23/12/2014 06:31 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Juergen Todenhoefer, một nhà báo kiêm nhà văn Đức, vừa thực hiện một hành trình đi sâu vào trong các vùng đất nằm dưới sự kiểm soát của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, sau khi được sự đồng ý của lực lượng này.
Hành trình mà Juergen Todenhoefer thực hiện rất nguy hiểm, nhưng cũng khiến ông thấy được nhiều điều mới mẻ.
300 tay súng đánh bại đạo quân 20.000 người
Ông đã ghé thăm Raqqa và Deir Ezzor ở Syria, bên cạnh thành phố Mosul tại Iraq - các vùng đất đang được IS kiểm soát tốt. Mosul, thành phố lớn thứ 2 của Iraq, đã bị IS chiếm trong một chiến dịch tấn công chớp nhoáng kiểu của phát xít Đức hồi tháng 6. Ở đây, ông đã tận mắt thấy hiện thực cuộc sống thường nhật dưới thời IS.
"Có một cảm giác bình thường không hề dễ chịu ở Mosul" - Todenhoefer nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin CNN - "130.000 người Công giáo đã bị đuổi khỏi thành phố. Người Hồi giáo Shia cũng bỏ trốn và nhiều người khác bị sát hại. Tuy nhiên thành phố vẫn hoạt động và người dân ở đây thực sự thích sự ổn định mà IS mang tới cho họ".
Dù vậy, ông nói rằng vẫn có một bầu không khí sợ hãi tồn tại trong những người dân: "Hiển nhiên, nhiều người trong số họ khá sợ hãi, bởi các hình phạt dành cho việc phạm vào những quy định nghiêm khắc của IS luôn rất nặng nề".
Giới lãnh đạo IS nói với Todenhoefer rằng lực lượng này chiếm Mosul chỉ bằng 300 tay súng, dù có hơn 20.000 binh sĩ của chính quyền Iraq đóng trong thành phố khi họ tấn công. Todenhoefer đã trò chuyện với vài chiến binh IS đã tham gia cuộc tấn công. "Chúng tôi mất khoảng 4 ngày để chiếm Mosul" - một chiến binh trẻ giấu tên nói với ông. "Vậy các anh chỉ có 300 người và đã đánh bại 20.000 người trong vòng 4 ngày?" Todenhoefer hỏi. "Chúng tôi không tấn công tất cả số lính này. Chúng tôi tấn công rất mạnh các nhóm ở tiền tuyến, kết hợp với tấn công tự sát. Sau đó những kẻ còn lại bỏ trốn rất nhanh" - tay súng này giải thích - "Chúng tôi chiến đấu vì Allah, họ cầm súng vì tiền và những thứ mà họ không tin vào".
Những ánh mắt rực lửa
Todenhoefer đã nói với CNN về niềm tin mà các tay súng IS thể hiện trước ông. "Khi chúng tôi ở lại một điểm tuyển mộ thành viên mới, cứ mỗi ngày lại có 50 chiến binh gia nhập" - Todenhoefer kể - "Tôi không thể tin được ánh lửa rực lên trong mắt họ. Có vẻ như họ cảm thấy mình đã tới một miền đất hứa, đang chiến đấu vì lẽ phải".
"Những người đó (tân thành viên của IS) không phải các gã ngốc. Một trong số những người tôi gặp mới học xong cử nhân luât. Anh ta nhận được các đề nghị làm việc rất tốt, lương cao, nhưng từ chối để ra đi và chiến đấu. Tôi đã gặp cả các chiến binh tới từ châu Âu và Mỹ. Một trong số đó đến từ New Jersey. Anh có thể tưởng tượng một người đàn ông từ New Jersey tới đây để chiến đấu vì IS?".
Todenhoefer nói rằng điểm khiến IS rất mạnh là các chiến binh của lực lượng này sẵn sàng tử vì đạo trên chiến trường. Ông đã gặp một chiến binh hơi béo trong một điểm tuyển quân. Anh này kể rằng đã luôn mặc áo gắn bom tự sát khi tham chiến, bởi do béo mập, khó chạy thoát trong tình huống nguy hiểm nên nếu bị dồn vào chân tường anh sẽ cho nổ tung thân mình chứ không để bị bắt.
Trong hành trình, Todenhoefer đã có cơ hội trò chuyện ngắn với một tù binh người Kurd bị bắt ở Mosul. Tù binh này nói rằng anh chưa bị tra tấn, nhưng Todenhoefer cho biết khó mà tin được những lời nói đó. "Anh ấy đã bị IS bẻ gãy" - Todenhoefer nói - "Thật buồn khi nhìn thấy một con người trong trạng thái đó. Anh ấy rất yếu và rất sợ những kẻ bắt giữ mình".
Todenhoefer còn được đưa đi gặp các chiến binh nhí của IS. Đó là những đứa trẻ mặc đồ của IS và tay cầm súng AK. Một tay súng còn rất nhỏ tuổi nói rằng cậu đã tham chiến vài trận với những người lớn. "Cháu bao tuổi rồi?" - Todenhoefer hỏi. "Cháu 13 tuổi" - cậu nhóc trả lời, dù trông non hơn nhiều.
IS nguy hiểm hơn hơn người ta tưởng
Sự kiện mà Todenhoefer nhớ nhất trong hành trình là cuộc gặp một tay súng người Đức đang làm phát ngôn viên cho lãnh đạo IS. Người đàn ông này không hề phản đối hành động của IS và còn đe dọa cả Mỹ và châu Âu. "Vậy anh muốn trở lại châu Âu?" - Todenhoefer hỏi.
"Không, chúng tôi sẽ chiếm châu Âu vào ngày nào đó. Chỉ là vấn đề thời gian trước khi chuyện này xảy ra. Với chúng tôi, không có định nghĩa nào về biên giới, chỉ có các tiền tuyến. Và người châu Âu cần biết rằng chúng tôi sẽ không tới bằng cách thức dễ mến. Chúng tôi sẽ đến cùng vũ khí của mình. Những kẻ không cải sang đạo Hồi hoặc trả thuế Hồi giáo sẽ bị giết" - phát ngôn viên này tự tin tuyên bố.
Khi Todenhoefer hỏi về hoạt động đối xử của IS với các tôn giáo khác, đặc biệt là Hồi giáo Shia, người này nói: "150, 200 hay 500 triệu cũng không phải là vấn đề. Chúng tôi sẽ giết sạch chúng".
Cuộc phỏng vấn trở nên căng thẳng khi Todenhoefer động tới các vấn đề chặt đầu, nô lệ và giam giữ phụ nữ. "Vậy các anh thực sự nghĩ rằng chặt đầu và nô lệ là tín hiệu về sự tiến bộ của nhân loại?" - Todenhoefer hỏi.
"Nô lệ chắc chắn là tín hiệu của sự tiến bộ" - phát ngôn viên IS tuyên bố - "Chỉ có kẻ ngạo mạn mới tin rằng người Công giáo và Do Thái không dùng nô lệ. Hiển nhiên đó là những người phụ nữ đã bị ép bán dâm dưới các điều kiện tồi tệ. Tôi muốn nói rằng hoạt động nô lệ đã giúp ích rất lớn cho chúng tôi và chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện việc nô dịch, chặt đầu. Đó là một phần trong tín ngưỡng của chúng tôi".
Todenhoefer nói với CNN rằng ngay cả khi các lực người người Kurd có thắng lợi trong cuộc chiến chống IS ở miền Bắc Iraq, nhóm cực đoan này vẫn đang cắm sâu gốc rễ và xây dựng thể chế nhà nước của chúng.
"Tôi nghĩ rằng IS nguy hiểm hơn nhiều so với những gì các lãnh đạo phương Tây đã nhận ra" - ông nói - "Họ tin vào những điều mà họ đang chiến đấu để đạt được và đang chuẩn bị cho chiến dịch thanh tẩy tôn giáo lớn nhất mà thế giới từng chứng kiến".
Tường Linh (Theo CNN)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất