Đã là fan cuồng, cần gì giải thưởng!

10/10/2015 12:11 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - So sánh, cân đo tình yêu bóng đá là một việc thừa thãi và rất hiếm gặp trong thế giới bóng đá.  

Khoảng chục năm trước, có một hình ảnh được lan truyền: Một fan hâm mộ bóng đá ngồi trần mình giữa cái nắng chiều gay gắt trên khán đài B sân Hàng Đẫy rộng mênh mông trơ ra toàn ghế nhựa cũ kỹ với bê tông.

Người hâm mộ ấy có phải là cổ động viên (CĐV) tuyệt vời nhất? Có thể thôi, vì mỗi người có chuẩn mực đánh giá riêng. Nhưng chưa chắc người hâm mộ ấy sẵn sàng nhận danh hiệu CĐV của năm nếu như ai đó trao cho anh ta.

Tình yêu trong bóng đá là một thứ tình cảm đôi khi còn điên rồ hơn cả tình ái. Chẳng hạn, người Việt Nam chết mê chết mệt các CLB bóng đá châu Âu, nửa đêm bỏ nhà ra quán hay một nhà thi đấu nào đó để hò hét cổ vũ một trận bóng đá diễn ra cách xa vạn dặm, rồi tiếng cười hay nước mắt của họ đều tan vào không khí.

Những nỗ lực tìm sự công nhận bởi các Hội CĐV chính thức của các CLB như Man Utd, Arsnenal, Milan... gần đây của các CĐV Việt Nam nếu như chưa được hồi đáp trọn vẹn thì chắc chắn, họ cũng sẽ không từ bỏ tình yêu của mình, ruồng rẫy CLB đã trót yêu.

Xếp hạng đánh giá một CLB người hâm mộ nào đó vì vậy là việc mà thế giới bóng đá văn minh không cần làm, hoặc rất ít nơi làm.


Bầu chọn Hội CĐV xuất sắc là điều "đặc biệt" của BĐVN. Ảnh: Thanh Hà

Vì nếu ở Anh có cuộc bầu chọn Hội CĐV giống như ở Việt Nam, thì chắc chắn những người yêu Man Utd sẽ thua, vì việc thuê chiếc trực thăng kéo tấm băng rôn mỉa mai, kêu gọi tẩy chay cựu HLV David Moyes sẽ bị lên án. Hay cựu biên tập viên Daily Mirror và từng là gương mặt ăn khách của CNN tại Mỹ là Piers Morgan, người đã đứng trong hàng ngũ những người kêu gọi ông Wenger từ chức sẽ không thể được coi là CĐV nổi tiếng bậc nhất của Arsenal.

Như trên đã nói, yêu bóng đá là phải biết chấp nhận vô điều kiện. Nhưng không có nghĩa là không được phép bày tỏ sự đau đớn, tức giận của mình trước những điều mà tất cả cho rằng nó là phi thể thao, là thiếu trung thực, và phản bội lại tình yêu.

Thật ngạc nhiên là vì sao BTC V-League và VPF lại có thể coi việc các CĐV Sông Lam Nghệ An phản đối những trận đấu "dậy mùi" tiêu cực bằng cách không tới sân, hoặc đòi hỏi phải thay đổi lại là điểm trừ, và qua đó không thể coi họ là những CĐV tiêu biểu.  Ở đây, ai là chân chính, CĐV hay các cầu thủ - đội bóng?

"Phạt" những hành vi phản đối bóng đá tiêu cực, ở đây, cũng chính là một dạng thức tiêu cực khác hay chí ít là cổ súy cho tiêu cực.  

Có một câu hỏi ngỏ đặt ra cho các CĐV Sông Lam Nghệ An là khi họ quyết định bỏ hoang các khán đài sân Vinh sau những trận đấu đầy nghi vấn thì họ có e ngại là vì nó mà mình sẽ không thể giành giải Hội CĐV của năm hay không? Lúc ấy họ có màng tới cái danh vị ấy khi mà tương lai, vận mệnh, lòng tin của một CLB bị thách thức?

Có thể là khập khiễng, nhưng các CĐV Quảng Ninh cũng đã trải qua cảm xúc thất vọng, khi họ chứng kiến Than Quảng Ninh không có những kết quả tốt nhất thì bày tỏ sự thất vọng với HLV Đinh Cao Nghĩa, và muốn thấy sự thay đổi, dù cho không ai quên công lao của ông để rồi sau đó họ vẫn tri ân khi ông rời ghế. Như bất cứ ai, các CĐV có quyền chính đáng được thể hiện cảm xúc, miễn là không phạm luật.  

Vì thế, chấm điểm xem ai cổ vũ hay hơn quả thực là một việc làm quái dị của những người điều hành V-League!

Truyền thông "chấm" Hội CĐV Than Quảng Ninh ngang
Hội CĐV SLNA

Cuộc bầu chọn Hội CĐV xuất sắc nhất là một trong các giải thưởng phụ của V-League. Điều ngạc nhiên là tại sao năm trong số sáu phiếu bầu lại thuộc về BTC giải trong khi 35 phóng viên được mời tham bầu lại chỉ được tính gộp thành một phiếu (tính trung bình). Theo nguồn tin của TT&VH, 35 phóng viên tham gia bầu chọn (có một số người không gửi phiếu), sau khi tính điểm bình quân thì Hội CĐV Than Quảng Ninh và Hội CĐV SLNA xếp ngang nhau. Như vậy, quyết Hội CĐV nào thắng giải hoàn toàn là sự lựa chọn của BTC.

Hội CĐV nào cũng có "phốt"

Cũng theo nguồn tin của TT&VH, trong khi Hội CĐV SLNA bị điểm trừ vì giai đoạn cuối tham gia tẩy chay đội bóng, và chỉ đăng ký rất ít số lượng thành viên với BTC giải trong một số trận đấu, thì Hội CĐV Thanh Hóa lại bị đánh giá thấp ở giai đoạn đầu mùa, hoạt động chưa sôi nổi, và từng có hành vi ném đồ vật vào Hội CĐV Quảng Ninh trên sân Thanh Hóa. Còn CĐV xứ Than lại "dính" vụ pháo sáng khi CLB của họ tiếp Hải Phòng trên sân Cẩm Phả.


Phạm Tấn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm