Làn sóng mới ở Hollywood: Nhiều vai cho diễn viên châu Á

23/09/2016 19:28 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Lee Byung Hun trong bộ phim cao bồi viễn Tây Magnificent Seven (Bảy tay súng oai hùng) hay Karen Fukuhara trong bom tấn Suicide Squad (Biệt đội báo thù) là hai trường hợp tiêu biểu nhất trong thời gian gần đây, khi các diễn viên gốc Á có cơ hội góp mặt trong những tác phẩm điện ảnh gây chú ý lớn tại Hollywood.

Cuộc cách mạng đang diễn ra đối với một bộ phận diễn viên vốn bị đối xử thiếu công bằng suốt nhiều năm. Đó là một thực tế dễ thấy, dù động lực dẫn đến nó vẫn còn mơ hồ và có lẽ bắt nguồn từ nỗ lực chung của các nhà đài và hãng phim, do các nhà biên kịch đang dần hướng theo một quan điểm mới, hoặc giảcác nhà đầu tư quốc tế rót tiền vào thị trường Hollywood cũng đòi hỏi phải có các tuyến nhân vật đa dạng hơn, mang tính đại diện hơn cho khu vực của họ.

Kết quả của một cuộc đấu tranh trường kỳ

Cuộc cách mạng đã diễn ra trong nhiều năm, đầu tiên là với những vai thứ chính trong các phim truyền hình nổi tiếng như Lost, Grey’s Anatomy, Glee Community, sau đó là tới các vai chính trong những loạt phim như Nikita của CW, Selfie của ABC hay Rush HourStalker của CBS.

Nhìn chung ngành công nghiệp này “đã hoàn toàn thay đổi” - Dan Mayeda, đồng Chủ tịch Liên hiệp truyền thông người Mỹ gốc châu Á - Thái Bình Dương nhận định. Mayeda cũng nhắc tới số lượng các chương trình truyền hình đa dạng đang phát sóng: “Những gì đang xảy ra là kết quả trực tiếp sau nhiều năm tổ chức của chúng tôi và những liên hiệp đa sắc tộc khác nỗ lực tiếp cận các đài truyền hình và kêu gọi họ thay đổi”.

Marc Hirschfield, người đứng đầu khâu tuyển chọn diễn viên của NBC, đề cập tới một số chương trình minh họa cho cơ hội phát triển của diễn viên châu Á. Truyền hình hiện cóFresh Off The Boat của ABC, phim hài Dr.KenMarco Polo của Netflix đều có những diễn viên gốc Á thủ diễn chính. Năm ngoái, AMC cũng chọn Ngô Ngạn Tổ đóng chính trong Into The Badlands, bộ phim mang nhiều yếu tố võ thuật với tầm vóc quốc tế, bên cạnh Elementary,với màn diễn ấn tượng của Lucy Liu.


Lucy Liu trong phim “Elementary”

Xu hướng mới các nhà làm phim muốn theo đuổi

Có lẽ các hãng phim chỉ cần lướt mạng xã hội là phần nào hiểu được sức mạnh của người gốc Á. “Với các nhà đài, những phim truyền hình có sự tham gia của người da màu và có nội dung xoay quanh các vấn đề họ gặp phải đã thành công lớn trong năm qua (2014)” - Mayeda chia sẻ - “Empire là phim phô bày sức mạnh Twitter của người da màu” (Empire có trang Facebook thu hút hơn 10,8 triệu lượt xem và số lượng người theo dõi trên Twitter đạt 6,1 triệu) - “Tương tự, lâu nay ta đã thấy người Mỹ gốc Á ngày càng dùng mạng xã hội nhiều hơn”.

Theo Mayeda, tỷ lệ người Mỹ gốc Á đăng tweet cao gấp 4 lần so với người dùng da trắng và họ “rất gắn bó với Instagram, Facebook và các mạng xã hội khác”. Vậy nên nếu các phim có nhân vật gốc Á, các nhà sản xuất cũng sẽ có lợi thế hơn nếu muốn dùng mạng xã hội như một kênh quảng bá”.

“Đã có sự thay đổi trong cách xây dựng kịch bản và nhân vật” - J.C.Cantu, một đạo diễn có thâm niên làm việc trong lĩnh vực tuyển diễn viên 12 năm, cho biết - “Tôi nghĩ thế giới muốn nhìn thấy mình được đại diện trên màn hình. Điện ảnh và truyền hình đã đáp ứng điều đó. Tôi thích hướng đi này”.


Lee Hong Ki vào vai Minho trong loạt phim “Giải mã mê cung”

Trên màn ảnh rộng, khán giả cũng có nhiều cơ hội chiêm ngưỡng diễn xuất của các diễn viên gốc Á, như việc Sung Kang tham gia loạt phim hành động Quá nhanh quá nguy hiểm của Universal hay Lee Hong Ki vào vai Minho, một trong các nhân vật chính của bom tấn Giải mã mê cung.

“Chúng tôi hiểu rằng nhân vật (Minho) nên được giao một diễn viên châu Á” - Lee Stollman, một trong các nhà sản xuất Giải mã mê cung nói - “Khi bắt đầu tuyển diễn viên cho phim, chúng tôi đặt mục tiêu chọn ra dàn diễn viên đa dạng chủng tộc. Và bạn có thể nhìn dàn diễn viên của hai tập đầu trong loạt phim để thấy điều đó. Chúng ta sống trong một thế giới đa sắc tộc và chúng tôi muốn phản ánh điều đó”.


Sung Kang trong “Quá nhanh quá nguy hiểm”

Nguồn cảm hứng đối với thế hệ diễn viên gốc Á mới

Là một trong những người trực tiếp đón nhận tác động của xu hướng mới, diễn viên gốc Hàn Will Yun Lee khẳng định: “Tôi chắc chắn đã chứng kiến một sự thay đổi lớn trong bối cảnh chung” - anh nói - “Cơ hội được giao vai chính dường như được mở rộng cho tất cả. Tôi không biết liệu có phải do dòng chảy đồng tiền từ Trung Quốc hay do những nhà biên kịch trẻ trưởng thành theo một hướng khác. Đối với tôi, thật thú vị khi nhìn thấy sự thay đổi này. Thể hiện những vai mà hồi đầu không nghĩ dành cho người châu Á, thật tuyệt”.


Will Yun Lee vào vai Harada trong “The Wolverine”

Will Yun Lee đã đạt được những bước tiến lớn trong sự nghiệp thời gian qua. Anh đã hóa thân thành kẻ phản diện trong phim truyền hình Strike Back của Cinemax, đóng cùng Dương Tử Quỳnh. Một số phim khác mà Lee tham gia gồm San Andreas với Dwayne “The Rock” Johnson, True Blood của HBO và The Wolverine của Fox.

Khi có nhiều diễn viên thuộc nhóm thiểu số được giao vai, hy vọng cũng lớn hơn trong lòng những người khác. Đối với bản thân Will Yun Lee, việc trông thấy một diễn viên châu Á trên màn ảnh rộng chính là điềuthay đổi cuộc đời anh.

"Denzel Washington và Sean Penn là hình tượng diễn viên kiểu mẫu trong tôi cho đến khi có Jason Scott Lee” - anh nói - “Khi anh ấy xuất hiện trên màn ảnh, tôi thật sự cảm thấy sự đồng cảm. Anh ấy là lý do khiến tôi chuyển đến Los Angeles, và cũng là lý do khiến tôi nghĩ mình có thể làm được như thế. Tôi không nghĩ mình có gan chuyển đến Los Angeles nếu không thấy anh ấy trên màn ảnh”.

Duy An (Theo Deadline)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm