Bất ngờ ở Festival nghệ thuật trình diễn quốc tế

26/07/2010 08:28 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Festival nghệ thuật trình diễn quốc tế Nippon lần thứ 17 (the 17th Nippon International Performance Art Festival - NIPAF) vừa kết thúc tại ba thành phố lớn của Nhật Bản là Tokyo, Osaka và Nagano. Đại diện duy nhất của Việt Nam tại sự kiện mỹ thuật lớn trong khu vực này là Vũ Đức Toàn. Tốt nghiệp khoa Lịch sử và Lý luận phê bình mỹ thuật, ĐH Mỹ thuật Việt Nam năm 2007 nhưng được biết đến nhiều hơn trong giới mỹ thuật với tư cách là một nghệ sĩ của nghệ thuật trình diễn.


Vũ Đức Toàn trình diễn
Tác phẩm ở Tokyo số 2

Trở về từ NIPAF, Toàn cho biết:

- NIPAF năm nay là một tour từ Tokyo đến Osaka và Nagano. Hầu hết các tác phẩm đều được diễn ra trong không gian nhà hát hoặc khán phòng nhỏ, có chừng dăm sáu chục ghế ngồi. Các nghệ sĩ thường trình diễn trên một sân khấu chính. Tuy nhiên, ai thích chọn cách thức thể hiện nào trong không gian đó cũng được. Vì vậy, có khi, tôi trình diễn ở điểm cuối của một hành lang bên ngoài khán phòng, hoặc có nghệ sĩ khác lại trình diễn xen lẫn với khán giả... Còn có lần, cả đoàn lên một ngôi nhà cách biệt trên đỉnh núi, không có nhiều vật dụng hiện đại, không có cả sóng viễn thông hay dịch vụ internet, chỉ có thiên nhiên.

* Với những giới hạn không gian như vậy, có tác phẩm nào của anh bị “khớp” không?

- Cũng có, tuy nhiên, cái này không hẳn do giới hạn không gian mà còn do sự khác nhau về điều kiện xã hội chung hoặc do phản ứng chưa nhạy bén của bản thân tôi nữa. Tôi đã chuẩn bị từ Việt Nam một số thiết bị điện, song sang đến nơi mới biết, nước Nhật chỉ dùng điện 110v nên... thua. Hay như khi trình diễn trên núi, mỗi nghệ sĩ chỉ có một thời gian rất ngắn để chuẩn bị, riêng tôi phải đổi ý tưởng tác phẩm đến 3 lần khiến trợ lý nghệ sĩ của đoàn cũng phải sốt ruột, vì các ý tưởng ban đầu đều viện đến những sản phẩm của công nghệ hiện đại theo một thói quen tư duy thông thường, như điện thoại di động chẳng hạn, mà quên mất là ở trên núi không có sóng viễn thông...

* Anh có thể mô tả chút về tác phẩm anh trình diễn tại NIPAF lần này không?

- Tôi làm 1 serie liên quan đến nước, đều chung một cái tên là: Phụ lục của bản trường ca về nước (Appendix of an Epic on Water), đánh số thứ tự. Tác phẩm ở Tokyo (số 2), tôi làm với một con cá chép. Tôi mặc một bộ quần áo ướt sũng, hai tay quặt về phía sau cầm một con cá chép còn sống thoi thóp và từ từ tiến lên sân khấu. Tôi cũng từ từ và trịnh trọng đặt con cá lên một cái bục, rồi dùng một cái cưa kim hoàn (cưa được đặt riêng, cỡ to) lưỡi cưa sắc nhưng rất mảnh, tiếp xúc với con cá. Tôi muốn mọi thao tác và hành vi ở đây như mang tính nghi thức, bắt đầu cưa đầu cá theo một nhịp đều đều rất tỉ mỉ và chậm rãi với một trạng thái trơ như không có ý thức về cảm xúc... Khán phòng im lặng, tiếng răng cưa ghì vào xương cá nghe rõ mồn một. Tuy nhiên, khi cưa đến nửa đường thì cái lưỡi cưa do va chạm nhiều với xương cá nên bị đứt, kêu “păng” một tiếng. Cả khán phòng vẫn im phắc...

* Đó là sự cố hay là sự chuẩn bị trước của anh cho tác phẩm?

- Hoàn toàn là một sự cố không được tính trước. Ý định của tôi muốn khán phòng nín lặng trong căng thẳng cho đến khí cái đầu cá bị đứt lìa…

* Hẳn là anh bị bất ngờ?

- Vâng, cái sự bất ngờ trong tích tắc đó đã cho tôi rất nhiều cảm xúc. Tôi lặng lẽ buông cái cưa xuống, nâng con cá đặt lên một cái khăn mùi xoa, gói ghém cẩn thận, để lại nó trên bục, rồi lui dần vào cánh gà...

* Còn công chúng có mặt ở đó?

- Họ lặng phắc cho đến khi tôi lui vào hậu trường, mới đồng loạt à lên, vỗ tay như thể thở phào nhẹ nhõm... Tôi nghĩ là họ đã ở trong một trạng thái im lặng cùng nhiều cảm giác khác nhau trong suốt thời gian theo dõi tôi và con cá... Một vài nghệ sĩ và khán giả bảo tôi: “Tác phẩm của bạn gây ra cảm giác khiến tôi nổi da gà”, “Hình như tác phẩm của bạn nói đến sự ghê tởm và sự ăn năn nào đó, tôi có nhầm không?”... Tôi chỉ biết cảm ơn họ, như vậy là quá đủ với tôi...

* Còn với bản thân anh, điều gì khiến anh ấn tượng nhất ở NIPAF?

- Có lẽ, đó là tinh thần nghiêm túc của nghệ sĩ khi làm tác phẩm, bất cứ thuộc thể loại nào. Họ thực hiện tác phẩm chứ không coi tác phẩm như một công cụ để khoe khoang bản thân. Tôi đã rất bất ngờ và khâm phục khi biết rằng, không ít nghệ sĩ Nhật Bản tham gia NIPAF chính là những nhân viên chạy bàn, phát tờ rơi hay làm một công việc lao động phổ thông mà không qua một trường đào tạo chính quy về nghệ thuật... Họ làm việc cật lực hàng ngày để kiếm tiền và dành dụm cho những đợt nghỉ phép để tham gia các festival nghệ thuật trình diễn trong nước hoặc quốc tế. Tôi nghĩ, họ là những nghệ sĩ chuyên nghiệp. Trong khi ở Việt Nam mình, hình như “nghệ sĩ chuyên nghiệp” lại được quan niệm rất khác...

Nhị An (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm