Cuối năm - đi đâu mà vội?

14/01/2019 07:49 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Có vẻ như câu ca dao: “Đi đâu mà vội mà vàng/Mà vấp phải đá, mà quàng phải dây” rất phù hợp để mở đầu cho tuần mới này.

Tản mạn 'tháng củ mật'

Tản mạn 'tháng củ mật'

Vài ngày trước, trong câu chuyện, một người bạn lớn tuổi của tôi chép miệng: “bắt đầu tháng củ mật rồi”.

Đã qua tuần lễ đầu tiên của tháng 12 Âm lịch mà theo người xưa hay gọi là tháng “củ mật”, là tháng hay xảy ra nhiều vấn đề trong cuộc sống hàng ngày do tâm lý ai cũng bận rộn, công việc nhiều, thường hay xảy ra các sự cố đặc biệt về giao thông và hỏa hoạn mà nguyên nhân phần nhiều do chủ quan, khinh suất.

Tôi chợt nhớ lại một câu chuyện cũ: có người anh ở cạnh nhà hồi còn nhỏ, năm 1987 anh đang là bộ đội, đóng quân ở Thái Nguyên. Cũng vào dịp cận Tết Nguyên đán, đơn vị thông báo cho đội xây dựng làm nhanh cho xong bức tường rào xung quanh doanh trại, xong sớm thủ trưởng sẽ cho nghỉ phép luôn. Thế là cả đội xây dựng hơn 20 người cùng tập trung làm cho nhanh để được về sớm.

Ai dè, do giàn giáo yếu sập đổ cho nên cả 20 người bị ngã và chấn thương, tất cả đều ăn Tết trong trạm xá của đơn vị không về nhà đoàn tụ cùng gia đình. Âu cũng là do sự nôn nóng, cẩu thả vì vậy gặp xui xẻo. Ông anh sau khi xuất ngũ về nhà ngồi vui thi thoảng vẫn nhắc lại câu chuyện này cho mọi người và kết luận: Nhanh chậm nhiều khi do chính mình thôi chứ có ai ép buộc đâu, giá như mà cẩn thận hơn thì…

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhiều năm trước, khi có dịp trò chuyện hoặc làm việc cùng những bậc cha chú, tôi hay nghe được câu cửa miệng của họ khi gặp những sự việc yêu cầu có tính cẩn thận, chắc chắn, vào những thời điểm nhạy cảm hoặc có nhiều sự lựa chọn. Đó là “Không đi đâu mà vội”, rồi cũng sẽ đến đích thôi, vấn đề là chúng ta chọn phương án nào?

Ngẫm thì thấy rằng cuộc sống ngày hôm nay mặc dù bận rộn hơn so với trước đây, thế nhưng không có nghĩa là chỉ có một cách duy nhất là phải vội vàng, nôn nóng, sốt ruột. Thay vàođó, có lẽ chúng ta cũng nên có thay đổi cách sinh hoạt, đi lại, làm việccho phù hợp hơn với thực tế, khác với tâm lý chung của mọi người dịp cuối năm.

Tại sao không lựa chọn phương án chậm mà chắc, hãy bình tĩnh mà giải quyết từng việc một cho dứt điểm, và quan trọng là công việc thì có lẽ là cả đời người chứ đâu phải một tháng, một ngày. Tết thì năm nào chả có một lần.

Đọc lại thông tin, chúng ta sẽ thấy rõ những thiệt hại về người và tài sản dịp đầu năm Dương lịch, cận kề Tết Âm lịch. Đơn cử, dịp nghỉ Tết Dương lịch năm 2019, chỉ trong 4 ngày, cả nước xảy ra 147 vụ tai nạn giao thông đường bộ và đường sắt, làm 110 người chết, 61 nạn nhân bị thương. Quả thật là đau xót. Những ngày qua cũng liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn thảm khốc, làm rung chuyển dư luận xã hội...

***

Cuối năm, công việc ngập đầu, ăn uống, liên hoan tổng kết cũng liên miên. Nhưng không thể vội vàng. “Nhanh một phút, chậm cả đời”. Chỉ một sơ sẩy một chút, tai hoạ xảy ra là... mất Tết!

Chậm lại không chỉ để cho chính bản thân. Tôi có cô bạn đồng ngũ cách đây 30 năm, giờ đang làm công tác trong Hội Chữ thập đỏ. Cứ đến dịp Tết là âm thầm chuẩn bị những phần quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những gia đình nạn nhân chất độc da cam, những hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt, những học sinh nghèo vượt khó…

Đối với cô bạn tôi và đội tình nguyện viên của cô, “cho đi là sẽ còn mãi mãi” là tôn chỉ trong công việc này cho nên ai cũng thấy nhẹ nhàng, thanh thản, đặc biệt vào những dịp cuối năm cận kề Tết. Họ luôn dành những khoảng thời gian hợp lý cho cái công việc có tính chất từ thiện.

Việc làm của cô bạn khiến tôi nhớ tới một câu nói của George Eliot (1819 – 1880) mà tôi đọc trên một bài báo rất tâm đắc “Chúng ta sống để làm gì, nếu chẳng phải để giúp đỡ cho đời sống của nhau bớt khốn khó đi”. Một câu nói giản dị dễ hiểu và rất đáng kính trọng.

Đào Quốc Thắng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm