Vua tên lửa" Iran bị ám sát?

16/11/2011 08:07 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 15/11, Iran đã chôn cất tướng quân Hassan Moghaddam, nhân vật vẫn được xem là “cha đẻ chương trình tên lửa” nước này, trong bối cảnh có những thông tin cho rằng vụ nổ lớn giết chết ông và 16 người khác tại một căn cứ thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng là sản phẩm của Israel.

Trung tướng Hassan Moghaddam, người vẫn được vinh danh là “sáng lập viên của chương trình tên lửa” Iran, đã qua đời trong vụ nổ kho vũ khí tại một căn cứ của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran vào giữa tuần trước.

Nghi vấn ám sát

Ông là người đã chỉ đạo sản xuất các loại pháo và tên lửa đạn đạo với tầm bắn lên tới hơn 2.000km, đủ để vươn tới châu Âu. Tầm quan trọng của Hassan lớn tới mức trong lễ tang của ông có cả sự hiện diện của lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamanei. Các đồng nghiệp thì dành những lời lẽ tốt đẹp nhất để nói về ông.

“Khả năng về tên lửa hiện nay mà Iran có được đều nhờ nỗ lực của tư lệnh Moghaddam” - Thiếu tướng Abbas Khani nói với hãng tin nhà nước IRNA - “Do vai trò quan trọng, kẻ thù luôn muốn nhận diện và ám sát ông”.

Giới lãnh đạo quân sự Iran nói rằng vụ nổ chỉ là một vụ tai nạn xảy ra trong quá trình các binh lính vận chuyển vũ khí. Tuy nhiên, việc tai nạn xảy ra đúng lúc một nhân vật cực kỳ quan trọng như Hassan xuất hiện đã làm dấy lên tin đồn đây là một vụ ám sát, một âm mưu phá hoại nhằm vào chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.


 Ông vua tên lửa của Iran, tướng Hassan Moghaddam

Tờ Time đã dẫn lời nhà bình luận quốc tế Mỹ Richard Silverstein, người thường tiết lộ nhiều tin tức nhạy cảm về giới quân sự Israel, cho biết vụ nổ là sản phẩm của lực lượng tình báo Mossad của Israel, thực hiện với sự giúp đỡ của một nhóm lưu vong có tên MEK. Silverstein cũng chỉ ra rằng vụ nổ mới xảy ra rất giống một vụ nổ khác hồi tháng 10 năm ngoái, diễn ra tại một căn cứ chứa tên lửa tầm xa Shahab-3. Khi đó, Iran cũng giải thích rằng vụ việc do tai nạn trong quá trình vận chuyển vũ khí. Silverstein chỉ ra rằng trong cả hai vụ, các tên lửa Shahab-3 của Iran đều đã bị đe dọa. Đây là loại tên lửa có thể được dùng để đánh trả Israel nếu Iran bị tấn công. Ngoài ra, Shahab cũng là loại tên lửa Iran chọn để lắp đầu đạn hạt nhân.

Dù không có kết luận đây là một vụ ám sát, nó có nhiều đặc điểm giống với hàng loạt vụ việc đã khiến Iran mất đi một số lãnh đạo có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất lên hoạt động nghiên cứu tên lửa và vũ khí hạt nhân” - Mark Fitzpatrick, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế về chính sách chiến lược (IISS) ở London, Anh quốc, đánh giá - “Tên lửa là thành phần chính của khả năng tấn công bằng vũ khí hạt nhân và đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy một số dấu hiệu rằng bộ phận tên lửa đang bị tấn công mạnh hơn”.



Iran tổ chức lễ tang cho tướng Hassan Moghaddam mới thiệt mạng trong vụ nổ tại một căn cứ quân sự

Một cuộc chiến ngầm

Iran luôn khẳng định họ chỉ dùng chương trình hạt nhân để sản xuất điện. Mới đây, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng ra báo cáo nói rằng Iran từng nỗ lực để làm chủ vũ khí hạt nhân và các hoạt động này kéo dài tới năm 2003 thì dừng lại.

Tuy nhiên cuối tuần trước, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố báo cáo của IAEA có nhiều giới hạn về mặt thông tin và nỗ lực quốc tế vẫn không ngăn cản Iran tới chỗ sản xuất và sở hữu bom nguyên tử.

Sau cái chết của Hassan, báo chí Israel đã đưa nhiều thông tin nói rằng quốc gia Do Thái đứng sau vụ nổ mới nhất ở Iran và hàng loạt sự kiện tương tự nhằm vào hoạt động nghiên cứu tên lửa và vũ khí hạt nhân của Iran. Họ nêu ra việc 3 nhà khoa học hạt nhân của Iran bị bắn chết trên phố trong 2 năm qua. Gần đây là sự xuất hiện của các virus máy tính Stuxnet đã khiến một phần trong số hàng ngàn máy ly tâm dùng để làm giàu hạt nhân của Iran hoạt động mất kiểm soát. Sự kiện mới nhất, vừa xảy ra hôm 15/11, là việc xuất hiện của hàng loạt các virus máy tính mang tên Duqu. Những virus này có nhiều đặc điểm tương đồng với Stuxnet, đã tấn công dữ dội các máy tính quân sự của Iran.

Tuy nhiên bất chấp những nỗ lực phá hoại này, Iran vẫn có đủ khả năng để phát triển vũ khí hạt nhân. Trong quá khứ, Iran đã đổ lỗi cho nhà nước Do Thái và Mỹ bí mật đứng sau các chiến dịch phá hoại nhằm vào họ. Thực tế cả Mỹ và Israel đều không giấu diếm ý đồ dùng các cuộc tấn công quân sự để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Nhưng việc mở một cuộc chiến mới tại Trung Đông, nhất là lại nhằm vào một quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh như Iran, có thể gây nên những tác hại không thể lường trước trong khu vực. Vì thế, các nhà phân tích nói rằng cái chết của Hassan Moghaddam có thể là một phần trong một cuộc chiến phi quy ước mới đã ngấm ngầm diễn ra trong mấy năm qua. Trong cuộc chiến bí mật này, Israel đang sử dụng hàng loạt các công cụ khác nhau, từ ám sát, phá hoại tới huy động hacker, để làm chậm khả năng Iran sở hữu thứ vũ khí hủy diệt đáng sợ.

Đây cũng là quan điểm của cựu trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Jamie Rubin, người hiện là giám đốc chương trình “Bloomberg View”. Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh CBS News, ông khẳng định rằng vụ nổ sát hại Hassan rõ ràng là một âm mưu ám sát của Israel và đó là một kế hoạch được tính toán kỹ lưỡng. “Tổ chức các hoạt động phá hoại bí mật rõ ràng là một sự lựa chọn khôn ngoan hơn nhiều so với việc mở thêm một cuộc chiến tổng lực mới, chứa đầy tính phiêu lưu ở khu vực Trung Đông” -  ông đánh giá.

Tường Linh (Theo AFP)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm