Anh: Hé lộ siêu hàng không mẫu hạm khổng lồ

20/07/2010 11:13 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 19/7, những hình ảnh đầu tiên về Queen Elizabeth đã lần đầu bị tiết lộ cho báo giới. Siêu hàng không mẫu hạm lớn nhất và mạnh nhất Anh này hiện đang được tập đoàn quốc phòng BAE System đóng ở Glasgow.

Khó có thể hình dung quy mô khổng lồ của Queen Elizabeth. Những tấm ảnh được báo chí Anh chụp được chỉ cho thấy một phần của con tàu, dù phóng viên đã cố ý dùng ống kính góc rộng để lấy được toàn cảnh.

Trong bức tranh hùng vĩ mà Queen Elizabeth đóng vai trò trung tâm, các công nhân lao động chỉ như những con kiến li ti trong ảnh. Toàn bộ thân tàu hiện đang được đóng tại xưởng Glasgow thuộc sở hữu của tập đoàn BAE Systems. Việc xây dựng mới chỉ bắt đầu cách nay một năm. Trong những ngày này, tiếng cắt gọt, gò hàn và tiếng ken két của kim loại có thể nghe thấy suốt ngày.


Hình ảnh công trường đóng tàu sân bay loại Queen Elizabeth của Anh
Việc đóng các tàu sân bay Queen Elizabeth đã lần đầu được đề cập tới trong báo cáo Đánh giá Chiến lược Quốc phòng công bố hồi năm 1998. Nhu cầu đóng tàu sân bay thế hệ mới nảy sinh từ việc 3 tàu sân bay lớp Invincible được thiết kế và đóng trong thời Chiến tranh Lạnh đã quá cũ, lạc hậu, cộng với thực tế rằng nhu cầu sử dụng tàu sân bay trong giao tranh đang tăng mạnh.

Năm 2003, Bộ Quốc phòng Anh thông báo các mẫu thiết kế tàu sân bay đời mới của tập đoàn Thales đã được chọn nhưng tập đoàn BAE Systems sẽ vẫn nắm vai trò nhà thầu chính. Hai công ty này sẽ cùng Bộ Quốc phòng Anh và một số công ty khác đóng các tàu sân bay mới.

Hợp đồng đóng tàu được Bộ trưởng Quốc phòng Des Browne công bố vào tháng 7/2007, trong đó ước tính chi phí của hai con tàu là 3,9 tỉ bảng. Tuy nhiên phải mất 2 năm trì hoãn, tới tháng 7/2009, việc đóng con tàu sân bay đầu tiên mang tên HMS Queen Elizabeth (Nữ hoàng Elizabeth) mới diễn ra. Trong khi đó hoạt động chuẩn bị để đóng tàu sân bay thứ hai mang tên Prince of Wales (Hoàng tử xứ Wales) cũng đã được triển khai.

Theo báo chí Anh, các tàu sân bay thuộc loại Queen Elizabeth có kích cỡ rất lớn. Mỗi chiếc sẽ dài 280m, rộng 70m. Một chiếc tàu sân bay này sẽ chứa 36 máy bay chiến đấu liên hợp JFS F35B (hoặc các máy bay Eurofighter Typhoon, F/A-18E/F Super Hornet và Rafale M) và 4 máy bay cảnh báo sớm AWAC. Tàu sân bay Queen Elizabeth có thể chứa 8.600 tấn nhiên liệu để hỗ trợ cho con tàu và các máy bay nó mang theo. Con tàu có thể mang theo 1.000 tấn thực phẩm, đủ để nuôi sống thủy thủ đoàn cả ngàn người trong 6 tuần lễ. Khu vực sàn tàu nơi phóng các máy bay rộng gần 13.000 m2 trong khi khoang chứa máy bay rộng 29.000m2.


Mô phỏng hình ảnh tàu Queen Elizabeth khi hoàn thành
Tàu sân bay Queen Elizabeth được thiết kế có hai chân vịt, mỗi chiếc có đường kính 6,7m và nặng 33 tấn. Mỗi chân vịt được tiếp năng lượng bởi hai tổ hợp động cơ điện chạy xăng và dầu diesel với công suất 109MW. Tổng trọng lượng máy phát điện diesel lên tới 800 tấn. Mỏ neo của mỗi con tàu sẽ cao 3,1m và nặng 13 tấn. Mỗi một chiếc thang máy dùng để đưa máy bay từ khoang chứa lên sàn bay có thể nâng được 2 chiếc máy bay chiến đấu hoặc ném bom. Chúng lớn và khỏe tới mức có thể nâng lên toàn bộ thủy thủ đoàn của tàu. Để điều hành Queen Elizabeth và số máy bay nó mang theo, sẽ cần tới 1.500 nhân viên.

Tuy nhiên trong khi việc đóng tàu vẫn diễn ra liên tục tại nhiều địa điểm ở Glasgow, Portsmouth, Devon, Newcastle và Merseyside, chương trình tàu sân bay lại đối mặt với tương lai hết sức bất ổn do Bộ Quốc phòng Anh đã tiến hành xem xét đánh giá lại các ưu tiên chiến lược của quân đội, trong đó đề ra mục tiêu cắt giảm ít nhất 15% trong tổng ngân sách lên tới 37 tỉ bảng trong vòng 4 năm tới.

Năm ngoái, tờ Guardian dẫn một số nguồn tin quốc phòng cao cấp cho biết các quan chức ở Anh hiện vẫn đang kiểm tra và cân nhắc khả năng bán tàu sân bay để cắt giảm ngân sách. "Bán một tàu sân bay là lựa chọn hết sức nghiêm túc" - một nguồn tin quốc phòng nói với tờ Observer . Tờ báo cho biết sẽ phải mất từ 6-12 tháng để người ta ra quyết định liên quan tới số phận của chiếc tàu sân bay.

Bản thân giám đốc điều hành BAE System Ian King tuyên bố hồi tuần trước rằng có thể cả hai chiếc tàu sân bay này sẽ không phục vụ trong Hải quân Anh, dù việc đóng chúng sẽ hoàn tất đúng tiến độ. Geoff Searle, giám đốc chương trình đóng tàu sân bay Queen Elizabeth thì đề cập nhiều hơn tới khía cạnh kinh tế của các tàu loại Queen Elizabeth. Ông coi những con tàu này như "tài sản quốc phòng, thay vì là tàu của riêng lực lượng Hải quân". "Phân nửa các nhiệm vụ hỗ trợ không kích ở Afghanistan hiện đang được các tàu sân bay Mỹ hoạt động tại Ấn Độ dương và vùng Vịnh thực hiện" - ông nói - "Chỉ cần chúng đã đủ để cung cấp một phạm vi hỗ trợ rất rộng lớn và linh hoạt"

Trước mắt, trong khi vai trò quốc phòng của chương trình Queen Elizabeth vẫn còn mơ hồ, nó vẫn đang thực hiện tốt vai trò mang tới các lợi ích kinh tế. Khoảng 1,2 tỉ USD nằm trong các gói thầu phụ liên quan tới con tàu đã được trao cho nhiều công ty ở Anh, qua đó tạo ra hơn 14.000 việc làm. Hơn 80.000 tấn thép đã được đặt để các doanh nghiệp Anh sản xuất và một hợp đồng vận tải trị giá 100 triệu bảng cũng được ký kết.

Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm