21/09/2015 10:48 GMT+7 | V-League
(Thethaovanhoa.vn) - Đã không có phép màu nào cho Đồng Nai, khi thầy trò HLV Trần Bình Sự thảm bại tỷ số 1-4 ở Cẩm Phả, dù sớm có bàn vượt lên dẫn trước ngay phút thứ 9. Trong khi đó, đúng như dự báo, XSKT Cần Thơ đã có điều mình cần ở Tam Kỳ, khi cưa điểm với chủ nhà QNK Quảng Nam. Tất cả những diễn biến được cho là nhạy cảm này, đều không có trên sóng quảng bá mà ai cũng có thể xem được.
V-League 2015 vừa hạ màn, song vẫn có cảm giác ngao ngán ở ngày thi đấu cuối cùng, từ vùng Mỏ, đến xứ Quảng và tận ở Tràm Chim.
1. Trận đấu tại Cẩm Phả rất ý nghĩa với Đồng Nai và thậm chí với cả V-League, bởi nếu đội khách giành chiến thắng trong khi XSKT Cần Thơ thua trận ở Quảng Nam, lúc này tình thế có thể đảo ngược và đội bóng Tây Đô mới là những người cầm vé về “tuổi thơ” (hạng Nhất). Và, ngay phút thứ 9, “biến cố” thực sự đã xảy ra.
Đấy là tình huống mà trung vệ Bật Hiếu cố tình “quên” Nsi, để tiền đạo này thoát xuống, bình tĩnh khống chế đường tạt vào từ cánh phải, xé lưới chủ nhà Than Quảng Ninh. Cảm thấy có điều gì đó bất ổn, BHL Than Quảng Ninh lập tức rút cựu trung vệ U23 Việt Nam ra sân, để thay bằng một cái tên khá vô danh là Tiến Duy.
Than Quảng Ninh thi đấu khởi sắc trở lại để ghi liên tiếp 4 bàn thắng vào lưới đối thủ vốn như "cá nằm trên thớt", trong đó có cú đúp của tiền vệ ĐTQG Vũ Minh Tuấn. HLV Phạm Như Thuần (chỉ đạo từ xa do bị cấm ngồi băng ghế huấn luyện) đã ghi điểm bằng con mắt nhà nghề của một cựu trung vệ lão luyện trong màu áo Thể Công (cũ) và ĐT Việt Nam trước đây, khi nhìn thấy “biến”.
Một món quà không thể ý nghĩa hơn dành cho CĐV đất mỏ, bởi Than Quảng Ninh đã không “buông”, dù tham vọng thành tích gần như không còn. Đó là lý do mà người Quảng Ninh đã ăn mừng chiến thắng như thể họ vừa lên ngôi vô địch.
2. Trở lại với vấn đề nêu ở đầu bài viết, rằng tại sao và như thế nào, truyền hình lại không trực tiếp các trận đấu đáng chú ý ở vòng cuối cùng.
Trên thực tế, lịch truyền hình lượt về của V-League theo kế hoạch của VTV đã được lên từ đầu tháng 7. Khi đó, VTV đã quyết định không còn tường thuật mọi trận của HAGL mà truyền hình ảnh của nhiều CLB khác nhau. Trong đó, FLC Thanh Hoá được truyền 6 trận, SLNA có 5 trận được lên sóng. Và vòng cuối này, như đại diện của VPF cho biết, lịch truyền hình được giữ nguyên.
Ông này cho biết, trận đấu giữa SHB Đà Nẵng và FLC Thanh Hoá có chất lượng chuyên môn cao hơn. Có lẽ, VPF cũng hài lòng với sự lựa chọn này. Nếu các diễn biến ở Cẩm Phả hay Tam Kỳ được lên sóng rộng rãi, mà lỡ có chuyện, có lẽ hình ảnh về giải cũng bị “tổn thương”.
Nhưng còn lễ đăng quang của Bình Dương thì sao? Như Thể thao & Văn hoá đã đề cập ở số báo trước, rằng đây sẽ là chức vô địch kém vị nhất mà đất Thủ từng có, dù rằng họ là đội xứng đáng nhất lên ngôi. Một lễ đăng quang im ắng trên truyền hình, B.Bình Dương có quyền “hỏi lại VPF cho rõ” về mặt quyền lợi chứ?! Các giá trị thương quyền của V-League sẽ còn tiếp tục giảm, bởi sự thiếu minh bạch.
Với một sản phẩm làm ra trở nên khó bán, lỗi ban đầu phải thuộc về nhà tổ chức. Họ bất lực trong việc hối thúc và khuyến khích các đội bóng chơi đẹp, đồng thời, cũng không thể đưa ra những chế tài đúng lúc, dù đã được cảnh báo. Vài trăm triệu đồng/trận thắng, mà lãnh đạo CLB hứa thưởng, "xưa rồi diễm", bởi nó không giúp cầu thủ chơi bốc hơn.
Với rất nhiều sự thoả hiệp, rất nhiều sạn và rất nhiều các trận đấu có mùi, để xem nhà tổ chức sẽ đưa ra bản báo cáo tổng kết giải màu gì, chứ về đích an toàn thì đương nhiên rồi, bởi ít nhất, đã không có thêm đội bóng nào bỏ cuộc.
Xếp hạng chung cuộc Vô địch: Becamex Bình Dương Á quân: Hà Nội T&T Hạng ba: FLC Thanh Hóa Xuống hạng: Đồng Nai Vua phá lưới: Tambwe Patiyo (10) QNK Quảng Nam 18 bàn Vua phá lưới nội: Lê Văn Thắng (18) SXKT Cần Thơ 16 bàn |
Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất