Cuộc sống sau ống kính: Như loài chim bói cá…

14/02/2024 09:07 GMT+7 | Văn hoá

Bên bờ suối trong veo, những chú bói cá nhỏ đã xây dựng thành công một gia đình hạnh phúc trước sự chứng kiến của tôi và giúp tôi ghi lại những khoảnh khắc kì diệu.

Đây là loài chim bói cá nhỏ, có tên tiếng Anh là pied kingfisher. Một loài chim định cư phổ biến tại Việt Nam, thường sống theo cặp hoặc theo đàn là một gia đình nhỏ. Chúng có bộ lông với 2 màu trắng đen tương phản rõ rệt.

Cuộc sống sau ống kính: Như loài chim bói cá… - Ảnh 1.

Khi cắp mồi về cho con, chim bói cá thường quay đầu con mồi ra phía ngoài

Chim bói cá nhỏ thường sinh sản tại các vách đất ven sông, suối, hồ, sườn núi… Chúng dùng chiếc mỏ to, sắc bén để đào hang làm tổ, đẻ trứng và nuôi con. Trong thời gian sinh sản chúng trở nên hung dữ và sẵn sàng tấn công con người nếu cảm thấy tổ của chúng bị đe dọa.

Trong một lần đi chơi cùng bạn, tình cờ tôi phát hiện một con chim bói cá nhỏ ngậm cá bay về phía vách đất ven bờ suối. Tôi lần theo lối đường mòn và phát hiện nó đang nuôi con.

Cuộc sống sau ống kính: Như loài chim bói cá… - Ảnh 2.

Những loài chim trong họ bói cá thường rất khó tiếp cận bởi chúng luôn cảnh giác trước bất cứ tiếng động nào. Sau một khoảng thời gian quan sát tổ của chim bói cá nhỏ, tôi quyết định dựng một chiếc lều nguỵ trang thật kín ngay vách đất. Thường thì người ta sẽ làm lều đối diện tổ hoặc làm chéo góc nhưng nếu làm vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hướng bay về tổ của chim, nên tôi quyết định dùng đất đắp cao nền ngay vách đất và làm lều vuông góc với hướng vào tổ của chim.

              ***

Việc đắp đất và làm lều cũng mất 1 ngày mới xong, ngay khi tôi đang dựng lều thì chú chim trống đã ngậm mồi bay về, đứng ngay trước tổ. Nó nhìn tôi với vẻ mặt ngạc nhiên nhưng không hề hoảng sợ, còn tôi thì gần như đứng hình, không dám cử động vì sợ ảnh hưởng tới nó và hơn hết tôi còn sợ bị nó tấn công. Sau một hồi khá lâu có lẽ cảm thấy an toàn, nó tiếp tục nhiệm vụ nuôi con còn tôi thì tiếp tục hoàn thành cái lều.

Cuộc sống sau ống kính: Như loài chim bói cá… - Ảnh 3.

Chim bói cá bón mồi cho con ở cành chuyền gần tổ

Chiếc lều được hoàn thành thì cũng là lúc trời nhá nhem tối, nên tôi đành chạy xe máy 30km trở về nhà và đợi sáng hôm sau quay lại.

Sáng hôm sau, tôi bắt đầu di chuyển từ nhà lúc 5h sáng với nước uống và thức ăn đầy đủ cho một ngày. Khi tới nơi đã nghe thấy tiếng kêu của chúng rất to, tôi nhanh chóng vào lều và ổn định vị trí. Khi quan sát qua 1 chiếc lỗ bé bằng đầu ngón tay cái, tôi nhận ra chúng đang gọi con từ trong tổ ra ngoài. Thường khi con non đủ lớn, chim bố mẹ sẽ làm như vậy để đút mồi cho con ở những cành chuyền gần tổ.

Cuộc sống sau ống kính: Như loài chim bói cá… - Ảnh 4.

Có điều đặc biệt, khi chim bố mẹ đem mồi cá về cho con, chúng sẽ đứng tại một điểm nào đó gần tổ để quay phần đầu cá ra phía chóp mỏ. Thông thường khi chúng tự kiếm ăn, chúng sẽ đưa phần đầu cá về phía họng để con mồi dễ dàng trôi vào họng, nhưng khi nuôi con chúng sẽ quay con mồi ngược lại.

                   ***

Chim non sau khi rời tổ sẽ được chim bố mẹ chăm sóc trước tổ trong vòng 1 ngày. Sau đó nó sẽ tự bay tới 1 điểm nào đó gần tổ và tiếp tục được chim bố bay theo để chăm sóc. Những con non còn lại trong tổ sẽ được chim mẹ chăm sóc cho tới khi đủ trưởng thành để rời tổ.

Bói cá nhỏ rất siêng năng trong việc bắt mồi cho con non. Trong thời kỳ nuôi con, gần như mỏ của chúng luôn dính vảy cá hoặc dính đất do bay vào tổ để đút mồi cho con.

Tôi chỉ có 5 ngày để ngồi với chúng cho tới khi con non cuối cùng rời tổ. Mọi sự di chuyển của chúng đều rất nhanh và liên tục nên tôi phải rất tập trung. Có ngày tôi còn chẳng dám ăn cơm và uống nước vì sợ bỏ lỡ mất khoảnh khắc khi bói cá nhỏ đem mồi về cho con.

Bên bờ suối trong veo, những chú bói cá nhỏ đã xây dựng thành công một gia đình hạnh phúc trước sự chứng kiến của tôi. Chúng sẽ tiếp tục hành trình sinh tồn giữa thiên nhiên hoang dã đầy thử thách, còn tôi sẽ luôn hạnh phúc vì đã có những hình ảnh tuyệt đẹp về chúng.

Võ Rin

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm