Từ chuyện Phạm Hương ca 'Dạ cổ Hoài lang' trên đất Mỹ…

16/12/2015 07:08 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Chỉ vài giờ sau tối 13/12, clip biểu diễn tài năng của người đẹp Phạm Hương tại cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ 2015 lập tức được chia sẻ trên mạng với tốc độ chóng mặt. Ở đó, trong phần biểu diễn trên đất Mỹ, thí sinh đại diện cho Việt Nam đã ca rất ngọt bài vọng cổ Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Bất ngờ, hào hứng, xúc động…là cảm giác đang được các độc giả trong nước liên tục chia sẻ qua những lời động viên và nhắn nhủ khi theo dõi ca khúc của Phạm Hương. Cũng cần nói thêm, là người đẹp đến từ phía Bắc, bản thân cô gái này cũng đã phải vượt qua những hạn chế sẵn có, khi thể hiện bản vọng cổ truyền thống vốn gắn chặt với chất giọng đặc thù của người dân Nam Bộ.

Phạm Hương đã ca rất ngọt bài vọng cổ "Dạ cổ hoài lang" tại cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ 2015

Những chia sẻ được báo giới đăng tải cho biết: Phạm Hương đã mất 2 tháng để học cách diễn xướng bản Vọng cổ nổi tiếng này, thay cho các nội dung múa hoặc vẽ tranh - lựa chọn thường thấy ở các người đẹp Việt Nam khi tham gia những cuộc thi sắc đẹp thế giới. Bởi, cô hiểu rất rõ giá trị của việc tạo ấn tượng với Ban giám khảo, cũng như bạn bè quốc tế, qua việc khai thác Đờn ca tài tử - loại hình âm nhạc Việt Nam vừa được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại cách đây 2 năm -trong phần biểu diễn tài năng của mình.

Thành công của Phạm Hương tại cuộc thi còn là một dấu hỏi. Nhưng trước mắt, rõ ràng cô không thể làm tốt hơn trong việc lấy trọn cảm tình và sự ủng hộ của khán giả Việt Nam, vốn đang dõi theo hành trình của mình. Cũng bởi, với tâm lý chung từ khán giả, việc được chứng kiến một làn điệu âm nhạc truyền thống của dân tộc cất lên tại xứ người, trong một cuộc thi cấp quốc tế, vẫn là điều gì đó thiêng liêng và cảm động.

Phạm Hương thi tài năng tại Hoa hậu Hoàn vũ bằng 'Dạ cổ hoài lang'

Phạm Hương thi tài năng tại Hoa hậu Hoàn vũ bằng 'Dạ cổ hoài lang'

Tối 13/12 (giờ Việt Nam) Hoa hậu Phạm Hương đã tham dự phần thi Tài năng trong khổ cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2015 bằng tiết mục hát Dạ cổ hoài lang, từng được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại.


2. Câu chuyện của Phạm Hương khiến những người yêu sân khấu có một liên tưởng thú vị về một Dạ cổ Hoài lang khác, cũng lấy bối cảnh trên đất Mỹ. Đó là vở diễn Dạ cổ hoài lang năm 1993 của tác giả Thanh Hoàng, kể về cuộc sống xa xứ của 4 người Việt Nam. Không hiểu nhau, không tìm được tiếng nói chung giữa 2 thế hệ già trẻ, giữa những người đến từ Việt Nam và những thanh niên lớn lên trên đất Mỹ, cây cầu nối để họ chia sẻ và tìm đến với nhau chính là tình cảm, là nỗi nhớ về quê hương, về văn hóa Việt, về dòng tộc họ hàng với bản vọng cổ Dạ cổ Hoài lang nổi tiếng.

Chỉ có 4 nhân vật, vở diễn Dạ cổ Hoài lang trong hơn 20 năm qua đã trở thành đỉnh cao của làng sân khấu với hàng nghìn đêm diễn ở các sân khấu lớn nhỏ, với những giọt nước mắt từ Nam tới Bắc. Không cần những điều quá to tát, gượng ép, đôi khi khái niệm và cảm xúc về quê hương được khơi gợi trong tâm trí mỗi người chỉ bằng những thứ giản dị và gần gũi như vậy.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm