'Cứu' Chùa Cầu trước nguy cơ sụp đổ

17/08/2016 06:54 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đã 7 lần đại trùng tu, Chùa Cầu- Biểu tượng của kiến trúc di sản văn hóa Hội An đang có nguy cơ sụp đổ. Sáng 16/8, một cuộc Hội thảo quốc tế Trùng tu di tích chùa Cầu – Hội An diễn ra tại TP Hội An (Quảng Nam), thu hút nhiều chuyên gia nghiên cứu văn hóa lịch sử trong nước và quốc tế, nhưng vẫn chưa có giải pháp nào tối ưu để “cứu” cầu. Người yêu Hội An không khỏi lo cho số phận của Chùa Cầu.

Chùa Cầu không chỉ phục vụ dân sinh đi lại mà còn là một di tích có sự kết nối giữa cầu và chùa, mang yếu tố tâm linh. Mỗi ngày, Chùa Cầu đón khoảng 4.000 lượt khách đến tham quan. Trải qua 400 năm, qua nhiều lần trùng tu, nhưng đến nay, có thể nói cây cầu bé nhỏ này không thể chống chọi được với sự nghiệt ngã của thời gian. Chùa Cầu đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng.

Trong khi trên cầu hàng nghìn người qua lại, dưới cầu lại là sự biến chuyển của dòng chảy và môi trường ẩm ướt sông nước. Những tác động này đang làm cho các mố, trụ chùa cầu bị nứt, nhiều cột, kèo có dấu hiệu bị hư hỏng, mục rỗng.

Đặc biệt, Chùa Cầu nằm ngay ở vùng rốn lũ của Hội An, vị trí này có dòng nước chảy mạnh mỗi khi lũ lụt về. Đến nay, cộng đồng dân cư ở Hội An đã tổ chức ít nhất 7 cuộc đại trùng tu Chùa Cầu.


Chùa Cầu – Biểu tượng của Hội An

Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cho biết: “Năm 1999 cũng có một hội thảo về trùng tu Chùa Cầu, các đại biểu đưa ra 2 luồng ý kiến khác nhau, hoặc trùng tu cục bộ hoặc hạ giải toàn phần. Lúc đó tôi nghiêng về trùng tu mang tính cục bộ vì chúng ta chưa khảo sát hết Chùa Cầu.

Nhưng đến hôm nay, Chùa Cầu ngày càng xuống cấp nặng. Nếu chúng ta không trùng tu thì không sớm thì muộn Chùa Cầu sẽ bị sụp đổ, lúc đó vấn đề trùng tu sửa chữa vô cùng khó. Theo tôi, cần hạ giải toàn phần nhưng giữ lại phần mái là giải pháp tối ưu nhất, nếu thay phần mái thì di tích sẽ trẻ ra, không còn là của thế kỷ XVI nữa mà là của thế kỉ XXI”.

GS-TS Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN nêu quan điểm: “Đã đến lúc chúng ta phải nghiên cứu, đánh giá toàn diện về mọi mặt, nhất là về phương diện kiến trúc. Tiếp đó nên tháo dỡ toàn bộ, làm hồ sơ chi tiết, gia cố, phục chế những bộ phận hư hỏng nặng rồi dựng lại. Không nên kéo dài tình trạng hư đâu sửa đấy khiến cho di tích dần biến dạng và mất hẳn tính nguyên gốc lúc nào không hay”.

“Phải đối xử với Chùa Cầu như một di sản văn hóa có giá trị, cần tính đến chuyện chấm dứt công năng giao thông của cây cầu và trước khi tu sửa nên làm cầu thay thế để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân” - Ông Giang nói thêm.

Chùa Cầu còn có tên gọi khác là cầu Nhật Bản do người Nhật xây dựng vào đầu thế kỷ XVII, tên chữ tại di tích là Lai Viễn Kiều, tức là cầu của những người bạn từ phương xa đến, tên cầu do Chúa Nguyễn Phúc Chu đặt năm 1719. Chùa Cầu dài 20,4m, rộng 13m, cao 5,7m, bố cục mặt bằng kiểu chữ đinh gồm phía nam là cây cầu có mái che nối liền trục giao thông chủ đạo của khu phố cổ.

Chùa Cầu được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1990, là biểu tượng của Khu phố cổ Hội An – di sản văn hóa thế giới.

Hoàng Yến
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm