Người quen cả Tổng thống Kennedy và kẻ ám sát: 'Oswald giết Kennedy để hạ gục chủ nghĩa tư bản'

24/11/2013 12:14 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Dịp tưởng niệm 50 năm ngày Tổng thống Mỹ John F. Kennedy bị ám sát đã làm sống lại những hồi ức kinh hoàng. Priscilla Johnson McMillan cũng vậy, bởi bà là người duy nhất quen cả Tổng thống Kennedy lẫn sát thủ giết ông.

Bà Priscilla Johnson McMillan đã làm việc cho Tổng thống John F. Kennedy tại Nhà Trắng trong những năm 1950, khi ông còn là Thượng nghị sĩ. Bà cố vấn cho ông về các vấn đề chính sách đối ngoại.

Sau đó bà đổi sang nghề báo và năm 1959 đã làm việc ở Liên Xô, đưa tin cho tờ The Progressive và Liên minh báo chí Bắc Mỹ. Tại đây bà đã gặp một người đàn ông 20 tuổi tên Lee Harvey Oswald. Anh ta đang ở cùng khách sạn với bà trong lúc tìm cách đào tẩu sang Liên Xô.

McMillan đã nhân cơ hội để phỏng vấn Oswald. Anh ta đã chỉ trích Mỹ và trong đêm đó có nói với McMillan rằng mình có một nhiệm vụ, sẽ theo đuổi suốt đời: "Tôi muốn mang tới cho người dân Mỹ điều gì đó để họ phải nghĩ về".

4 năm sau, trong đêm 22/11, khi theo dõi vụ ám sát Kennedy, bà mới nhận ra Oswald là kẻ chịu trách nhiệm. "Chúa ơi" - bà kêu lên thảng thốt - "Tôi biết gã đó".

Bà Priscilla Johnson McMillan, người duy nhất quen cả Tổng thống Mỹ Kennedy và kẻ giết ông, Oswald

McMillan về sau đã quyết định viết một cuốn sách về Oswald và người vợ Nga của anh ta tên Marina. Cuốn sách tốn nhiều sức lực của bà. Nhưng thành quả thu được, tác phẩm Marina and Lee xuất bản năm 1977, là một cuốn sách rất đáng đọc. Tờ Atlantic ca ngợi cuốn sách là "đặc biệt khác thường" và nói rằng nó "có sự kết nối cần thiết giữa những cá tính nhu nhược, mong manh dễ vỡ và quyền năng của họ trong việc thay đổi lịch sử thế giới".

McMillan giờ 85 tuổi. Phóng viên Atlantic đã tìm tới bà để thảo luận về các cá nhân và sự kiện đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời bà.

* Trong Marina and Lee bà có viết về việc nhận ra Oswald là sát thủ. Đó hẳn là khoảnh khắc gây sốc nhất trong cả đời bà?

- Đúng thế. Đêm trước vụ ám sát, tôi còn gửi một lá thư tới cho Tổng thống Kennedy. Tôi đề nghị ông giúp Olga Ivinskaya, một người bạn của tiểu thuyết gia Boris Pasternak. Sau đó tôi có nghe rằng thư không tới được tay ông. 

“Oswald không thù ghét. Anh ta thích Kenndy. Và anh ta cũng thích cả Jackie nữa"

(Phát biểu của bà Priscilla Johnson McMillan).

* Đoạn phim của Abraham Zapruder ghi lại toàn bộ cảnh Kennedy bị bắn đã được chiếu trên TV trong hoạt động tưởng niệm. Bà nghĩ gì khi xem nó?

- Lần đầu tiên tôi thấy phát đạn đã làm vỡ đầu Kennedy là trong một phim tài liệu của CNN chiếu vào tuần trước, mang tên The Assassination of President Kennedy. Tôi có thấy các hình ảnh về cảnh Kennedy bị đổ nghiêng về một bên, nhưng chưa từng chứng kiến phát đạn bắn vỡ đầu.

* Bà có nghĩ gì về việc rằng mình từng biết người bắn phát đạn giết Tổng thống?

- Không, tôi nghĩ nhiều hơn về việc mình có quen người bị bắn vỡ đầu.

* Bà trở thành trợ lý của Kennedy ra sao?

- Tôi tốt nghiệp với bằng thạc sĩ về nghiên cứu nước Nga từ Đại học Harvard trong năm 1953 và đã muốn làm việc trong Nhà Trắng. Tôi đi từ văn phòng này sang văn phòng khác, xem có cơ hội nào không. Tôi có một người bạn làm việc cho một Thượng nghị sĩ, người nói với tôi rằng văn phòng của Kennedy đang tìm người làm...

* Bà có hay gặp gỡ Kennedy không?

- Có, hết lần này tới lần khác. Tôi còn gặp mẹ ông ấy. Tôi gặp Jackie (vợ Kennedy)... Kennedy rất hài hước. Ông cũng rất tò mò. Ông luôn đặt cho tôi hàng loạt câu hỏi, rằng tôi nghĩ gì về chính trị, cuộc đời riêng, mọi thứ.

* Bà ở đâu tại Liên Xô khi ông ấy được đề cử làm ứng viên tranh cử Tổng thống?

- Tôi đã bị trục xuất từ tháng 7/1960. Tôi đang ở Bonn khi đó và nghe tin qua đài.

* Tại sao người Liên Xô trục xuất bà?

- Họ tống cổ vài du khách và vài nhà ngoại giao, để thể hiện sự bất bình trước việc Mỹ điều máy bay U-2 tới do thám.

* Thách thức lớn nhất của bà là gì khi viết Marina and Lee?

- Oswald đã làm điều mà chúng ta đều ghê tởm. Tôi cố giải thích hành động và tỏ ra công bằng.

* Bao lâu sau vụ ám sát thì bà nhận ra mình cần phải viết sách về nhà Oswald?

- Có lẽ là 2 hoặc 3 tháng.

* Sách của bà có tít phụ đề cập tới nỗi ám ảnh của Lee Harvey Oswald. Nỗi ám ảnh đó là gì?

- Oswald đặc biệt chống sự chuyên quyền. Anh ta đã làm khá nhiều thứ để thể hiện quan điểm này và cả quan điểm phê bình đời sống Mỹ.

* Tại sao Oswald quyết định tới Liên Xô?

- Bởi anh ấy nghĩ rằng Liên Xô quan tâm tới tất cả mọi người. Nhưng sau đó anh ta đã trở lại Mỹ. Ở đây anh ta có quãng thời gian khó khăn trong việc kiếm sống và hỗ trợ gia đình nhỏ của mình. Vậy là anh ta quyết tâm hạ gục chủ nghĩa tư bản của Mỹ.

* Đó là một mục tiêu quá đỗi táo bạo dành cho một người?

- Đó là điều mà Oswald đã muốn thử. Đầu tiên anh ta nổ súng bắn tướng Edwin A. Walker (trong một vụ ám sát hụt). Ông này là lãnh đạo Hội John Birch và là kẻ tích cực ủng hộ sự phân biệt chủng tộc. Oswald đã đọc về Walker trong các tờ báo anh ta đặt mua như The Worker và The Militant. Khi có cơ hội giết Kennedy, anh ta đã muốn làm tổn thương chủ nghĩa tư bản. Tôi nghĩ rằng nếu Oswald còn sống và bị đưa ra xét xử, hẳn anh ta sẽ nói những điều này.

* Bà có biết gì về việc gia đình Kennedy có tin hay không chuyện Lee Harvey Oswald đã sát hại John F. Kennedy?

- Cách đây 10 năm, tôi gặp Eunice Kennedy Shriver tại một bữa tiệc ở Washington và bà ấy hỏi: "Tại sao Oswald căm ghét em tôi tới vậy?" Tôi trả lời: "Không, Oswald không thù ghét. Anh ta thích Kenndy. Và anh ta cũng thích Jackie nữa".

* Quan điểm của bà là dù Oswald thích Tổng thống và Đệ nhất phu nhân, anh ta vẫn xem ông ấy như biểu tượng của chủ nghĩa tư bản Mỹ?

- Chính xác là vậy?

* Và như thế anh ta sẽ muốn ám sát bất kỳ Tổng thống Mỹ nào?

- Tôi nghĩ thế. Anh ta hẳn sẽ không bước chân tới Dallas nếu không có một công việc ở đó, nằm trên tuyến đường đoàn xe Tổng thống di chuyển. Khi Oswald thấy mục tiêu, anh ta nghĩ rằng đó là định mệnh và phải ám sát Tổng thống.

Tường Linh (Lược dịch)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm