20/06/2014 17:06 GMT+7 | Thế giới
Hầu hết những người ở miền Bắc khi vào Nam Bộ, chứng kiến đám tang ở đây thì đều tỏ ra hết sức bất ngờ và thường luôn có ý phê phán. Rằng đám tang ở Nam Bộ quá sơ sài về nghi thức, thân nhân con cháu không (hoặc ít) khóc than kể lể và nhất là hầu như toàn bộ người dự đám tang đều tỏ ra vô tư, thậm chí không ít người lại tỏ ra rất vui vẻ hả hê…
Thật vậy, trong đám tang của người Việt ở Nam Bộ hầu như luôn luôn có đãi ăn nhậu linh đình, nhạc lễ không mấy u sầu mà có khi còn tỏ ra vui nhộn, đặc biệt trước lúc làm lễ động quan thường có tiết mục đánh phá quàn vô cùng sôi động và hấp dẫn… Gần đây, các ban nhạc Tây phục vụ đám tang còn “khuyến mãi” thêm nhiều màn xiếc, ảo thuật tuyệt kĩ nhằm thoả mãn óc hiếu kì, thu hút đông đảo người xem. Đó là chưa kể nhiều trò giải trí tiêu khiển khác trong đám tang, có cả cờ bạc, nhất là vào ban đêm.
Chính vì vậy mà ở Nam Bộ, bên cạnh các cách nói chẳng hạn “ăn đám cưới”, “ăn đám giỗ” còn có cách nói… “ăn đám ma”. Trong khi người lớn “đi đám ma” thì mỗi khi đến giai đoạn động quan, trẻ con Nam Bộ thường náo nức rủ nhau “đi coi đám ma” mà chủ yếu là tiết mục “Kim tướng phá quàn” và các màn xiếc, ảo thuật của ban nhạc Tây.
Chặp tuồng “Kim tướng phá quàn” có kịch bản khá đơn giản: Một thủ lĩnh “sơn tặc” hành hiệp giang hồ, thế thiên hành đạo, gọi là kim tướng, nghe tin mẹ (hoặc cha) mất, dẫn thuộc hạ về than khóc rồi chiến đấu và chiến thắng yêu quái, giành giật và cướp quan tài, sai thuộc hạ đưa mẹ (hoặc cha) về sơn trại an táng.
Theo dân gian thì chặp tuồng này nhắc lại sự tích chàng Lía ở Quy Nhơn vào giữa thế kỉ XVIII, là lãnh tụ nông dân khởi nghĩa đóng trên núi chống chúa Nguyễn. Mẹ mất, chàng kéo thuộc hạ về làng, vượt qua quân triều đình mai phục để đánh cướp quan tài đưa mẹ về sơn trại an táng.
Kịch bản tuy đơn giản nhưng bài bản của chặp đánh phá quàn khá phong phú, gồm có các điệu hát của nghệ thuật hát bội và các màn múa quyền cước, múa kiếm, múa đao, múa côn, múa lửa, đấu võ (giữa kim tướng và yêu quái), các trò diễn tạp kĩ và ma thuật như phun lửa, ăn thịt sống, v.v.
So với khung cảnh đượm vẻ bi ai thống thiết của đám tang ở miền Bắc thì cái không khí diễn trò sôi nổi và ăn nhậu hả hê của đám tang ở Nam Bộ quả thật lạ lẫm. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kĩ đặc trưng văn hoá Nam Bộ thì sẽ không khó nhận ra lí lẽ của đám tang ở vùng đất này.
Thật vậy, trong khi miền Bắc là vùng đất có lịch sử lâu đời và ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo phong kiến rất đậm nét, thì Nam Bộ là vùng đất mới của những lưu dân tứ xứ dứt áo ra đi tìm đất sống. Trong bối cảnh hoang vu của đất phương Nam buổi đầu, lúc hơi hám của Nho giáo phong kiến còn rất mờ nhạt, thì điểm tựa tinh thần của lưu dân chính là tư tưởng nhà Phật. Chính vì ảnh hưởng của Phật giáo với quan niệm đời là cõi tạm mà lưu dân xem cái chết không quá bi ai, thậm chí họ còn quan niệm “Sinh dữ, tử lành”. Do đó mà trong đám tang không có quá nhiều điều kiêng cữ và nghi thức khắt khe như ở miền Bắc.
Vả lại, chỉ có quan niệm “sống chết lẽ thường” thì họ mới có thể dám đương đầu với biết bao gian nguy đang rình rập trong buổi đầu khai phá. Rồi trong hoàn cảnh đó, chẳng may có người thân qua đời, thì đương nhiên họ không thể làm đủ các lễ thức theo nghi thức Nho giáo ở miền Bắc, mà chỉ có thể “tuỳ duyên” theo tinh thần Phật giáo.
Đám tang ở miền Bắc chủ yếu thực hành theo chữ Lễ của Nho giáo nên rất coi trọng hình thức, thể hiện ra bằng nhiều nghi thức khá phức tạp và không khí trang nghiêm quá mức, từ việc khóc than thảm thiết đến lăn đường tiễn biệt… Mục đích của các nghi thức phức tạp này không gì khác chính là để thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu đối với cha mẹ ông bà quá cố, theo tinh thần Nho giáo. Chính vì mục đích đó mà đám tang ở miền Bắc còn được gọi là “đám hiếu”. Theo đó thì trong đám tang, thân nhân của người quá cố (gọi là hiếu quyến và thân quyến) phải khóc thật nhiều trong suốt đám tang và cả 100 ngày sau đó. Đến khi người thân mất được 100 ngày thì mới làm lễ “Tốt khốc”, nghĩa là giai đoạn khóc than đến đây mới chấm dứt.
Trong khi đó, ở Nam Bộ đất rộng người thưa nên cần phải dễ dãi hơn và thực tế hơn để dung nạp được nhiều khách viếng, cho tang gia bớt trống vắng. Đặc biệt, ở Đồng bằng sông Cửu Long cho đến nay vẫn duy trì phong tục đãi cơm và rượu khá chu đáo trong đám tang. Lí do là vì vùng này vốn đất rộng người thưa và có mối quan hệ cộng đồng rộng mở nên khách đi đám thường phải cách xa nhà, bữa cơm chính là tình cảm của tang chủ đối với khách đường xa.
Đặc biệt, chặp tuồng “Kim tướng phá quàn” có lẽ chính là nét độc đáo nhất của đám tang ở Nam Bộ, nó vừa có chức năng thực hành nghi lễ (chấm dứt giai đoạn quàn, chuyển sang giai đoạn di quan), vừa có chức năng thế tục, giải trí, là sự tái hiện tình trạng bất ổn, tranh sáng tranh tối của vùng đất Nam Bộ buổi đầu.
Về chức năng thực hành nghi lễ, chặp tuồng này có lời hát và tình tiết ăn khớp, gắn liền với các nghi thức trước và sau đó:
- Sau khi đã tụng kinh xong, thầy cúng ra lệnh cho kim tướng chỉ huy thuộc hạ phụ trách động quan và di quan, kim tướng tuân lệnh.
- Sau khi chiến thắng yêu quái, kim tướng sai thuộc hạ khiêng quan tài về sơn trại chính là cách chuyển qua nghi thức động quan và di quan một cách tự nhiên.
Về chức năng thế tục, giải trí, ngoài các tiết mục đầy kịch tính, đánh phá quàn còn hấp dẫn ở trang phục, cách hoá trang đặc sắc của vai kim tướng (võ tướng dũng mãnh) và nhân vật yêu quái (hình dáng quái dị, hành vi ghê tởm).
Nhìn chung, tục đánh phá quàn ngoài ý nghĩa ma thuật trừ tà có nguồn gốc xa xưa ra, còn mang ý nghĩa tôn vinh lòng hiếu kính của con cái đối với cha mẹ và tinh thần thượng võ trong cuộc sống vốn còn nhiều kẻ thù của lưu dân buổi đầu. Ngoài ra, với tư cách là một trò diễn dân gian, đánh phá quàn còn là hình thức giải trí để tập hợp đông đủ người xem cho đám tang thêm vẻ ấm cúng và trang trọng.
Chính những điều đó góp phần làm nên diện mạo riêng của đám tang người Việt ở Nam Bộ: tính nghi lễ và tính thế tục hoà quyện trong tinh thần cởi mở bao dung và tuỳ duyên của Phật giáo.
Lê Công Lý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất