Những ngày cuối cùng của nhà báo Mỹ James Foley

22/08/2014 10:33 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) – Trước khi ra tay hành quyết nhà báo Mỹ James Foley, những tên khủng bố IS đã đòi một số tiền chuộc khổng lồ lên đến 132,5 triệu USD, tuy nhiên, không có bất cứ cuộc đàm phán nào chính thức được diễn ra trong khi mọi nỗ lực giải cứu đều hoàn toàn thất bại.

Theo hãng tin CNN, đây là những chi tiết nổi bật về chuỗi ngày tháng cuối cùng trong cuộc đời Foley trước khi bị một chiến binh Hồi giáo cực đoan chặt đầu “để cảnh báo Mỹ”. Trước đó, những kẻ bắt cóc yêu cầu, nếu muốn Foley được thả tự do, chúng phải nhận được số tiền chuộc 100 triệu euros (tương đương 132,5 triệu USD), một quan chức của Global Post, tờ báo trực tuyến nơi Foley đang làm việc tại thời điểm bị bắt cóc ở Syria vào năm 2012, cho hay. 

Global Post nói cơ quan này "không bao giờ coi 100 triệu USD là một khoản tiền chuộc nghiêm túc" bởi số tiền ISIS đòi chuộc nhiều con tin khác bị lực lượng này bắt cóc luôn "ít hơn đáng kể". Tuy nhiên, Global Post vẫn cố gắng thỏa thuận để có được một mức tiền chuộc hợp lý và thấp hơn con số trên trời mà những tên khủng bố đưa ra, Philip Balboni, chủ tịch và giám đốc điều hành cơ quan tin tức có trụ sở ở Boston nói với CNN

ISIS từng đòi số tiền chuộc Foley lên đến 132 triệu USD.

Điều đáng nói là không hề có bất kỳ cuộc đàm phán thực sự nào giữa Global Post và những kẻ bắt cóc Foley diễn ra như yêu cầu. Balboni đã cho rằng ISIS chỉ đơn giản đưa ra những yêu cầu đó mà không đi đến thương lượng chính thức để thả con tin. Foley, 40 tuổi, được nhìn thấy lần cuối cùng vào ngày 22/11/2012, ở phía tây bắc Syria, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. 

Những e-mail đòi tiền chuộc lạ lùng
 
Trong thời gian Foley mất tích, những kẻ bắt cóc đã gửi cho Global Post 6 e-mail nhưng "không có bất kỳ một cuộc đàm phán chính thức nào để IS thực hiện những yêu cầu của mình". Balboni nói, "Họ đưa ra yêu cầu, hoặc là 100 triệu (euro), hoặc là thả tự do cho các tù nhân Hồi giáo". Tuy nhiên, ISIS lại không đưa ra danh tính tù nhân mà chúng đòi thả nào trong các nội dung trao đổi với Global Post. Để xác nhận lại thông tin Foley còn sống hay không, gia đình Foley đã được phép gửi 3 câu hỏi đặc biệt và riêng tư mà chỉ Foley mới có thể biết câu trả lời và họ đã nhận được những đáp án chính xác. 

Hình ảnh trong video hành quyết Folry bằng dao của chiến binh Hồi giáo cực đoan.

Balboni cho biết, lần cuối cùng quan chức này nhận được những thông tin về Foley từ ISIS là vào ngày 13/8: "Những kẻ bắt cóc không bao giờ nhắn tin nhiều. Số lượng tin nhắn rất hạn chế với một mục đích rất cụ thể”. Bên cạnh đó, một số tin nhắn đưa ra yêu cầu về vấn đề chính trị và một số đưa ra những yêu cầu về tài chính, CNN tiết lộ. 

Đến e-mail cuối cùng gửi gia đình Foley vào hồi tuần trước, những kẻ bắt cóc đột nhiên cho hay chúng đã hủy bỏ những yêu cầu đưa ra trước đó và khẳng định sẽ giết con tin. Balboni nói, trong e-mail trả lời ISIS, gia đình Foley đã cầu xin bọn khủng bố cho thêm thời gian nhưng chúng không có bất cứ phản hồi nào.

Nỗ lực giải cứu thất bại

Trong video hành quyết man rợ được đăng tải trực tuyến vào thứ 3 (19/8), trước khi chặt đầu Foley, tên sát nhân mặc đồ đen bịt kín mặt còn đe dọa sẽ lấy mạng một con tin khác được cho là Steven Sotloff, phóng viên tự do đến từ Miami, Mỹ. Chiến binh Hồi giáo trong đoạn video, người có giọng nói mang đặc trưng Anh, khẳng định số phận của Sotloff vào việc Mỹ có kết thúc các hoạt động quân sự tại Iraq hay không.

Một con tin khác xuất hiện trong video man rợ được cho là phóng viên tự do Steven Sotloff.

Trước đòn trả đũa man rợ và những lời đe dọa từ ISIS, Tổng thống Barack Obama tuyên bố lực lượng này giống như “căn bệnh ung thư” cần phải được loại trừ, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ duy trì các hoạt động quân sự tại Iraq. Hôm qua (21/8), máy bay chiến đấu của Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện các cuộc không kích chống lại ISIS ở các mục tiêu gần Mosul Dam, vốn được ISIS kiểm soát nhưng gần đây đã bị lực lượng người Kurd chiếm lại. Theo quyết định của Bộ Quốc phòng, Mỹ đã tiến hành 6 cuộc không kích để hỗ trợ các hoạt động của lực lượng an ninh Iraq, CNN đưa tin.
 
Các quan chức quốc phòng và chính quyền Mỹ cho hay, nước này rất quan tâm đến số phận của Foley và các con tin khác của Mỹ bị bắt cóc, đồng thời đã cố gắng giải cứu các nạn nhân ở Syria trong nhiều tháng gần đây nhưng đều thất bại. Trong tuần lễ kỉ niệm Quốc khánh Mỹ 4/7, hàng chục lính Mỹ đã tiếp cận khu vực bên ngoài thành trì của ISIS ở Raqqa, nơi các nhà tình báo Mỹ cho rằng các con tin đang bị giam giữ. 

Delta Force, lực lượng chống khủng bố số 1 của Mỹ cùng Đội 6 biệt kích hải quân Mỹ SEAL đã đi bộ tới một nhà máy lọc dầu bị bỏ rơi được cho là nơi các con tin đang bị khống chế. Tuy nhiên, các binh sĩ đã không phát hiện thấy bất cứ dấu hiệu nào của Foley cũng như các con tin khác. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đại tướng Martin Dempsey đã xác nhận những thông tin về hoạt động giải cứu nhưng ông từ chối cung cấp các chi tiết liên quan.

Những ngày tháng cuối cùng của Foley 

Theo CNN, không ai có thể khẳng định ISIS đã đưa Foley và các con tin khác đến một nơi giam giữ khác hay không. Tuy nhiên, một số nhà báo Pháp được ISIS thả tự do từ hồi đầu năm nay cho biết họ đã bị giam cùng Foley trong nhiều tháng. Nhà báo Didier Francois nói với đài phát thanh Pháp Europe 1 rằng ông chính là một trong số người ở cùng nhà giam với Foley: "Foley là một bạn tù tốt trong trại giam vì anh ấy luôn quan tâm đến mọi người. Foley rất dũng cảm. Anh ấy có lòng can đảm tuyệt vời".

Foley khi còn tác nghiệp ở Syria.

Francois kể lại, Foley luôn quan tâm người khác từ mọi điều rất đơn giản như thường xuyên hỏi xin thêm bánh mì cho bạn tù. Francois cũng nói những kẻ bắt cóc luôn bắt tù nhân thực hiện những cuộc hành quyết giả và Foley cũng từng bị ép vào tường như thể đang bị đóng đinh. 

Nicolas Henin, một nhà báo cũng nói với CNN rằng anh cũng bị giam cùng Foley, người mà Henin rất khâm phục khi luôn tiếp thêm tinh thần và sức mạnh cho các tù nhân khác, trong suốt 7 tháng.
 
Trước đây, vì không muốn gây nguy hiểm cho Foley, Henin không bao giờ dám nói về về nhà báo tự do này. "Đó là một thời gian căng thẳng, rất nhiều áp lực và thiếu ăn. Chúng tôi thiếu tất cả mọi thứ và James, trong tình cảnh khốn khổ nhất, đã luôn là một người bạn tốt và thường xuyên giúp đỡ bạn tù. Anh ấy luôn động viên khi một người trong chúng tôi cảm thấy bất an và luôn luôn nói những điều khích lệ”.

Nhiều quốc gia phẫn nộ 

Hôm qua, sau khi đoạn video hành quyết đáng ghê tởm được xác nhận, một số nước trong khu vực đã lên án vụ vụ chặt đầu Foley của chiến binh Hồi giáo được cho là “John”, đến từ London (Anh). 

Chân dung kẻ sát nhân đáng ghê tởm được cho là "John", một chiến binh Hồi giáo đến từ London (Anh).

Bộ Ngoại giao Qatar gọi là cuộc hành quyết là một "tội ác ghê tởm đi ngược lại với tất cả các nguyên tắc Hồi giáo và nhân đạo, cũng như luật lệ và các công ước quốc tế". Cơ quan này ca ngợi Foley đã cho cả thế giới thấy sự can đảm của mình khi nói lên sự thật ở những chiến trường nguy hiểm nhất trên thế giới cũng như sự đau khổ của người Syria.

Phó tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập, ông Ahmad bin Hilli đã đưa ra lời chỉ trích vụ giết người, cho rằng đây là hành động "vô nhân đạo” và trái với giáo lý Hồi giáo. Bên cạnh đó, các nước Ai Cập, Bahrain và Tunisia cũng đồng loạt lên án cuộc hành quyết và thể hiện sự phẫn nộ về cách ra tay man rợ của những kẻ bắt cóc.

Hải Yến
Theo CNN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm