Cuộc ganh đua dưới bóng nhật thực toàn phần

09/09/2017 07:10 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Mấy bữa trước Hoa Kỳ lại được trải nghiệm một điều kỳ diệu trong thiên văn - nhật thực. Nhật thực luôn là một sự kiện đình đám vì quá hiếm, từ 1878 nó đã như thế…Hồi đó (1878), một nhà thiên văn đầy tham vọng đã cố sức ganh đua với nhà phát minh nổi tiếng Edison và một số nhà khoa học nữ khác.

Phải đợi cả một thế kỷ

Ngày 29/7/1878 là một ngày đen tối với Texas. Theo đúng nghĩa đen của từ này, và may mắn là chỉ kéo dài vài phút. Cả bang Texas bàng hoàng và phản ứng mỗi người một kiểu, từ sợ hãi đến reo hò. Riêng nông dân Ephraim Miller đoán là khoảnh khắc tận thế như trong Kinh thánh đã đến, và ông không muốn ngồi im đón cái chết bi thảm. Miller đập chết đứa con trai 10 tuổi của mình rồi tự cắt cổ bằng dao găm. 

Dĩ nhiên Miller không thể biết là cùng thời điểm ấy các nhà khoa học hàng đầu của Hoa Kỳ tụ tập ở một số điểm chọn lọc tại miền Tây hoang dã để quan sát sự kiện vũ trụ hoành tráng đó. Bằng công trình ấy, các nhà thiên văn học nữ muốn đòi vị thế chính thống trong khoa học, còn các đồng nghiệp nam của họ muốn bành trướng danh tiếng ra tầm quốc tế. Một nhà phát minh vĩ đại trong tương lai, Thomas Edison, còn quá trẻ, chỉ đơn giản đi tìm một chỗ quan sát bầu trời.

Chú thích ảnh
Rawlins ở Wyoming, bên rìa thế giới văn minh, là điểm thuận lợi để quan sát nhật thực 1878. Bác sĩ Henry Draper được coi là người tiên phong trong chụp ảnh thiên văn, bức ảnh này của ông thể hiện quầng lửa quanh mặt trời, chỉ có thể chụp được một lần trong thế kỷ

Hôm 21/8 vừa qua lại có một nhật thực toàn phần kéo dài 2 phút 40 giây đối với một rẻo đất hẹp ở Mỹ. Cả thế giới sinh vật câm lặng và nhiệt độ hạ xuống nhanh. Đó là nhật thực toàn phần đầu tiên ở Mỹ sau 99 năm. Bóng trăng che vầng dương di chuyển ngót 90 phút từ bờ biển Oregon ở Tây Bắc, qua 14 bang, đến bờ biển Nam Carolina phía Đông Nam. Cả triệu người rủ nhau theo dõi hiện tượng này, tập trung đông nhất ở điểm xuất phát Oregon. 
Hành tinh Vulcan có thật?

Nhật thực toàn phần luôn là sự kiện vang dội. Mặt trăng phải đứng ở góc nhất định và cách quả đất một khoảng nhất định thì mới che tối được toàn bộ mặt trời. Thời hồng hoang của khoa học, khi chưa tính được vị trí ấy, con người bị bất ngờ bởi thế giới của họ bị chìm mấy phút vào một thứ ánh sáng khó tả. Nỗi sợ hãi nằm trong bản đồ gien của mọi sinh vật được dịp trỗi dậy. Thậm chí giữa Trung Âu hồi 1999 cũng vậy, khi nhật thực toàn phần cuối cùng của thiên niên kỷ diễn ra; không hiếm người sợ hãi tính đến điềm gở, trong khi những người khác cảm nhận chỉ dấu lạc quan từ một lực siêu nhiên nào đó. 

Bắc Mỹ hồi 1878 có nhiều may mắn hơn, trừ cộng đồng Cơ đốc giáo ở các bang miền Nam, nói chung cư dân Mỹ đã được khai sáng kha khá. Những năm sau cuộc nội chiến, người Mỹ đang trong đà phát triển với chỉ số tăng trưởng bền vững, một phần cũng nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật. Mặt trái của thời kỳ này là, như châu Âu già cỗi hay nhạo báng, lĩnh vực văn hóa và trí thức hơi bị chậm chân. Sự kiện nhật thực được coi là dịp thuận lợi để chứng tỏ nội lực của người Mỹ. Ví dụ như đối với James Craig Watson – ông chỉ huy đài thiên văn ở Michigan và là “thợ săn tiểu hành tinh” nổi tiếng, dù cũng có đôi lúc “cầm nhầm” kết quả của đồng nghiệp. Lần này ông hy vọng tìm được hành tinh Vulcan bí hiểm.

Và điều đó chỉ có thể xảy ra trong lúc nhật thực, khi những gì bị ánh nắng chói chang che lấp có dịp lộ diện. Các vì sao gần mặt trời cũng lọt vào tầm ngắm tốt hơn, như  sao Thủy với quỹ đạo bất thường. Một số nhà thiên văn cho rằng các “lệch lạc” đó chịu ảnh hưởng từ các hành tinh gần mặt trời mà chưa được phát hiện. Cả James Craig Watson cũng theo học thuyết đáng ngờ ấy và rắp tâm săn bằng được Vulcan - cũng để đạt vị thế bất tử trong ngành thiên văn.

Đàn bà làm khoa học sẽ bị vô sinh?

Maria Mitchell có những nỗi lo khác. Bà nổi danh vì phát hiện ra một sao chổi trước đó mấy năm. Bây giờ bà là giám đốc đài thiên văn ở đại học Vassar dành cho nữ sinh viên – một hiện tượng hiếm hoi ỏ Mỹ hồi ấy, vì người Mỹ tin rằng nghiên cứu khoa học sẽ làm thoái hóa bộ máy sinh sản của phụ nữ, thậm chí họ sẽ chết sớm vì làm việc đầu óc quá nhiều. Mitchell quyết tâm đưa ra minh chứng ngược lại. Bà lập một đội nhà khoa học nữ, không cần lập kỳ tích gì mới, mà chỉ cần có mặt bên cạnh kính quan sát thiên văn!

Đây là một việc khá khó khăn. Như hôm 21/8 vừa rồi, chỉ một dải mỏng trên mặt đất được quan sát nhật thực toàn phần hồi 1878. Các nhà hoa học phải di chuyển theo bóng tối về phía Tây, ở cái thời mà các đoàn tàu hỏa luôn bị cướp tấn công. Họ chia toa tàu với các cowboy, thợ đãi vàng, kẻ cắp kẻ trộm, và luôn phải để mắt đến hàng tấn dụng cụ khoa học đem theo.    
Kính thiên văn của Maria Mitchell bị thất lạc và may mắn đến kịp Colorado, trong khi Thomas Edison gặp vô số khó khăn do chính mình gây ra.

Chú thích ảnh
Hiếm khi hai kình địch muốn chạm trán nhau, như năm 1878 ở Rawlins: James Craig Watson (5, phải sang) và Thomas Alva Edison (2, phải sang)

Ở tuổi 31 ông đã có danh tiếng vừa phải, lần này ông đưa ra một máy đo nhiệt độ sao và quầng sáng quanh mặt trời. Tiếc rằng máy của ông còn ở dạng sơ khai và càng không thể hoạt động ở đất Wyoming, nơi có nhiều rắn hơn người. Thân nhiệt của ông và gió mạnh khiến máy luôn bị nhiễu. Nhà phát minh vẫn quyết định bán các kết quả cho báo chí như thành công khoa học. 

Riêng đoàn của Watson phát hiện ra trong vòng tối của mặt trời bị che lấp 2 hành tinh mới. Ông tin đó là Vulcan và một hành tinh mới nữa. Thành công vang dội ấy mang lại cho ông cái tên “Edison của thiên văn”. Vấn đề chỉ là không có nhân chứng nào ngoài Watson nhìn thấy hai hành tinh đó.   

Đội Vassar dựng xong kính thiên văn và tạo dáng thành công cho đám nhà báo, tuy nhiên họ chẳng tìm thấy Vulcan hay hành tinh mới nào khác. 

Đầu xuôi đuôi lọt

Mãi sau này, khi các người hùng tiên phong đã không còn ở dương thế, người ta mới biết là Vulcan không hề tồn tại. Theo thuyết tương đối của Einstein, riêng một tinh cầu khổng lồ như mặt trời là đủ thao túng quỹ đạo của sao Thủy. Minh chứng được đưa ra qua các nghiên cứu hồi 1919, cũng trong một dịp nhật thực. 

Chú thích ảnh
Maria Mitchell (2, trái sang) là nhà hoạt động nữ quyền và nhà thiên văn nữ chuyên nghiệp đầu tiên ở Mỹ. 1847 bà phát hiện ra ngôi sao chổi, sau này được mang tên bà (Miss Mitchell's Comet) và được thưởng huân chương của vua Đan Mạch

Maria Mitchell thành công vang dội với đội nghiên cứu nữ, được coi là mũi tên nhọn nhất của phong trào phụ nữ. Nên biết là 32 năm sau phụ nữ Mỹ mới giành được quyền bầu cử! 
Thành công lớn nhất của Edison cũng không phải đợi lâu, tuy không phải ở lĩnh vực thiên văn. Ông “tỏa sáng” với ngọn đèn dây tóc đủ bền vững để dùng đại trà. Cuối thế kỷ 19 nền khoa học Mỹ đã ung dung đuổi kịp, thậm chí còn vượt mặt châu Âu ở một số điểm. Các thất bại ban đầu là những tảng đá lót đường cho tiến bộ khoa học, và ý chí khai sơn phá thạch của giới nghiên cứu chẳng khác gì đám cowboy của miền Tây hoang dã đã gây dựng lên nước Mỹ hôm nay.  

Còn mặt trời? Cho đến nay nó vẫn chưa tiếp lộ hết các bí mật, mặc dù hôm nay vào thời điểm ban ngày người ta vẫn quan sát được quầng lửa bao quanh. Song một số công việc đo đạc chuyên sâu về mặt trời, hệ mặt trời hoặc ngay cả thời tiết cũng vẫn phải đợi tới lúc mặt trăng ăn mặt trời…  

Mỹ thiệt hại 690 triệu USD vì người lao động dừng làm việc để xem nhật thực

Mỹ thiệt hại 690 triệu USD vì người lao động dừng làm việc để xem nhật thực

Trong ngày 21/8, trên toàn nước Mỹ sẽ diễn ra hiện tượng nhật thực toàn phần hy hữu, lần đầu tiên trên toàn nước Mỹ kể từ 99 năm qua. Theo ước tính, nền kinh tế Mỹ sẽ bị tổn thất gần 690 triệu USD do người lao động đồng loạt dừng làm việc để xem nhật thực.

Lê Quang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm