22/01/2012 07:00 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Nối tiếp mạch tưởng tượng của năm Rồng, mời bạn đọc tới Festival Nghệ thuật Jakarta. Chúng tôi đảm bảo đây sẽ là một Festival kỳ lạ chưa từng thấy, và độc nhất vô nhị trên thế giới.
Từ ngày 1 đến ngày 32 tháng 8 năm 2008, một sự kiện văn hóa vô tiền khoáng hậu đã diễn ra tại Indonesia. Lần đầu tiên, 10 dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng nhất thế giới có mặt tại Thủ đô Jakarta. Toàn bộ các buổi diễn đều đã bán hết vé. Bản gốc những tác phẩm nổi tiếng của các họa sĩ lừng danh thế giới như Vincent Van Gogh, Pablo Picasso, Joan Miro, Andy Warhol… cũng đổ về đây cho những triển lãm có một không hai. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Indonesia thậm chí còn lên báo kêu gọi người dân Indonesia hãy học… ballet. Nhưng sự kỳ diệu của Liên hoan nghệ thuật quốc tế Jakarta 2008, JAK ART’08 không dừng lại ở đây…
Khai mạc liên hoan là buổi hòa nhạc của ban nhạc Dây Giày (!), với Bản giao hưởng số 9 của Beethoven, với chỉ huy dàn nhạc là người đã cầm đũa tại dàn nhạc giao hưởng trình diễn trong khai mạc Thế vận hội Sydney 2000. Khi khán giả kéo tới nhà hát, ban nhạc chỉ gồm 5 thành viên bắt đầu chơi nhạc bằng… dây giày. Dĩ nhiên, Bản giao hưởng số 9 vẫn vang lên, nhưng là trong tưởng tượng của khán giả! Hai buổi hòa nhạc khác không kém phần đặc biệt như thế là buổi biểu diễn của dàn nhạc Tuyết đến từ Mông Cổ (một quốc gia không bao giờ thấy tuyết) và dàn nhạc của những nghệ sĩ mắc bệnh Alzheimer (căn bệnh mất trí nhớ)! Và kỳ lạ hơn cả là buổi hòa nhạc của dàn nhạc giao hưởng Berlin được trình diễn trong một… nghĩa trang. Một sân khấu đã được dựng lên với đầy đủ âm thanh ánh sáng. Khán giả, báo chí dưới hàng ghế khán giả. MC bước lên sân khấu giới thiệu trang trọng. Nhưng sân khấu… trống không trong im lặng 10 phút. Hết 10 phút im lặng này, bỗng dưng có tiếng vỗ tay từ hàng ghế khán giả. Mọi người khác như bừng tỉnh, đồng loạt vỗ tay. Và khi tiếng vỗ tay lặng xuống, một màn hình xuất hiện trên sân khấu với hình ảnh của dàn nhạc giao hưởng Berlin đang chơi nhạc, khúc final trước khi chào khán giả (dĩ nhiên đây là hình ảnh trên video!). Buổi biểu diễn này sau đó đã được mô tả trên một tờ báo lớn của Jakarta.
Nhưng vẫn chưa hết. Buổi khai mạc triển lãm những tác phẩm nổi tiếng của các danh họa thế giới cũng gây sửng sốt cho người xem khi họ lũ lượt chen chân tới phòng trưng bày. Trước mắt họ, trên tường, là những Hoa diên vĩ, Chân dung bác sĩ Gachet của Van Gogh, Cậu bé và chiếc tẩu, Người đàn bà khoanh tay của Picasso, Ngôi sao xanh của Miro,..., toàn những “siêu phẩm” từng lập kỷ lục hàng chục triệu USD tại các cuộc đấu giá. Nhưng, đó chỉ là tên tranh kèm theo chú giải được đính dưới khung tranh. Còn tất cả, trên tường phòng trưng bày, chỉ là những cái khung tranh… trống không!
Điều gì điên rồ đang xảy ra ở Jakarta vậy? Báo chí nước này sôi sục, bởi ngay trên tờ báo của festival, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Indonesia còn kêu gọi người dân Indo hãy học múa ballet và Bộ trưởng Bộ Giáo dục Indonesia thì đề nghị đưa Festival Nghệ thuật JAK ART vào chương trình dạy và học!
“Sự thật sẽ bắt đầu khi một điều hoang tưởng kết thúc”
Ary Sutedja, nữ nghệ sĩ dương cầm người Indonesia và chồng mình, một nghệ sĩ người Hy Lạp, đã cùng nhau xây dựng nên một festival nghệ thuật quốc tế kéo dài trong một tháng hoàn toàn trong… tưởng tượng như vậy (ngay cả thời gian diễn ra từ ngày 1 tới ngày... 32 cũng đã là một sự tưởng tượng), nhưng nó lại gây nên một hiệu ứng mạnh mẽ và hoàn toàn có thật đối với chính quyền và người dân Jakarta.
Là con gái một quan chức ngoại giao của Indonesia, Ary sinh trưởng tại Đức, học piano tại hai cường quốc âm nhạc là Nga và Mỹ, nhưng rất yêu Jakarta và quyết định cùng chồng trở về quê hương sống và làm việc. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn ở đây, Ary đã “phát hiện” ra nhiều “vấn đề”. Một thành phố 15 triệu dân, thuộc loại lớn trong khu vực và thế giới, nhưng Jakarta chỉ có hai nhà hát và Ary có cơ hội biểu diễn tại đây 2 buổi/tháng trước một lượng ít ỏi khán giả quen thuộc. Có hàng trăm bảo tàng ở Jakarta, nhưng đáng buồn là hầu như chả có ai đi xem - thay vào đó, họ chen chân tới các trung tâm mua sắm. Một người bạn ngoại quốc của Ary có 5 ngày du lịch ở Jakarta và muốn xem một chương trình rối bóng, môn nghệ thuật truyền thống nổi tiếng của Indonesia. Nhưng khi Ary gọi tới nhà hát rối bóng để đặt vé thì câu trả lời là: 20 ngày nữa mới có chương trình biểu diễn! Tất cả những chuyện như vậy đã đặt trước Ary một câu hỏi lớn: Tại sao lại như vậy với một dân tộc giàu truyền thống văn hóa như Indonesia? Trong suy nghĩ của Ary, một quốc gia giàu mạnh, phát triển phải là quốc gia đặt sự phát triển của văn hóa lên vị trí quan trọng. Và cô quyết định phải làm một cái gì đó.
Festival Nghệ thuật Jakarta (viết tắt là JAK ART) 2008 có tựa đề If (tiếng Anh có nghĩa là “nếu”).
Festival Nghệ thuật Jakarta (viết tắt là JAK ART) 2008 có tựa đề If (tiếng Anh có nghĩa là “nếu”) là một chương trong chuỗi các JAK ART do Ary tổ chức từ năm 1999 và cũng là sự kiện độc đáo nhất, kỳ lạ nhất, gây sự chú ý với cả quốc tế. “Nếu Jakarta là một thành phố văn hóa của thế giới, vậy nó sẽ như thế nào? Bạn hãy tưởng tượng đi. Đó phải là nơi dừng chân của những dàn nhạc giao hưởng hàng đầu thế giới và vé xem bán hết sạch trước khi chương trình diễn ra. Đó phải là nơi các bảo tàng ngập tràn những tác phẩm hàng đầu thế giới và công chúng phải chen chân để có cơ hội… Bạn hãy tưởng tượng đi, ngay khi cả nhà hát im lặng, sân khấu trống trơn, thì những bản nhạc sẽ vẫn cất lên trong tưởng tượng của bạn. Bạn hãy tưởng tượng đi, đứng trước những khung tranh trống không, bạn vẫn nhìn thấy màu sắc, đường nét, hình khối…, tất cả chúng ở trong tưởng tượng của bạn…Festival If bao gồm những sự kiện, những buổi biểu diễn, những triển lãm,... vừa thật vừa ảo, vừa ảo vừa thật. Tôi biết sẽ không thể biến Jakarta thành thủ đô văn hóa thế giới trong một thời gian ngắn. Nhưng nếu tất cả chúng tôi cùng nghĩ về điều này, cùng tưởng tưởng về điều này, chúng tôi sẽ biết phải làm gì để biến điều tưởng tượng đó thành sự thật. Bởi vì sự thật sẽ bắt đầu khi một điều hoang tưởng kết thúc” - Ary bày tỏ.
Điều sau cùng, người viết bài này xin khẳng định: Ary Sutedja là một nghệ sĩ dương cầm người Indonesia, điều này hoàn toàn có thật. Cô hiện vẫn đang tiếp tục các chương trình lưu diễn của mình ở nhiều nơi trên thế giới và tiếp tục các chương mới của JAK ART.
Bài tiếp: Jules Verne - Những tiên tri... kinh hoàng
Thủy Phạm
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất