07/08/2014 11:59 GMT+7 | Các ĐTQG
(Thethaovanhoa.vn) - Rất nhiều ý kiến cho rằng, việc chỉ rơi vào một bảng đấu khá nhẹ (về lý thuyết), với Philippines và Indonesia là những đối thủ chính, thầy trò HLV Toshiya Miura tràn trề hy vọng lọt vào bán kết, khi chúng ta là đồng chủ nhà.
Nhưng sao lại chỉ là bán kết, thay vì có thể nâng cấp tham vọng?! Bóng đá Đông Nam Á đã và đang không có sự phân hoá thực sự rõ rệt nào về đẳng cấp và đây là cơ hội để chúng ta lấy lại một phần niềm tin trong lòng người hâm mộ, trước khi bước tiếp.
Theo góc nhìn của Thể thao & Văn hoá, đội tuyển Việt Nam thậm chí đứng trước cơ hội cực lớn để lặp lại kỳ tích vô địch cách đây 6 năm, ngay cả khi thành tích đối đầu với 2 đối thủ trong bảng không đứng về phía chủ nhà. Và ngoài ra, nền bóng đá đã và đang có biểu hiện khựng lại.
Thất bại là mẹ thất bại
Sau tất cả những điều tồi tệ xảy ra với nền bóng đá trong năm 2014, kèm theo các thất bại liên tiếp tại đấu trường AFF Cup cũng như SEA Games từ nửa thập niên qua, có thể khẳng định luôn rằng, chỉ số niềm tin của người hâm mộ dành cho ĐTQG nói riêng và nền bóng đá nói chung đã và đang xuống cực thấp. Khi không ít khán giả đang ngoảnh mặt với V-League thì ít ai tin rằng đội tuyển Việt Nam sẽ giành lại được ngai vàng Đông Nam Á sau 6 năm thất lạc.
Thế nhưng, đôi khi lợi thế sân nhà không phải bệ phóng để giúp đội tuyển Việt Nam thăng hoa, mà AFF Cup 2004 và AFF Cup 2010 trên sân nhà là những điển hình. Vì thế, nếu đội tuyển Việt Nam lại thất bại ở kỳ AFF Cup lần này thì có lẽ sẽ chẳng làm ai phải quá bất ngờ!
Có câu, thất bại là mẹ thành công, song với bóng Việt Nam những năm qua, thất bại lại luôn là mẹ của thất bại. Đó là hậu quả của một chiến lược làm bóng thiếu căn cơ và ngắn ngày.
Nhưng, ĐT Việt Nam sẽ vô địch
Năm 2002, khi HLV Henrique Calisto lần đầu tiên ngồi vào ghế HLV trưởng, không ai tin rằng đội tuyển Việt Nam sẽ qua được vòng bảng, khi phần lớn thế hệ vàng đều nói lời chia tay ĐTQG. Tuy nhiên, chiếc HCĐ Tiger Cup (tên gọi tiền thân của AFF Suzuki Cup) được cho là thành công ngoài mong đợi. Đội bóng của HLV Calisto thuyết phục được ngay cả những người khó tính nhất, với lối chơi mà ông Calisto gọi là “phòng ngự chặt tổ chức tấn công nhanh”.
Tình huống tương tự diễn ra AFF Cup 2008, thời điểm mà những trụ cột như Công Vinh, TấnTài, Phước Tứ, Vũ Phong..., mới chỉ 23-24 tuổi. Ngoài ra, cần phải kể tới việc ĐTQG đã thất thoát đáng kể nhân tài sau vụ tiêu cực ở SEA Games 2005 (Bacolod, Philippines), mà Quốc Vượng, Văn Quyến, Quốc Anh là những ví dụ. Nhưng đội tuyển Việt Nam của HLV Calisto vẫn làm nên bất ngờ khi hạ bệ Thái Lan để lần đầu tiên chiếm ngai vàng Đông Nam Á.
Dài dòng như thế để thấy rằng có nhiều khi chúng ta cạn kiệt niềm tin lại là lúc báo hiệu cho một thành tựu đang chực chờ và ngược lại. Bóng đá Việt Nam cũng không hiếm lần gây thất vọng khi sự kỳ vọng lên đến đỉnh điểm. Các kỳ SEA Games 2007 hay 2009 là những dẫn chứng.
Khi không còn đường lùi nữa, người ta tin rằng đội tuyển Việt Nam sẽ mang một bộ mặt khác, ít nhất về tâm lý chiến hay khát vọng cống hiến. Học trò ông Miura sẽ chơi bóng như chưa bao giờ được chơi bóng.
Vấn đề là nếu chúng ta vô địch một lần nữa thì sau đó là gì?!
Tuỳ Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất