Xẩm 'đắt khách'

25/07/2015 13:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Manzi cà phê, 14 Phan Huy Ích (Hà Nội) tối 17/7. Một không gian nhỏ, ấm cúng và sang trọng. Một chiếu xẩm được cách điệu. Một dàn diễn viên gạo cội trong lĩnh vực âm nhạc cổ truyền Việt Nam: NSND Xuân Hoạch, NSND Thanh Hoài... Và háo hức hơn cả là các khán giả đứng, ngồi chật cứng căn phòng - những người đã bỏ tiền ra mua vé để được thưởng thức một đêm xẩm cho ra xẩm.

1. “Chuyện về xẩm” chơi lại lối nghe nhạc của các cụ ngày xưa: hát mộc đàn mộc, thẳng tới người nghe không qua các thiết bị âm thanh điện tử. Có khác chăng là ngày xưa các cụ thắp đèn dầu và có quạt hầu còn giờ là những ngọn đèn vàng và có điều hòa không khí hỗ trợ.

Ngồi ngoài cửa nhìn lượng khán giả (đã phải đặt vé trước mấy ngày mới được có tên trong danh sách vào xem) thấy đa phần là dân trí thức và khá đông người nước ngoài.


NS Thanh Hoài và Xuân Hoạch trên chiếu Xẩm

Thấy xẩm bây giờ đã dần trở nên “đắt khách” lạ lùng và “biết thế này, trước mình đã đi học xẩm...“ (đó là lời của ông Đàm Quang Minh, người đã cùng nhạc sĩ Vũ Nhật Tân và các nghệ sĩ dòng nhạc truyền thống dân tộc thành lập ra nhóm Đông Kinh cổ nhạc hoạt động đều đặn hàng tháng trong các chương trình Chuyện nhạc phố cổ tại hai địa chỉ 50 Đào Duy Từ và 14 Phan Huy Ích, Hà Nội).

Ông cũng làm MC, giúp đêm xẩm trở nên sinh động và ý nghĩa hơn với phần giao lưu, trả lời những câu hỏi của khán giả.

Trong một không gian nghệ thuật với những khán giả có văn hóa, xẩm đã không còn là một loại hình hát rong, giang hồ, dân dã như xưa nữa, nó đã được sang trọng hóa, cách điệu hóa nhưng cũng khá gần gũi.

Cũng bởi bây giờ chẳng còn ai đi rong hát xẩm kiếm tiền nơi góc chợ, trên tàu điện… như xưa, nên để thưởng ngoạn một nét văn hóa xưa, được sống lại những mảng ký ức cũ, được nghe cho rõ hơn ngấm hơn những giai điệu dân gian lúc giòn giã khi bi ai rồi đương thiết tha, gai góc chanh chua bỗng chuyển sang sang sảng khóc cười..., nhiều người đã tìm tới đây.

2. Cái phong phú hấp dẫn của xẩm một phần lớn nhờ phần lời quá độc đáo và thú vị. Ví như cái câu “... mục hạ vô nhân chúng anh đây. Nghe nhan sắc lòng xuân anh bỗng dạt dào”. Nhan sắc mà “nghe” được kể cũng tài. Nhưng thật rõ khổ cho mấy chàng mù, nào có nhìn được gì đâu mà chả nghe nhan sắc?

Cái ấn định thường người hát xẩm đi rong là phải mù đã đi vào trong rất nhiều thành ngữ, ca dao Việt Nam:

“Tối giời bắt xẩm trông sao

Xẩm thề có thấy ông nào, xẩm đui!”

Và chuyện vui là có nghệ nhân xẩm khiếm thị từ bé đương so dây đàn thì dây đứt phựt khiến ông thảng thốt: Sợ quá. Suýt mù!...

Thế nên nhìn các chàng Tây, nàng Tây rõ thú vị khi nghe xẩm và ngắm xẩm (tuy vẫn quần nâu áo nâu chân đất đấy nhưng mặt hoa da phấn đẹp đẽ ngời ngời) thấy tiếc là họ không thể hiểu hết cái hay, cái thâm thúy của xẩm.

Bởi sinh ra từ đường phố, xẩm, hơn bất cứ bộ môn nghệ thuật truyền miệng nào, đã khám phá và khai thác thật sâu thật mạnh vào những chuyện thường ngày với những thói hư tật xấu của người đời.

Ở xẩm không có sự bóng bẩy, chỉ có mộc mạc thẳng thắn và phần lời luôn gắn với những câu chuyện có tính thời sự nhất. Vì thế ngồi nghe xẩm ngày xưa người ta cũng vỡ ra được nhiều điều. Giá như bây giờ cũng có người phổ phần lời mới cho xẩm thì hay biết mấy?! ...

3. Cứ ngỡ rằng với những xẩm, chèo, cải lương, quan họ, ca trù... bán vé là người ta ít đến. Hóa ra không phải. Là do cách thức tuyên truyền và tổ chức mà thôi. Người ta thờ ơ không hẳn là người ta không thích mà vì chưa ai làm cho họ hiểu để họ thích.

Những người trong nhóm Đông Kinh cổ nhạc đã dần làm được điều đó. Ông Đàm Quang Minh là một người con của phố cổ, một người mà như trong tản văn của nhà văn Nguyễn Việt Hà là “bọn họ thong thả ăn, tinh tế mặc, chầm chậm sống. Có bọn họ, Hà Nội hôm nay mới có nổi dăm bảy hàng phở ngon, vài ba quán cà phê thị dân sâu lắng...”.

Và vì quá yêu những con phố đã gắn bó từ tấm bé mà họ đã trả ơn Hà Nội “bằng cách quyết liệt tự nuôi cho mình những thói quen của bao đời Hà Nội”, ông đã cùng những nghệ sĩ trong nhóm của mình lấy địa điểm 50 Đào Duy Từ, chọn ngày thứ Sáu tuần thứ hai hàng tháng mở ra những câu chuyện âm nhạc tổng hợp từ chầu văn, quan họ, xẩm, chèo ... và địa điểm 14 Phan Huy Ích với một tối hàng tháng theo chuyên đề.

Ví như chuyện nhạc số 1 về xẩm thì chuyện nhạc số 2 sẽ về chèo. Như vậy cái sự “quyết liệt” giữ cho mình và cho mọi người cái “thói quen của bao đời” thưởng thức âm nhạc dân tộc của ông, một người dân phố cổ, đã, đang và sẽ được phát huy triệt để.

Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân tỏ ra tâm huyết và tự hào với những không gian biểu diễn và các nghệ sĩ cùng nhóm Đông Kinh cổ nhạc. Anh nói: “Bạn hãy nghe! Không micro, không hỗ trợ âm thanh, xẩm trong một ngôi biệt thự Pháp cổ nghe mới tuyệt làm sao!”.

NSND Xuân Hoạch, người mới đây đã “dụ dỗ” rất nhiều người trẻ với điệu Đào Liễu chèo lai xẩm của mình luôn tỏ ra cẩn trọng khi ngồi hát, ngồi đàn, ngồi nói và cả khi sắp đặt những nhạc cụ trên chiếu xẩm dù đây không biết đã là đêm diễn thứ bao nhiêu trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của ông.

NSND Thanh Hoài quá xinh đẹp và… trẻ trung với lứa xấp xỉ tuổi 70. Bà nhẹ nhàng tươi tắn khi trò chuyện và đầy cá tính khi cất tiếng hát. Các nghệ sĩ Mạnh Cường, Trần Đạt đã thật phiêu khi thể hiện các bài xẩm quen thuộc ...

Tất cả đã làm nên một đêm xẩm thật sung mãn và tươi mát! Với một sự mở đầu tốt đẹp như vậy, những Chuyện nhạc 2, Chuyện nhạc 3... chắc chắn sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm. Và giá vé 150.000 đồng ở cà phê Manzi, 14 Phan Huy Ích chắc chắn sẽ là một tiền lệ tốt cho những người muốn mở các đêm nhạc dân tộc tại các địa điểm văn hóa khác. Miễn cái tình, cái tâm, cái tài ở đó là có đủ!.

Tuyết Lan Trần
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm