Vì sao 'Cười xuyên Việt' sống ngon ơ?

15/08/2016 07:30 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Chương trình Cười xuyên Việt 2016 vừa khép lại, nhưng phía tổ chức (Công ty Truyền thông Khang) đã nói đến việc làm phiên bản nghệ sĩ mùa thứ 2 và phiên bản thí sinh mùa thứ 3, phát sóng trong năm 2017. Điều này cho thấy sự thắng lợi về tài chính của chương trình, dù mật độ xuất hiện khá dày đặc. Nó cũng vượt qua sự nghi ngờ của nhiều khán giả về việc có hay không chuyện Cười xuyên Việt 2016 sẽ là mùa cuối?

Theo số liệu khảo sát về tỷ suất người xem (rating) trong quý 2/2016, cứ 100 người xem truyền hình thường xuyên tại Việt Nam thì có khoảng từ 30 đến 60 người (tùy ngày) chọn xem kênh THVL1.

Khảo sát này cũng cho thấy các chương trình giải trí luôn thu hút đông người xem nhất, nhưng phải là sự giải trí được đầu tư tương đối bài bản, nghiêm túc như Tình bolero, Cười xuyên Việt, Sao nối ngôi, Làng hài mở hội… chứ các chương trình quá cứng nhắc, hoặc dễ dãi, xàm xí thì ít người xem. Đây có lẽ là lý do chính để Cười xuyên Việt (các phiên bản) thắng lợi, vì nó không làm khán giả “nặng đầu”, cũng không chiều theo sự dễ dãi, nhảm nhí.


Tiết mục giành giải Quán quân của Cười Xuyên Việt 2016

Tuy Cười xuyên Việt không phải là chương trình hướng đến sự thi thố thuần túy (như Tiếng hát truyền hình, Vietnam Idol…), mà cốt yếu là vui vẻ, nơi “ai thắng cũng xứng đáng” - như cách nói của chính ban giám khảo. Thế nhưng, việc “Cười xuyên Việt” đã phát hiện và tái phát hiện những cái tên như Lê Dương Bảo Lâm, Mạc Văn Khoa, Nam Thư, Huỳnh Lợi… lại cho thấy “con mắt xanh”, sự kịch tính, nên càng thu hút người xem.

Cứ thử so sánh với các chương trình giải trí “trá hình” thi thố giống nhưCười xuyên Việt, sau đêm chung kết trao giải ít lâu, còn mấy cái tên ở lại. Nhiều thí sinh sau khi đoạt giải ở các cuộc thi/chơi khác đã đăng ký thi/chơi thêm “Cười xuyên Việt” cũng cho thấy họ đôi khi cần danh tiếng hơn cần tiền bạc. Tạo ra được một chút danh tiếng cho người thi đã giúp cho chương trình này “sống ngon ơ”.

Một khía cạnh nữa. Theo công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, số đông khán giả xem truyền hình thường thích những câu chuyện có tính dân dã, bình dân, xúc động, có tính gia đình.

Cười xuyên Việt đã biết khai thác các yếu tố này một cách linh hoạt nên nhiều khán giả “nghiện” truyền hình sẽ bám trụ dài lâu. Câu chuyện hơi éo le, dễ mủi lòng về gia đình và bản thân của Mạc Văn Khoa, Lê Dương Bảo Lâm, gần đây là Anh Tú, Tuấn Dũng… là những ví dụ dễ thấy. Kịch tính của Cười xuyên Việt 2016 là chuyện con nhà nòi sân khấu đã thua cuộc trước “con nhà nòi” thợ hồ.

Nếu câu chuyện của Tuấn Dũng cho thấy việc theo nghề, giữ nghề (cải lương tuồng cổ - sân khấu truyền thống) không hề đơn giản, nên sự mai một là đương nhiên, khiến khán giả xúc động. Thì câu chuyện của Anh Tú là cơ hội cuộc đời, là “anh hùng bất luận xuất thân”, nó cho khán giả những ước mơ đời thực. Cả hai câu chuyện này là những điển hình truyền hình - theo quan điểm, cách phân tích của Nielsen - nên ai khai thác nó thì dễ thành công.

Cuối cùng, việc khán giả dành nhiều thời gian cho các chương trình như Tình bolero, Cười xuyên Việt, Sao nối ngôi, Làng hài mở hội… cho thấy việc giải trí, giảm căng thẳng với họ rất quan trọng. Nó cũng phản ánh phần nào sự thách thức, khó khăn trong công việc mưu sinh, trong đời sống của nhiều người.

Tuy nhiên, nếu nhìn ở khía cạnh khác, việc dành quá nhiều thời gian hoặc sự ưu tiên với các chương trình hài hước, giải trí có thể làm thiên lệch một số giá trị mẫu mực, hàn lâm khác.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm