06/10/2013 17:05 GMT+7 | Thế giới
Con đường về nhà Đại tướng dường như quá im ắng. Nhớ câu nói “Dù thế nào, bà con phải giữ cho được nghề truyền thống của cha ông mình”, nhiều người dân ngậm ngùi ra bờ sông xe cói, làm chiếu nhớ về Người. Sông Kiến Giang - nơi gắn bó với tuổi thơ, trong nắng chiều hoàng hôn mang vẻ trầm mặc khác thường.
Ngôi nhà đơn sơ nơi quê nhà của Đại tướng
Khung cảnh nhà Người vẫn thế, cánh cửa gỗ đơn sơ, hàng rào xanh tốt đứng nghiêm nghị như những người lính. Sau nhà, cây khế cao sừng sững hiên ngang trong trời đất. Không biết cây khế này có từ bao giờ, chỉ biết khi bác sinh ra đã thấy nó đứng ở đó rồi. Những trưa hè oi bức, Người thường cầm sách ra đây học.
Trước cửa nhà, ông Võ Đại Hàm tưới nước cho cây sâm đắng. Đây là cây sâm mà Đại tướng mang từ Huế ra trồng, để chữa bệnh đau bụng cho bà con.
Hôm nay, trước khi đến nhà Đại tướng, nhiều người dân đã đứng lặng bên bờ sông Kiến Giang, đứng ngoài cổng chùa An Xá, nơi Đại tướng vẫn về thăm, vãn cảnh... Mỗi lần về quê, Đại tướng lại ra chùa An Xá thắp hương và đã từng trồng nhiều cây lưu niệm tại đây. Bao nhiêu hình ảnh giản dị, nụ cười, cái nắm tay thân thiện với Đại tướng hiện về trong ký ức họ.
Chưa từng gặp Đại tướng, chỉ biết qua những bài học lịch sử nhưng đối với anh Phùng Văn Lĩnh (47 tuổi, Vĩnh Linh, Quảng Trị), bác gần lắm. Khi nghe tin Đại tướng mất, anh đã bỏ hết công việc, dậy thật sớm để chạy ra Quảng Bình. Đứng trước gốc khế, nơi Đại tướng từng học bài, anh nói với đứa con trai: “Đây là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng đọc nhiều cuốn sách về cách mạng. Chiến lược quân sự trong trận đánh Điện Biên Phủ con được học trong sách, đều bắt đầu từ đây…”.
Cây khế là nơi Đại tướng từng ngồi đọc sách
Gốc khế, căn nhà, những đồ vật giản dị xưa cũ của Đại tướng, hôm nay không phải là vật vô tri vô giác nữa, như có một nỗi ưu tịch thấm sâu ngày chủ nhân ra đi.
Con sông Kiến Giang chứng kiến một thời tuổi thơ của người con đất Quảng vĩ đại - Võ Nguyên Giáp
Chùa An Xá, nơi Đại tướng vẫn về thăm, vãn cảnh. Theo lời Đại tá Trịnh Nguyên Huân người thư ký 37 năm của Đại tướng: “Mỗi khi có dịp về thăm quê - làng An Xá, xã Lộc Thủy, Lệ Thủy, Đại tướng về nghĩa trang Mai Thủy thắp hương mộ cha, xong ông đi lần lượt thắp hương từng phần mộ liệt sĩ, rồi ông lên chùa An Xá dâng hương, trồng cây đa trước chùa; thăm hỏi các cụ bô lão trong làng, gặp gỡ trò chuyện với các cháu thiếu nhi, nói chuyện với nhân dân trong xã… sau mỗi lần như thế Đại tướng như khỏe mạnh hơn và tinh thần phấn chấn hơn rất nhiều”.
Cây đa Đại tướng trồng trong vườn chùa nay đã xum xuê tỏa bóng
Người An Xá, ai cũng rưng rưng khi nhắc về Đại tướng. Bà Vân người làm chiếu ở làng ngậm ngùi: "Bác luôn dặn người dân quê mình, dù khó khăn thế nào cũng phải giữ nghề làm chiếu, lúc nào chúng tôi cũng nhớ".
Trong sân nhà Đại tướng, bàn ghế đã được bày ra, những ấm trà xanh đã được ủ. Những người già ở làng An Xá, những người trong dòng họ Đại tướng đã tề tựu về đây.
Từ sáng sớm 6/10, hàng ngàn người dân ở khắp mọi miền quê trong tỉnh và các tỉnh lân cận đã tìm về làng An Xá để thắp hương bái vọng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Bà Võ Thị Hoa (80 tuổi) gọi Đại tướng bằng bác ruột khóc nức nở trước linh vị của Người. Ảnh: Minh Văn - Xuân Phú (Báo Quảng Bình)
Người dân đã đến dâng hương tại Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Minh Văn - Xuân Phú (Báo Quảng Bình)
Các em học sinh không nén được nước mắt trước bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Minh Văn - Xuân Phú (Báo Quảng Bình)
Các em học sinh trường PTTH Lệ Thủy thắp nhang bái vọng Đại tướng
Đến đâu cũng thấy người dân Lệ Thủy nghẹn lòng trước thông tin Đại tướng qua đời. Bà Võ Thị Lại ở đội 3 xã Lộc Thủy nghẹn ngào trước bàn thờ Đại tướng. Ảnh: Mạnh Thành - TTXVN
Ông Nguyễn Tư Pháp, nguyên Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy khóc trước tấm ảnh ông chụp chung với Đại tướng. Ảnh: Mạnh Thành - TTXVN
Hồng Thúy - Thu Huyền
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất