28/10/2016 15:16 GMT+7 | Các ĐTQG
(Thethaovanhoa.vn) - Cơn đại địa chấn làm nức lòng người hâm mộ của U19 Việt Nam trên đất Bahrain thực sự mới chỉ là khởi đầu với thầy trò Hoàng Anh Tuấn. Trước mặt họ, những người trẻ và thậm chí với cả nền bóng đá, là một hành trình dài đầy chông gai tìm chỗ đứng. Thế nên đừng vội mà hoan hỉ quá độ.
Cũng trên đất Ấn Độ, ngay cả khi đội tuyển U16 Việt Nam đã trả sòng phẳng món nợ thua tức tưởi U16 Australia ở chung kết giải Đông Nam Á trước đó không lâu, bằng chiến thắng 3-2, cũng không có nghĩa là nền bóng đá Việt Nam đã ở đẳng cấp tương đương với bóng đá xứ sở chuột túi.
U19 Việt Nam vẫn còn thua những đối thủ hàng đầu châu lục như U19 Nhật Bản một bậc.Ảnh: AFC
Lại nhắc Australia, dù U19 Việt Nam (lứa của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường...) từng hơn một lần thắng họ tại các VCK U19 Đông Nam Á và vòng loại U19 châu Á, thì U19 Australia đã lại vừa 'gieo sầu' cho chính thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn tại giải Đông Nam Á 2016 ở Hàng Đẫy. Sau trận thua 2-5 muối mặt ở bán kết, ông Tuấn đã nói, đấy là một trận đấu tồi tệ, một đêm tồi tệ. Nhưng hãy chìm xuống tận đáy của thất bại, để thấy thất bại cũng rất có giá trị. Các bài học xương máu ấy thực sự đã giúp học trò ông Tuấn trưởng thành lên rất nhiều.
Thành công của U19 Việt Nam tại VCK U19 châu Á 2016 không thể xoá nhoà một sự thật rằng, nền bóng đá trẻ Việt Nam vẫn còn yếu và thiếu tứ tung. Khi HLV Hoàng Anh Tuấn và các cầu thủ U19 đang chinh chiến ở xứ người Bahrain, thì tại quê nhà, VCK U21 QG 2016, cũng diễn ra (Cẩm Phả, Quảng Ninh).
Và tại đây, PV Thể thao & Văn hoá đã nghe được những câu chuyện, có thể nói là buồn đến nao lòng, về bóng đá trẻ và công tác đào tạo trẻ của U21 Đồng Tháp và U21 An Giang, những đội bóng thuộc hàng "nhược tiểu" khi xếp cạnh mấy anh nhà giàu PVF, Hà Nội T&T hay HAGL...
Để đến được Quảng Ninh đá VCK U21 QG, 2 trong số 3 đại diện của Tây Nam bộ (bên cạnh U21 Long An) đã phải đi đường bộ hết 5 ngày đường. Thoạt nghe, nhiều người sẽ liên tưởng đến bóng đá thời bao cấp. Mà thậm chí bóng đá bao cấp cũng không khổ đến thế, khi U21 Đồng Tháp và đội láng giềng An Giang vẫn ở cảnh 'ăn không đủ no, co cũng chưa đủ ấm' theo đúng nghĩa đen.
Vì một đội dự VCK U21 QG phải tự chi trả tiền ăn và tiền khách sạn cũng như phí di chuyển, nên các CLB con nhà nghèo như An Giang hay Đồng Tháp phải cân, đo, đong, đếm, nhấc lên hạ xuống đủ cách. Họ ở khách sạn rẻ tiền, ăn không đủ chất. Để tiết kiệm, BHL U21 An Giang còn cử cả một trợ lý HLV vào vai đầu bếp, còn U21 Đồng Tháp thì tiết kiệm theo cách khác."Nếu chúng tôi di chuyển bằng đường hàng không, tất nhiên là sẽ nhàn hơn rất nhiều cho các em, nhưng sẽ phải mất gần 100 triệu đồng tiền vé, trong khi ngân sách chỉ có bấy nhiêu. Và như thế, phải trừ vào tiền ăn - ở của đội bóng. Tôi đã tính toán và quyết định, đội sẽ đi bằng đường bộ để bù lại, cầu thủ của tôi vẫn ăn đủ 200 ngàn đồng/ngày, thay vì chỉ còn 70 ngàn/ngày. Tuy có vất vả, nhưng vẫn đảm bảo được bữa ăn đủ dinh dưỡng. Với cầu thủ trẻ, dinh dưỡng rất quan trọng", trưởng đoàn U21 Đồng Tháp, ông Phạm Quốc Dũng, chia sẻ với Thể thao & Văn hoá mà rưng rưng nước mắt.
U19 Việt Nam thua U19 Nhật Bản 0-3 ở trận bán kết giải U19 châu Á 2016
Kể từ khi về làm Phó GĐ Trung tâm, phụ trách chính các tuyến trẻ của bóng đá xứ sở sen hồng, vị cựu trọng tài V-League Phạm Quốc Dũng (con ruột ông Sáu Thành - nguyên GĐ Sở TDTT Đồng Tháp (cũ) nổi tiếng một thời), đã cải tổ triệt để. Theo đó, các tuyến trẻ của Đồng Tháp từ U13-U21, dự 3 VCK các giải trẻ/năm và mới nhất, U17 Đồng Tháp đã quật ngã cả PVF để lên ngôi vô địch VCK U17 QG 2016 tổ chức ở Tây Ninh. Đấy cũng là một tấm gương điển hình tiên tiến về vượt khó. Nhưng hôm qua, U21 Đồng Tháp (với hơn 80% là các cầu thủ 17-18 tuổi) thua chủ nhà Quảng Ninh và bị loại rồi. Đường về quê hương với họ hẳn sẽ rất xa, xa lắm. Hỏi tội nghiệp không?!Bóng đá trẻ là khởi sự, là gốc rễ để tạo nên một nền bóng đá tự cường. Thành công bước đầu của các đội trẻ QG như U16 hay U19, hẳn tạo những tiền đề rất tốt cho ĐTQG về sau này. Tuy nhiên, như đã nhắc ở đầu bài viết, việc tìm kiếm môi trường phát triển lý tưởng cho các tài năng trẻ là chuyện không đơn giản.
Đâu phải ai cũng được ra nước ngoài thi đấu như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường?! Nếu may mắn, những người trẻ sẽ tiếp tục sự nghiệp chơi bóng chuyên nghiệp ở hạng Nhất và V-League. Sẽ là một hành trình dài nỗ lực không mệt mỏi, trước khi mơ tới sắc áo đội tuyển Việt Nam.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất