Leonardo da Vinci của giới chế bạc giả

20/10/2012 06:05 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH Cuối tuần) - Được mệnh danh là Leonardo da Vinci của giới chế bạc giả, Czeslaw Bojarski sống khỏe 14 năm liền bằng nghề này. Cả một đội thám tử theo dấu Bojarski khắp nước Pháp cũng phải công nhận tài năng kiệt xuất của thủ phạm, nhưng rồi cũng có ngày ”thiên tài“ ấy sẩy chân...

Bụng đói đầu gối phải bò

Czeslaw Bojarski nhũn đầu gối khi bước vào hàng thịt ở quận ngoại ô Montgeron (Paris), nhưng nếu không liều thì lễ Giáng sinh năm ấy cả nhà nhịn đói: hôm đó là 25/12/1950, và vợ hắn đã ra lệnh như vậy. Vậy là Bojarski lớn giọng đặt một con ngỗng để quay, nhưng mắt vẫn gườm gườm theo dõi ông hàng thịt. Rồi hắn muốn nhảy cẫng lên vì sướng khi thấy mọi sự trôi chảy. Ông hàng thịt gói con ngỗng đưa qua quầy và chúc khách hàng một lễ Noel an lành.

Bojarski khấp khởi khuân con ngỗng về nhà. Hai năm ròng thí nghiệm với đủ các loại giấy, màu in, bản khắc đã ngốn cả núi tiền và làm hắn bạc tóc. Hôm nay thành phẩm đầu tiên đã qua được kỳ sát hạch xuất sắc.

Czeslaw Bojarski và nơi in tiền giả

Đầu năm 1951, Bojarski bắt đầu tiến hành in tiền cả tập. Giả danh thương gia, hắn đi khắp nước Pháp để tiêu thụ tiền giả. Thành công của Bojarski cũng nhờ vào một nguyên tắc vô cùng cẩn trọng: không bao giờ trả hai tờ 1.000 franc liền.

Phấn khởi vì trót lọt ở quy mô lớn, năm 1953 Bojarski chuyển sang in tờ 5.000 franc. Vẫn chừng ấy công sức bỏ ra, nhưng kết quả gấp 5! Không những chỉ lấy tiền sinh sống cho cả nhà, Bojarski còn mua ô-tô đẹp và xây villa. 7 năm sau, nước Pháp đổi tiền, nhưng với 10 hoa tay của mình Bojarski lại lọt lưới với đồng 100 NF (franc mới) hay còn gọi là 100 Bonapartes vì in hình Napoleon. Tính từ 1950 đến 1964, tổng cộng khoảng 2,5 triệu NF (1 NF = 100 franc cũ) được Bojarski tung ra thị trường một cách an toàn.

Săn đuổi một bóng ma

Ngân hàng Pháp lần đầu tiên vào năm 1951 phát hiện ra tiền 1.000 franc giả nhưng với chiến thuật đánh lẻ tẻ khắp trong nước của Bojarski khiến cảnh sát không biết bắt đầu điều tra từ đâu. Năm 1958 họ lại nhận ra những đồng 5.000 franc xuất hiện, tuy nhiên cảnh sát vẫn mò mẫm trong bóng tối. Thám tử Emile Benhamou, sĩ quan được nhà nước đặc cách phân việc điều tra tiền giả sau khi tóm được hàng chục cơ sở dập xu giả. Nhưng lần này ông sẽ còn phải vò đầu bứt tai 13 năm ròng. Không chỉ đồng tiền giả được chế tạo một cách hoàn hảo, mà hệ thống phân phối cũng như xuất quỷ nhập thần, không để lại dấu vết nào.

Sau cải cách tiền tệ, mùa Đông 1963 thám tử Benhamou cầm trong tay những tờ 100 NF đầu tiên và nhận ra tác giả và kỹ nghệ gia công chỉ là một. Lần này thì một sự ngẫu nhiên đã giúp ông: ở chi nhánh Levallois của Ngân hàng Banc de France, một nhân viên đã phát hiện ra nhiều tờ Bonapartes số lượng lớn, thậm chí nhớ được mặt mũi người vào mua ngoại tệ và tiền vàng.

Tội vạ cũng chỉ do lòng tham, thói bất cẩn hay tính thương người đặt sai chỗ của Bojarski, khi hắn lôi thêm một đối tác vào cuộc. Antoine Dowgierd cùng gốc Ba Lan như Bojarski, đang lâm cảnh nghèo đói và cả hai từng cùng quân ngũ. Dowgierd mua đồng 100 NF của bạn với giá 70 NF, song lại lôi thêm cả ông anh rể Alexis Chouvaloff làm đồng lõa. Chouvaloff cầm cả nắm tiền đi mua công trái và bị lộ ngay lần thứ hai

Tờ 100 NF được làm giả tinh vi đến nỗi không thể nhận ra

Tài nghệ đáng nể

Benhamou nằm phục kích ở Levallois và rốt cục bắt quả tang Chouvaloff. Ít lâu sau thì Dowgierd cũng sa lưới. Khi lần ra tung tích Bojarski, thám tử Benhamou không tin vào mắt mình: đột nhiên bóng ma mà ông đang kiếm tìm hiện ra với một khuôn mặt cụ thể tuy không giống như cảnh sát vẫn chờ đợi. Bojarski nhỏ thó, cao 1,58m, kính cận dày cộp, nước da tái mét, gầy gò, trông Bojarski không như một tội phạm gan lì, mà có tướng nghệ sĩ hay trí thức hơn.

Cảnh sát lục tung cả nhà Bojarski mà không tìm được gì. Không có tiền giả, máy in hay mực. Chỉ nhờ một ngẫu nhiên mà cảnh sát dò ra được căn hầm. Một nhân viên vấp ngã, chống tay vào tường và đụng phải một nút bấm, từ đó hiện ra một cánh cửa lật nhỏ xíu. “Xưởng in” tiền giả vỏn vẹn 3 mét vuông của Bojarski lộ ra, với hàng xấp Bonapartes đang phơi cho khô và mấy thùng bột giấy tự chế!

Chưa tội phạm nào bị Benhamou hỏi cung lâu như vậy, nhưng rốt cuộc ông cũng phải tin rằng Bojarski đơn phương tác chiến. Trong giả định của cảnh sát, công việc này cần đến 6-7 kỹ thuật viên cao cấp. Khi ra làm nhân chứng trước tòa sau đó hai năm, Benhamou nói: “Tôi ngả mũ kính phục tài nghệ xuất chúng của bị cáo. Trong 20 năm làm cảnh sát, chưa bao giờ tôi thấy tiền giả tinh vi như vậy!”. Cả vợ Bojarski cũng tin là chồng mình đang có một dự án nghiên cứu dưới hầm ngầm, hay ít nhất cũng nhờ khai vậy mà trắng án.

Thiên tài

Tờ Time bầu Bojarski là Leonardo da Vinci trong nghề in bạc giả

Hội đồng thẩm phán châu đầu lại ngắm mà không thể nhận ra tờ tiền nào là giả, khiến khán giả cười vỡ bụng. Tờ Time của Mỹ bầu Bojarski là Leonardo da Vinci trong nghề in bạc giả, thậm chí còn chia công việc của hắn thành… ba chu kỳ sáng tác: chu kỳ “xanh” (màu của tờ 1.000 franc), chu kỳ “đất và biển” (tờ 5.000 có hình Henri IV trước đất và biển) và chu kỳ “Napoleon”.

Khác với Benhamou và báo giới, tòa án không cảm tình mấy với Bojarski, vốn có một tiểu sử không được oai hùng lắm. Sinh năm 1912 ở Ba Lan, hắn học kiến trúc trước khi Đệ nhị thế chiến nổ ra. Binh nghiệp đưa hắn trôi dạt đến Pháp và lập gia đình ở đó. Vì kém tiếng Pháp nên kỹ sư Bojarski không tìm được việc làm, sinh ra lép vế với vợ và nhà vợ. Cùng đường, Bojarski làm bạc giả. Chìa khóa thành công ở lĩnh vực này là làm được đúng loại giấy và Bojarski đã thành công khi tìm ra một hỗn hợp gồm sợi gỗ, giấy cuốn thuốc lá và nước mưa. Tự tay hắn khắc bản in, sau đó còn nghĩ ra một loại máy làm tờ bạc cũ đi trong vài phút. Chất lượng bạc giả tuyệt hảo, duy chỉ có hàng số 100 bị dịch cao hơn bản chính 0,04 cm!

Sau hai ngày xử, Bojarski nhận án 20 năm tù. Báo chí tung tin hắn chết sau một năm tù vì ung thư. Nguồn khác cho rằng hắn được ân xá sau 13 năm. Không ai biết chính xác. Lại một lần nữa, Bojarski chìm vào bóng tối...

Lê Quang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm