Cuốn sách Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ: Tái bản vẫn quá nhiều sai sót

09/07/2014 08:00 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Không phải lần đầu tiên công luận đề cập tới những sai sót của cuốn sách Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ (đề tài nghiên cứu KHXH - NV trọng điểm của Đại học Quốc gia TP.HCM, do GS. TSKH Trần Ngọc Thêm làm chủ nhiệm, thực hiện trong hai năm 2009 - 2010 Nxb Văn hóa - Văn nghệ ấn hành năm 2013). Tuy nhiên, đáng tiếc là trong lần tái bản có sửa chữa năm 2014 này, sách vẫn còn quá nhiều sai sót.

Một cuốn sách đồ sộ về văn hóa Tây Nam Bộ với 889 trang, do tập thể 16 thành viên ở Khoa Văn hóa học biên soạn lại có quá nhiều sai sót, hầu như có thể bắt gặp nhan nhản ở nhiều chỗ trong sách, là điều đáng tiếc. Do khuôn khổ có hạn của một bài báo, tôi chỉ nêu ra một số dẫn chứng.

Khi mô tả chiếc giường thờ ở Nam Bộ xưa (tr.209), sách dám viết rằng đó là giường mà cha mẹ hay nằm lúc còn sống đặt ngay giữa nhà để thờ. “Sáng tạo” này quả là hết ý! Giường thờ thường đặt phía sau tủ thờ, khá lớn, bày thức ăn để cúng những vong hồn tổ tiên ông bà và được đóng riêng chỉ dùng cho mục đích ấy, nay vẫn còn thấy trong một số gia đình ở Nam Bộ. Bản thân giường ngủ đã bị xem là “ô uế” thì làm sao có thể đem ra thờ cúng ông bà được.


Bìa cuốn Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ (năm 2014)

Ở trang 212, sách mô tả bàn thờ Thiên (bàn Thông Thiên) là “bàn thờ vuông đặt trên cây trụ tròn”, nhưng 4 tấm hình minh họa ở trang 213 lại cho thấy toàn là các cột vuông? Và sách còn cho biết thêm là có thể đặt mâm ngũ quả trên bàn Thiên để cúng dịp tất niên!? (tr.213).

Viết về hò ở Tây Nam Bộ, sách viết: “Trong hò dưới nước thì lại có: hò mái cụt, hò mái đoản, hò mái dài, hò mái trường, hò mái ba, hò mái ố, hò ống, hò chèo ghe...”(tr.337). Khái niệm mái trong hò ở đây nên hiểu là lớp mái, lớp trống chứ không phải là “mái chèo”, mỗi mái chính là 1 đoạn. Hò mái đoản là hò mái cụt, còn hò mái dài là hò mái trường.

Cũng ở đoạn sách viết về mục đích của hò thì phân biệt hò lao động, hò giao duyên, hò tôn giáo (?) và hò đưa linh được xếp vào hò tôn giáo (tr.337-338). Hò đưa linh là hò phong tục nghi lễ, dành cho các nhân quan và đạo tỳ.

Ở tiểu mục nói về Lý và nói thơ, các tác giả cuốn sách quả là bạo gan khi dám cắt nghĩa và diễn giải:”Lý” nghĩa là “làng”. Lý là một lối hát làng quê, gắn liền với cuộc sống nơi thôn dã”(tr.340). Đúng là trong tiếng Hán, “lý” còn có nghĩa là “làng” nhưng từ “lý” trong tiếng Nôm ở đây lại chỉ một thể loại âm nhạc dân gian không liên quan gì với nghĩa là “làng” cả.

Viết về múa bóng rỗi, sách còn dám cho là “hình thức diễn xướng vừa mang tính nghi lễ tôn giáo”, “gắn với tín ngưỡng thờ thần Thành Hoàng và được tổ chức trong dịp Lễ hội Kỳ yên diễn ra ở các đình-miếu Tây Nam Bộ”(tr.346-347). Múa bóng rỗi chỉ gắn với tín ngưỡng thờ nữ thần (năm bà Ngũ Hành, Chúa Xứ) và chỉ diễn ra ở miếu chứ không hề diễn ra trong đình làng thờ thần Thành Hoàng.

Qua những dẫn chứng đã nêu, có thể thấy cuốn sách Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ do Trần Ngọc Thêm chủ biên sẽ có tác hại như thế nào nếu như người đọc hoàn toàn tin vào những điều viết trong cuốn sách mà không kiểm chứng lại. Và nó có thực sự xứng đáng là “sản phẩm của đề tài khoa học cấp trọng điểm Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh”, đã được một giàn hùng hậu các giáo sư trong Hội đồng nghiệm thu thông qua và thậm chí còn được tặng cho giải thưởng về thành tích nghiên cứu?!

Ngày 26/12/2013, Đại học Quốc gia TP. HCM tổ chức hội nghị thường niên năm 2013, Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng là đơn vị duy nhất ở Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn TP. HCM được khen thưởng trong số các đơn vị tập thể thuộc Đại học Quốc gia TP. HCM vì thành tích khoa học và công nghệ xuất sắc năm học 2012-2013, trong đó có việc xuất bản 2 cuốn sách: Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ, Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng, đều do Trần Ngọc Thêm chủ biên (Nxb Văn hóa-Văn nghệ, quý II, 2013). Hai cuốn sách này cũng được quảng bá rầm rộ trên các phương tiện truyền thông. Năm 2014, sách Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ được tái bản có sửa chữa.

Nguyễn Thanh Lợi (Nhà nghiên cứu)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm