Đa dạng nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2024

08/11/2023 15:46 GMT+7 | Tin tức 24h

Để chuẩn bị cho mùa mua sắm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, chủ động các phương án đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng cao của người dân; trong đó, Sở Công Thương Hà Nội ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố khoảng 40.900 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết năm 2023.

Ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết, thành phố triển khai nhiều giải pháp bảo đảm hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Theo đó, Hà Nội đã tổ chức đưa đoàn doanh nghiệp đến các tỉnh phía Nam làm việc để kết nối sản phẩm vào thị trường Hà Nội. Ngoài việc kết nối đưa hàng hóa của các địa phương vào thành phố, Hà Nội cũng triển khai các điểm giới thiệu và bán sản phẩm của Thủ đô; mở thêm 2 điểm bán và giới thiệu sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Song song với đó, sẽ kết nối 52 sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố vào các điểm bán này.

Đa dạng nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2024 - Ảnh 1.

Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, chủ động các phương án đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng cao của người dân. Ảnh minh họa: Bích Huệ - TTXVN

Bên cạnh đó, Sở Công Thương thành phố Hà Nội còn tổ chức theo dõi sát sao diễn biến thị trường các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là xăng dầu; tăng cường kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm và kiểm tra việc hướng dẫn phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất và thương mại. Sở hỗ trợ tổ chức các hội chợ như Hội chợ quà tặng thủ công mỹ nghệ, hội chợ ngành công nghiệp chủ lực 2023, tăng cường kết nối giao thương, quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp Hà Nội với các cơ quan khác…

Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chọn phương án sản xuất, kinh doanh linh hoạt theo nhu cầu thực tế của thị trường. Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phúc Sinh cho biết, năm nay, các sản phẩm giỏ quà Tết của doanh nghiệp sẽ giảm giá khoảng 40% nhưng chất lượng không đổi.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết, Vissan dự kiến cung ứng ra thị trường gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 5% so với cùng kỳ và 3.800 tấn thực phẩm chế biến. Lượng hàng dự trữ chiếm khoảng 10-20% sản lượng. Ngoài việc bảo đảm bình ổn giá, doanh nghiệp còn giảm giá từ 10-20% các sản phẩm thiết yếu vào các ngày cuối tuần và giảm giá 30% một số nhóm hàng cho khách hàng mua sắm Tết muộn.

Về phía doanh nghiệp bán lẻ cũng có kế hoạch ký kết với các nhà cung cấp sớm, đảm bảo nguồn cung dồi dào không để xảy ra tình trạng tăng giá vào dịp cuối năm. Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành hoạt động kiêm Giám đốc marketing Saigon Co.op, hệ thống đã chuẩn bị nguồn hàng từ 3 tháng trước. Saigon Co.op cũng tính toán lại giá cả, cân đối thu chi nhằm mang đến nguồn hàng phong phú nhưng có giá ổn định, cùng nhiều ưu đãi.

"Dự báo tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, khách hàng tiếp tục thắt chặt chi tiêu, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu. Năm nay, lượng hàng tại hệ thống siêu thị tăng khoảng 30% so với cùng kỳ và tăng 50% so với ngày bình thường. Mức giá bán ra luôn ổn định, tốt nhất cho người tiêu dùng", ông Nguyễn Ngọc Thắng cho hay.

Đặc biệt, cuối năm là thời điểm doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng mong đợi các sự kiện khuyến mại, với những "cơn bão sale" bùng nổ mua sắm. Do vậy, từ vài tháng nay, các doanh nghiệp phân phối đã, đang lên phương án tiết giảm tối đa chi phí, đưa ra những chương trình khuyến mại hấp dẫn người tiêu dùng.

Bà Đỗ Tuệ Tâm, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, để có được một chương trình khuyến mại, doanh nghiệp bán lẻ phải nỗ lực rất lớn. Cùng với đó, nhà cung cấp cung ứng nguồn hàng đầy đủ, chất lượng và giá hàng hóa luôn luôn tốt nhất trên thị trường. Tại hệ thống siêu thị của chúng tôi có rất nhiều các chương trình khuyến mại không chỉ trong tháng, mà thậm chí có những chương trình khuyến mại trong tuần và chương trình khuyến mại đặc biệt.

Đa dạng nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2024 - Ảnh 2.

Người dân mua sắm tại siêu thị. Ảnh: Lê Thúy Hằng - TTXVN

Ngay trong tháng 11 này, chương trình Tháng khuyến mại 2023 của Hà Nội sẽ diễn ra sự kiện "Ngày Vàng giá shock" tại 50 Điểm Vàng của chương trình là các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng lớn tại Hà Nội như: Mediamart, BRGmart, Big C, MM Megamarket, Nguyễn Kim, Vultex, Saigon Co.opmart, Doji, Lan Chi, Hiền Lương, Winmart, Đức Thịnh…

Theo ban tổ chức, các đơn vị tham gia sự kiện đều đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hàng hóa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ với hơn 1 triệu sản phẩm giảm giá từ 20% đến trên 50%, thậm chí một số mặt hàng giảm sâu lên đến trên 70% trong 2 "Ngày Vàng giá shock". Do vậy, việc thu ngân, chăm sóc khách hàng cũng được các doanh nghiệp tăng cường nhằm đáp ứng lượng khách mua hàng tăng cao thường khoảng gấp 2 lần so với cùng kỳ.

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Trung tâm MM Megamarket Thăng Long: "Năm 2022, siêu thị ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn 50% so với trước đó, các kênh mua hàng online cũng tăng từ 25% - 30% nên năm 2023, chúng tôi đã sớm làm việc với các nhà cung cấp để có nguồn hàng phong phú, chất lượng và giá cả ưu đãi. Chúng tôi sẽ có hơn 50.000 mặt hàng được giảm giá tới 50% trong Tháng khuyến mại Hà Nội 2023 và nhiều mặt hàng sẽ được giảm tới trên 50% trong 2 "Ngày Vàng giá shock" để mang lại những trải nghiệm mua sắm tốt nhất cho người tiêu dùng".

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Quang Đức, Giám đốc Marketing hệ thống siêu thị PICO cũng chia sẻ, năm nay hệ thống siêu thị điện máy PICO sẽ có nhiều chương trình giảm giá sâu cho các sản phẩm tivi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, gia dụng, sản phẩm công nghệ… từ 15 - 50%, đặc biệt trong 2 "Ngày Vàng giá shock" một số mẫu tivi, tủ lạnh giảm đến 70%, cùng nhiều quà tặng kèm và các chương trình bốc thăm may mắn cho khách hàng.

Nam Giang/TTXVN

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm