Nhưng cách phản ứng của các liên đoàn thể thao mới đáng gọi là nhục nhã: Kỳ Opympic sau đó Ủy ban Thế vận hội loại phụ nữ khỏi môn bắn đĩa bay! Và quy định hèn hạ đó chỉ bị loại bỏ vào năm 2000. Các cuộc tranh tài khác cũng chỉ diễn ra sau khi đã tách bạch giới tính. Người ta sợ mất mặt chăng?
Tương tự như trường hợp Trương San, nữ kiếm thủ Đức Helene Mayer không có nhiều niềm vui khi hạ gục nhà vô địch Hoa Kỳ năm 1938. Liên đoàn đấu kiếm Mỹ lập tức cấm thi đấu nam - nữ, vì “đàn ông quá lịch thiệp, không muốn đấu hết mình khi đối mặt với phái yếu”.
Chiến thắng của Trương San và Helene Mayer đã lui vào quên lãng từ lâu, nhưng mang dấu ấn lịch sử vì đã làm rung chuyển niềm tin vào sự vượt trội mặc định của đàn ông trong mọi môn thể thao.
Xét riêng về phương diện vật lý thì không có gì phải bàn cãi nhiều: Lượng nội tiết tố testosterone, cơ bắp và thể tích lá phổi ở nam giới lớn hơn phụ nữ và thông thường là lý do cho 10% thành tích cao hơn. Đội bóng VfB Stuttgart từng đưa một loạt cầu thủ dự bị của đội trẻ ra thi đấu với đội tuyển bóng đá nữ của Đức vừa đoạt Cúp Vàng thế giới, và chẳng có gì lạ khi thắng 3-0.
“Sự nhầm lẫn của tạo hóa”?
Hãy bỏ qua các tiếng nói của phong trào nữ quyền, vì nó ít nhiều mang tính chính trị. Sự thực là phụ nữ bị loại khỏi thể thao đỉnh cao trong một thời gian dài. Ngay tận năm 1928, một quan chức thể thao Mỹ là Frederick Rand Rogers còn tuyên bố “thể thao chỉ dành cho đàn ông”, hơn nữa, khi phụ nữ lần đầu được tham gia các môn điền kinh nhẹ, ông gọi là “đàn bà giống đực” hay “sự nhầm lẫn khủng khiếp nhất của tạo hóa”.
Từ thế kỷ 18 nhà hoạt động nữ quyền Mary Wollenstonecraft ở Anh đã tuyên bố: “Chỉ khi phụ nữ được bình đẳng về cơ hội tham gia vận động cơ thể, mới có thể biết sự vượt trội mặc định của đàn ông có thật hay không?”.
Hai thế kỷ sau mới dần dần có phụ nữ được vào thể thao đỉnh cao, tuy các bác sĩ thể thao vẫn cho rằng thể thao khiến phụ nữ vô sinh hoặc thoái hóa cơ quan sinh dục. Kathrine Switzer, phụ nữ đầu tiên cải trang thành đàn ông để cùng chạy thi marathon ở Boston năm 1967, từng kể về lời can ngăn của một bác sĩ phụ khoa, rằng “chạy nhanh sẽ làm dạ con rơi ra ngoài!”.
Sau Switzer, phụ nữ đã thu hẹp khoảng cách tới nam giới trong marathon cũng như nhiều môn thể thao khác. Dù trái quy định, vẫn luôn có các cuộc đọ sức vang dội giữa hai giới. Có thể nhắc đến bộ phim Hollywood sắp ra rạp trước lễ Giáng sinh năm nay với ngôi sao Emma Stone. Battle Of The Sexes thuật lại trận so vợt năm 1973 giữa Billie Jean King, 29 tuổi, năm lần đoạt Cúp Wimbledon, với Bobby Riggs, 55 tuổi, từng là cáo già làng bóng nỉ và cũng từng ôm Cúp Wimbledon hồi 1939, chủ yếu nổi tiếng với tuyên bố: “Bất cứ thằng đàn ông ngớ ngẩn nào ra sân bóng cũng thắng phụ nữ giỏi nhất thế giới”.
Thật thế chăng? Đúng “Ngày của Mẹ” năm 1973, Riggs và Margaret Court - cây vợt nữ đang đứng đầu bảng xếp hạng tennis nữ toàn cầu - giao hữu vui vẻ. Riggs, như một đại diện mày râu đích thực, trao một bó hoa hồng cho đối thủ trước khi mở túi lấy vợt ra, và nhẹ nhàng hiến dâng cho khán giả một cuộc tàn sát như dạo chơi với hai ván 6-1 và 6-2.
“Tôi là thằng ngớ ngẩn nhất mọi thời”
Nạn nhân thứ hai của Riggs sẽ là Billie Jean King, người không mệt mỏi đấu tranh cho tennis nữ và có lẽ vì thế Billie Jean King là tử thù lý tưởng của Riggs: sau khi số 1 của bóng nỉ nữ bị hành hình, giờ đến lượt số 1 của phong trào nữ quyền lên thớt! Billie Jean King nhận lời thách đấu giành tiền thưởng kỷ lục là 100.000 USD.
Trong khi King chăm chỉ luyện tập, khán giả chỉ thấy Riggs ra sân với bạn tập hạng 2 hoặc lên màn ảnh nhỏ để hâm nóng dư luận. Ít nhất thì cho đến lúc này Riggs rất thành công, và trận gặp mặt King có tiềm năng trở thành hiện tượng thể thao lớn nhất Hoa Kỳ. Bên cạnh 30.000 khán giả đến sân Houston Astrodome, các kênh truyền hình ngày 20/9/1973 còn đếm được khoảng 50 triệu người xem ở nhà.
King ngự trên một chiếc kiệu do đàn ông khiêng vào sân, còn Riggs cưỡi xích-lô cùng mấy cô chân dài thiếu vải. Trước khi bóng chạm sân, cuộc đấu đã là một vở kịch kinh điển của nghệ thuật quảng cáo. Sau này Billie Jean King đau khổ kể lại: “Tôi ngồi trong phòng thay đồ và lợm giọng muốn nôn, có phải sắp đến một trận tennis, hay xã hội đã đảo lộn?”.
Vì lý do không ai hiểu, Riggs chơi rất kém, liên tục phạm lỗi ngớ ngẩn, có phóng viên còn nghi Riggs phê ma túy. Trận đấu thảm hại kết thúc với 4-6, 3-6, 3-6. “Billie Jean quá giỏi, quá nhanh” - Riggs thừa nhận. “Tôi e rằng, bây giờ tôi là thằng ngớ ngẩn nhất mọi thời”.
Có bàn tay mafia?
Chiến thắng của King không chỉ là động lực phát triển cho môn tennis nữ. Đột nhiên xã hội Mỹ sôi lên với chủ đề thành kiến giới tính và sự bất bình đẳng về tiền thưởng cho vận động viên nữ. King được bầu làm “Phụ nữ của năm”, từ Time mơ đến một cuộc cách mạng do King khởi xướng: “Rốt cục phụ nữ đã đặt chân vào và làm đảo lộn thể thao Hoa Kỳ”.
Nhưng người ta cũng không thể bịt tai trước nhiều hoài nghi, liệu Riggs có cố tình chơi kém, chả gì thì ông cũng hạ Margaret Court rõ rệt? Bốn thập kỷ sau, khi Riggs không còn trên thế giới này, dư luận vẫn chưa nguôi. Kênh thể thao ESPN dẫn lời một số nhân chứng cho rằng Riggs cố tình thua để ăn tiền cá cược, nhằm trả món nợ khổng lồ cho mafia. Ngay con trai Riggs cũng “không loại trừ” khả năng ấy. Sinh thời Riggs là một tay chơi bạc khét tiếng và không từ một vụ cá cược nào.
Ai là fan của thuyết âm mưu, có thể tìm sự chống lưng ở các cuộc tỉ thí giới tính sau này: 1992 Jimmy Connors thắng Martina Navratilova 7-5 và 6-2 trong một trận được truyền thông kích lên như chiến tranh thế giới. Sáu năm sau, thậm chí một gã nghiện thuốc lá như Karsten Braasch ở hạng 203 của tennis thế giới, còn hạ nhục cả chị em Serena Williams (6-1) và Venus Williams (6-2) sau khi hai cô này tuyên bố không chịu thua đàn ông nào trong Top 200.
Dù sao thì hôm nay ít ai còn tin vào sự thua kém tiền định của phụ nữ trong thể thao. Ai không tin, hãy nghĩ đến Riggs. Một ngày trước khi Riggs qua đời vì ung thư, King gọi điện cho ông và nghe ông tự thú đã góp công thúc đẩy thể thao phụ nữ. Rồi họ chia tay trên điện thoại với một câu ngắn: “I love you!”.
Lê Quang
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất