03/02/2009 09:19 GMT+7 | Thế giới
Chợ “âm phủ” mua may bán rủi
Ông Đàm Đức Đoàn - người dân thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực cho biết, Nam Định có tới 4 chợ Viềng đều được họp cùng ngày trong năm, trong đó chợ Viềng ở xã Trung Thành huyện Vụ Bản và chợ Viềng ở thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực được nhiều người tìm đến hơn cả. Hàng hóa ở đây khá đa dạng và độc đáo từ lưỡi cày, con dao đến cây cảnh đồ cổ… đều có. Năm nay, hàng hóa ở đây đều được bán đúng giá và rẻ hơn so với phiên chợ năm trước. Dù vậy, năm nay do ảnh hưởng kinh tế nên du khách về đây đi chùa làm lễ là chính, không mặn mà với những mặt hàng được bày bán như mọi năm. Họ chỉ mua một ít các đồ vật nhỏ để làm lưu niệm và lấy may đầu năm.
Thịt bò vốn được xem là hàng hóa được ưa chuộng không thể thiếu khi đi chợ Viềng nhưng đến 7h sáng qua 2/2, trên bàn các quầy hàng vẫn còn la liệt thịt. Không giấu được vẻ mệt mỏi chị Nguyễn Thanh Hòa ở xã Nam Toàn, Nam Trực chép miệng nói: năm trước thịt 6 con bò đến 4h sáng mùng 8 bán hết veo nhưng năm nay thịt 2 con đến giờ mới bán được gần 1 nửa. Giá thịt bò bắp và thịt thăn chỉ từ 100 ngàn đến 120 ngàn đồng/kg, tương đương với giá bán hàng tiêu dùng nhưng vẫn ít có người mua. Không chỉ có thịt bò mới lâm vào tình cảnh ế ẩm mà quầy hàng thịt lợn cũng chung cảnh vắng khách. “Thịt nạc giá chỉ 60 ngàn đồng/kg nhưng không ai mua. Năm Kỷ Sửu mọi người kiêng kỵ không ăn thịt bò, hàng ế ẩm đã đành nhưng thịt lợn còn ế nặng hơn” - chị Lý chủ quầy hàng bán thịt lợn than thở. Nhà cách chợ 10km, từ mùng 6 chị Lý đã dựng lều cắm chốt với hi vọng đầu năm xông đất bán hết được số lợn còn tồn từ năm ngoái. Nhưng cả hai vợ chồng bán từ tối mồng 7 đến giờ chỉ hết được 2 con.
Theo quan niệm xưa, đi chợ Viềng không mua cây cảnh coi như bị dông cả năm, chính vì vậy cây cảnh được bày bán la liệt với đủ chủng loại từ cây xanh đến hoa và cây ăn quả. Để được sở hữu 10m2 diện tích trong chợ để bày bán cây cảnh, chị Trần Thị Nga phải trả 250 ngàn đồng tiền dịch vụ và 20 ngàn tiền vé chợ. Quê ở Thái Bình nhưng chị có thâm niên 5 năm bán cây cảnh ở chợ Viềng Nam Định. Năm nào cũng vậy cứ vào mùng 6 tết chị đi thu gom và thuê công nông chở cây cảnh lên chợ. Phiên chợ năm trước chị bán được 500 chậu hoa cảnh các loại, như lộc vừng, cây sanh, trạng nguyên… Năm nay chị nhập gần 1.000 cây về bán nhưng ngồi từ sang mồng 7 cũng chỉ bán được gần 100 cây, trong đó cây đắt nhất được trả 100 ngàn đồng. Nhìn những chậu, bát cây cảnh nằm la liệt không có người hỏi mua chị buồn rầu nói: “Phiên chợ này mà không bán được thì chỉ biết mang về phơi làm củi. Bán ở chợ Viềng cây cảnh không cần đẹp chỉ cần rẻ là dễ bán nên phần lớn chị nhập cây nhỏ bán làm cây lộc đầu năm. Cả năm chỉ trông vào một phiên chợ, vậy mà…”
Chỉ viết sớ và trông xe “đại phát”
Đa số “đồ cổ” ở chợ Viềng đều là giả cổ, được những người bán hàng quảng cáo là mác đồ cổ. Cho nên, dù đã giảm giá hơn các phiên chợ năm trước nhưng rất ít người mua. Theo anh Hoà, năm nay người dân có mua thì chủ yếu là các loại đồ đồng mới làm sang trong ngôi nhà chứ họ không còn đổ công sức truy tìm những món đồ cổ chính hiệu như chĩnh, vại, đồ uống trà, ống bình vôi, chén, đĩa, bát... như trước đây nữa. Nếu cứ tình trạng thế này, các năm sau, đồ cổ chính hiệu sẽ chỉ còn là mục tiêu của một số rất ít những người sưu tập chuyên nghiệp.
Trái với cảnh ế ấm vắng khách của các loại hàng hoá, dịch vụ viết sớ và trong xe cho khách vẫn hốt bạc và tuỳ cơ chặt chém. Giá viết một cánh sớ dao động từ 5 - 20 ngàn. Tuy nhiên, nếu người dân biếu thêm tiền những người viết sớ gọi là “lộc đầu năm” tiền biếu càng cao, cánh sớ càng đẹp. Vào trong đền chùa “thầy” viết sớ, sóc quẻ viết không kịp bán. Tiếng chuông chùa vang lên, mọi người thản nhiên vứt giấy, rác thải vỏ hoa quả xuống sàn chen chân tới gần điện cầu khấn lộc tài đầu năm.
Do bãi gửi xe của BTC hết chỗ, các điểm gửi xe dọc đường cách chợ tới gần 2 km mọc lên như nấm và thi nhau chặt chém. Để có chỗ gửi xe gần chợ không phải đi bộ du khách phải trả 100 – 150 ngàn đồng/ 1 xe ô tô và từ 20 – 50 ngàn đồng/ 1 xe máy. Tuy nhiên nếu người nào đi chợ quá lâu giá gửi xe bị đội lên tùy vào thời gian.
Rời chợ Viềng năm nay mới thấy hết sự tác động ngày càng lớn của thị trường suy thoái kinh tế đối với một phong tục cổ. Mặt khác, việc tổ chức “hội chợ” một cách trật tự ngăn nắp để tránh các hiện tượng tăng giá tùy tiện, bắt chẹt khách tham quan, và ngăn ngừa các hoạt động mang màu sắc mê tín, dị đoan đã trở thành một nhu cầu cấp thiết.
Mạnh Cường – Thu Hoài
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất