28/02/2023 17:25 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Giới trẻ ngày nay có cơ hội học tập, cuộc sống đủ đầy hơn xưa nhưng ra trường vẫn nơm nớp lo lắng. Bởi, tấm bằng đại học không phải lá chắn bảo vệ bạn trước mọi khó khăn. Thậm chí, Gen Z còn chẳng dám nghĩ đến việc lập gia đình, sinh con vì nuôi thân chẳng đủ.
"Tôi không nhớ lần cuối cùng tôi thư giãn là khi nào. Thành thật tôi không biết phải làm sao. Mỗi khi tôi cố gắng đọc sách hoặc xem tivi, đầu óc tôi lại nghĩ về những gì tôi phải làm tiếp theo hoặc danh sách "việc cần làm". Chúng hiện ra trước mắt tôi".
"Cuộc sống của mình xoay quanh là deadline, mình làm bất kể công việc gì đều cần có deadline. Đôi khi, mình cũng muốn người khác nhìn thấy mình đang bận rộn và cố gắng. Deadline cũng khiến cho mình cảm thấy cần có trách nhiệm với công việc hơn. Dù vậy, đã không ít lần mình cảm thấy sợ và kiệt sức vì deadline "dí" quá nhiều khiến mình stress".
"Mỗi ngày thức dậy, tôi lại lo lắng về bài toán việc làm, tiền lương, mua nhà, lấy vợ. Chuyện nào cũng bị bố mẹ soi và giục cả, tôi không biết đến bao giờ mới có thể thoát khỏi cảnh luẩn quẩn này"....
Đó là rất nhiều lời tâm sự nhưng lại chung một mối lo của rất nhiều bạn trẻ thời nay. Chúng ta vẫn nghe đâu đó lời trách móc của phụ huynh: "Bây giờ chúng mày quá sướng, cái gì cũng có, cái gì cũng tiện lợi, đến đồ ăn cũng ship tận nhà. Sướng quá không biết hưởng mà vẫn kêu khổ".
Vậy, giới trẻ ngày nay sướng hay khổ hơn thời xưa?
Tiện ích xã hội
Bàn về vấn đề tiện ích, chắc chắn xã hội hiện đại phải hơn hẳn so với thời kỳ bao cấp. Chỉ cần ngồi yên trong nhà, bạn đã có thể mua bất cứ thứ gì bạn muốn, từ đồ ăn, thời trang, vật dụng,...thậm chí là giải trí hay hưởng thụ giáo dục online qua màn hình máy tính.
Bước ra đường, mọi nhu cầu thiết yếu của con người đều được đáp ứng. Có lẽ bố mẹ chúng ta sẽ chẳng bao giờ tưởng tượng được, sẽ có ngày được trượt băng giữa lòng thành phố, được tắm biển ngay ở Hà Nội hay đi tàu điện trên không...
Đó là những cái sướng mà giới trẻ ngày nay đang được tiếp nhận. Song, cũng mất mát thật nhiều.
Đó là khi bố mẹ đi làm cả ngày vắng nhà, trẻ con thì đi học tới tối mịt. Ăn cơm xong lại tiếp tục vùi đầu vào học. Ngày chủ nhật cũng chẳng khác là bao, các em thỉnh thoảng được bố mẹ cho nghỉ ngơi, nhưng thế giới cũng chỉ thu nhỏ lại bằng chiếc điện thoại hay tivi. Cảnh tượng trẻ con tụ tập cùng chơi ít dần, hàng xóm không có thời gian nói chuyện, tình người cũng vì thế mà nhạt đi.
Thời ông bà thiếu thốn đủ thứ, có lúc phải đi lụm gạo từ xe chở làm rơi ngoài đường để nấu cháo cho cả nhà, lâu lâu có được bữa ăn đầy đủ gạo thịt rau là sung sướng vô cùng.
Tới thời của bố mẹ, đó là những ngày vất vả của thời bao cấp. Ăn cơm trộn bo bo, con đường học hành cũng chẳng suôn sẻ vì nhà không có điều kiện.
Thời của ông bà bố mẹ khổ là vậy, nhưng không có nghĩa là không có niềm vui. Đó là những ngày ngoại đi buôn được hàng, có tiền để mua gạo thơm nấu cho cả nhà. Là những ngày bố mẹ, cô chú tụ tập tới nhà duy nhất có tivi trong xóm để có những giây phút được nghe những bài nhạc, cải lương bất hủ, xem những bộ phim huyền thoại qua cái màn hình trắng đen hay bị nhòe.
Rồi chuyện tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau, nhà có chuyện gì, cả xóm giúp đỡ, từ xưa cho tới giờ.
Cơ hội học tập và việc làm
Khi bàn luận về vấn đề cơ hội và việc làm thời xưa và nay, rất nhiều ý kiến đã được đưa ra. Chẳng hạn, có độc giả cho rằng, nếu thời xưa được học hết cấp 2, cấp 3 đã khó thì ngày nay ai ai cũng được đi học đại học.
Thời xưa, những người cầm được mấy tấm bằng đại học, nhất là các trường danh giá thời bấy giờ như đại học Thủy lợi, Bách khoa, Hàng hải, Kinh tế quốc dân thì ra trường thường dễ thăng tiến, làm sếp. Đó là lợi thế của người học cao ở thời đại ngày ấy.
Còn bây giờ, người trẻ cầm bằng đại học, ra trường, làm việc với chế độ 9-9-6 (9h vào làm, 9h tan làm, 6 ngày/tuần), nhưng mức lương chỉ ở khoảng trên dưới 10 triệu. Thử hỏi sau bao lâu họ mới mua được nhà. Chưa kể trong cơn bão sa thải như hiện nay, cơ hội việc làm ít đi, nhiều người phải chịu cảnh thất nghiệp ngay đầu năm mới. Cuộc sống đã khó khăn thì nay lại càng khó khăn hơn.
Song, cũng có độc giả cho rằng, chẳng có đứa trẻ nào sinh ra ở thời đại này mà khổ như trước cả. Ngay cả một đứa trẻ lười học cũng có thể tốt nghiệp lớp 12, có bằng trung cấp. Thậm chí mấy đứa trẻ không muốn học cũng có nhiều cách để kiếm tiền như làm YouTuber, TikToker, bán hàng online... Đó chính là lợi thế quá lớn của người trẻ ngày nay so với các thế hệ trước.
Sinh viên hồi xưa đi học đại học, dù nghèo đến mấy cũng không có nhiều việc để làm thêm kiếm tiền. Nhiều người đi bưng cơm, bưng phở còn bị chủ quỵt lương, ăn chặn tiền công. Lúc đó, người ta cũng chỉ biết ngậm ngùi chịu đựng chứ chẳng phải cứ cầm điện thoại quay hình, bóc phốt, đăng bài trên các diễn đàn mạng đòi công bằng dễ dàng như ngày nay. Thậm chí, hồi xưa còn chẳng có khái niệm chạy xe ôm công nghệ hay shipper để mà kiếm tiền như các bạn trẻ bây giờ.
Rõ ràng, người trẻ ngày nay có quá nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển bản thân. Quan trọng là bạn tiếp nhận đến đâu và tận dụng ra sao để có ích nhất cho chính mình.
Áp lực kinh tế
Nỗi lo cơm áo gạo tiền có lẽ thời nào cũng có. Thời xưa lo kiếm đủ miếng ăn cho cả nhà no bụng, ngày nay lo tiền nhà, tiền ăn, tiền học, tiền dịch vụ...đủ thứ trên đời mà chắc "có chết mới hết lo".
Đâu đó những ngày gần đây trên mạng xã hội bàn tán xôn xao câu chuyện: "lương tháng 10 triệu sinh con là một sai lầm". Bởi nuôi con thời bây giờ không chỉ cần tình yêu thương là đủ, mà phải chuẩn bị tài chính thật kỹ mới dám sinh.
Ông bà ngày xưa ai cũng đẻ 7-10 người con, bây giờ đều khôn lớn, trưởng thành và thành đạt.
Ngày nay, chắc chẳng ai đủ can đảm để làm điều đó.
Nuôi 1 đứa trẻ hiện nay không phải là chuyện nhỏ. Từ khi mang bầu đến lúc sinh cũng đủ thứ tiền phải chi, từ tiền siêu âm, khám thai, tiền ăn uống, thuốc bổ, sinh mổ hay sinh thường...đều là khoản không hề nhỏ.
Đến khi nuôi con, ta chẳng thể chỉ cho con ăn cơm mà lớn. Tiện ích xã hội nhiều, cơ hội học tập cao thì cũng đi đôi với việc tiêu tiền nhanh như đốt lá. Nếu bố mẹ khó thì con khổ, mà chẳng mấy ai lại chấp nhận để con cái của mình không bằng bạn bằng bè.
Cứ như vậy, giới trẻ thời nay không dám kết hôn và sinh con. Bởi họ lo thân chưa nổi nên chừng nào vững vàng về tài chính thì may ra mới dám lập gia đình.
Vậy nên, ở thời nào rồi cũng sẽ có những tính toán, lo toan riêng. Như trong chương trình "Ký ức vui vẻ", nhạc sĩ Trần Tiến có nói: "Mỗi thập niên có một kiểu, chưa chắc thập niên nào hơn thập niên nào".
Những cuộc bàn luận “thị phi” và toxic tại công ty đôi lúc vẫn dạy cho ta không ít bài học ứng phó trong môi trường công sởĐăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất