Chống tiêu cực trong bóng đá: Xây dựng từ bóng đá học đường

25/07/2014 08:02 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Dù nhiều người nhận thức được tầm quan trọng của công tác đào tạo bóng đá trẻ nói chung và bóng đá học đường nói riêng đối với sự phát triển của bóng đá nước nhà nhưng không phải ai, địa phương nào cũng có hướng làm và cách đi đúng đắn. Để có được sự phát triển toàn diện, ngoài phải học kỹ năng chơi bóng thì các cầu thủ nhí cần được trang bị đầy đủ kiến thức văn hóa và kỹ năng sống cần thiết.

Trao đổi với báo Thể thao & Văn hóa, ông Nguyễn Lân Trung, phó Ban Bóng đá phong trào của VFF, cho rằng: “Có một thực tế nhiều địa phương, nhiều CLB chỉ chăm chăm dạy cho các cầu thủ nhí những kỹ năng đá bóng sao cho hay, cho giỏi mà quên mất rằng các em cần được phải được học thêm những kiến thức văn hóa, kỹ năng sống cần thiết để hoàn thiện bản thân”.

Ông Trung nhấn mạnh: “Thực sự muốn phát triển nền bóng đá Việt Nam bền vững và hạn chế những vấn nạn, tiêu cực như việc cầu thủ đá quá bạo lực hay bán độ thì trước hết, ngay từ công tác đào tạo trẻ ở các địa phương, trường học, CLB phải trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng sống cho các em thay vì chỉ dạy mỗi đá bóng. Tôi tin với một cầu thủ có phông nền và kiến thức văn hóa tốt thì không dễ lầm đường lạc lối dính líu tới tiêu cực”.

TP.HCM được đánh giá là một trong những địa phương phát triển bóng đá học đường rất mạnh với các chương trình, dự án thiết thực. Festival bóng đá học đường năm 2014 là chương trình gây tiếng vang lớn.

Sau hơn 6 tháng triển khai chương trình bóng đá học đường đã thu hút tới hơn 1.000 VĐV nhí đến từ 41 trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM. Cùng với đó là các giải đấu bóng đá năng khiếu dành cho lứa tuổi U10, U12, các chương trình tuyển chọn cầu thủ tí hon tại các trường tiểu học trên toàn thành phố nhận được sự quan tâm rất lớn.

Ông Trần Anh Tú, Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM, chia sẻ: “Chúng tôi đã và đang phối hợp với các cơ quan của ngành giáo dục, các đối tác để phát triển bóng đá học đường. Từ các chương trình, dự án như festival bóng đá học đường, trẻ em sẽ được tiếp cận với bóng đá một cách thân thiện nhất và chúng sẽ không chỉ được học bóng đá mà còn có không gian vui chơi, giải trí, qua đó trau dồi, chia sẻ kỹ năng sống bổ ích.

Tôi chỉ đơn cử việc đào tạo trẻ futsal tại Thái Sơn Nam. Chúng tôi xác định, đối với những lứa cầu thủ trong độ tuổi tới trường thì việc quan trọng nhất đối với các em vẫn là học văn hóa. Trên cơ sở lịch học văn hóa, chúng tôi mới lên lịch tập luyện và thi đấu sao cho phù hợp để không làm ảnh hưởng tới việc tiếp thu kiến thức của các em.

Vẫn biết rằng sẽ có những khó khăn nhất định nhưng tôi tin rằng với cách làm kết hợp hài hòa giữa học bóng đá và văn hóa thì chương trình bóng đá học đường sẽ gặt hái được nhiều thành công”.

Đức Huân
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm