Cuộc đua vô địch Premier League: Đóng băng!

11/01/2010 12:14 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH) -  Thời tiết ở nước Anh lạnh đến nỗi Premiership cũng buộc phải đóng băng. Ở các trận đáng chú nhất của vòng 21, tuyết cũng đã phủ lên những bước chân của Arsenal và Man Utd, khiến cuộc đua ở tốp đầu gần như tê liệt. Ông già tuyết của lễ Giáng sinh năm nay có vẻ đã ban phát quá nhiều điều kỳ diệu cho giải Ngoại hạng. Để rồi bây giờ, có vẻ như không còn ai đáng tin.

Nhiều người đã cho rằng, Arsenal đã gặp may khi đội bóng của Alex Ferguson không tận dụng được trận hoà của họ trước Everton để vượt lên xa hơn. Nhưng cuối cùng, chính Man Utd cũng đã gặp may, sau khi 10 cầu thủ của họ vượt qua sự sợ hãi ở St Andrews trong 6 phút bù giờ. Vậy là chưa có gì thay đổi đáng kể ở 2 vị trí xếp sau Chelsea. Và vào lúc này, ngay cả Blues cũng không mang lại cảm giác lạc quan về việc họ có thể dũng mãnh tiến lên phía trước.

Sir Alex như đóng băng sau khi M.U tiếp tục bị mất điểm

Ở lượt đấu tới, Chelsea sẽ tiếp Sunderland trên sân nhà. Arsenal sẽ tới làm khách ở Bolton, và M.U tiếp Burnley. Lý thuyết sẽ lại đánh giá cao khả năng cả 3 đội cùng thắng. Nhưng còn thực tế, sẽ chẳng ai nói trước được điều gì, sau hàng tá những điều kỳ lạ diễn ra với Big Four từ đầu mùa.

Cứ như một cuộc trêu ngươi của số phận, trong suốt 2 tháng qua, Chelsea không chịu tiến, Man Utd giậm chân tại chỗ, và Arsenal đã trở lại tham dự cuộc đua. Những thành tích ấn tượng của thầy trò Wenger đã thắp lên hy vọng sáng sủa cho các CĐV. Nhưng chỉ sau có 90 phút trước Everton, mọi thứ đã trở nên mờ ảo. Thực tế, mùa bóng vẫn còn đủ cơ hội cho tất cả. Có điều, nếu các Pháo thủ không biết cách trừng phạt những cú ngã của đối phương, chắc chắn họ sẽ phải trả giá. Ở mỗi vòng đấu kế tiếp, khả năng cả 3 đội cùng thua hoặc hoà là rất khó xảy ra. Nhưng việc 1 đội nào đó mất điểm sẽ đồng nghĩa với việc cán cân ưu thế sẽ nghiêng ngay về các đối thủ còn lại. Khoảng cách giữa Chelsea và Arsenal chỉ là 3 điểm. Trong khi đó, Man Utd đã không bị rớt lại phía sau như dự kiến, bởi trận đá bù của Gunners với Bolton cũng bị hoãn.

* Chờ những sự thay đổi

Không thể nói, sau 2 năm vô địch, M.U sẽ chỉ hài lòng với vị trí thứ 2. Còn Arsenal thì khỏi bàn, sau 5 năm tay trắng, các Pháo thủ đang cực kỳ khao khát 1 danh hiệu lớn. Nhưng những gì mà họ đang thể hiện vẫn cho thấy một cảm giác bất an, hay nói cách khác là những hình bóng không phải là những nhà vô địch đích thức. Những người chuyên nghiệp như họ sẽ không thể chờ Chelsea sảy chân liên miên để vượt lên. Chính vì thế, có rất nhiều lý do khiến người ta chờ đợi những sự thay đổi lớn của họ ngay trong tháng này.

Tháng 1 là thời điểm bản lề để chuẩn bị cho châu Âu. Nhưng năm nay, tháng 1 cũng sẽ là quãng thời gian kinh hoàng về lịch thi đấu ở Premiership. Đá bù, đá lại, và đá Cúp, tất cả những viễn cảnh đó đều buộc cả Man Utd và Arsenal phải có những chuẩn bị đầy đủ để không bị hụt hơi. Các vấn đề của họ hiện đã lộ rõ. Man Utd đang bị phụ thuộc quá nhiều vào Rooney, trong khi phần còn lại hầu như chơi dưới sức. Còn với Arsenal, mỗi trận đấu của họ là một cơn ác mộng của chấn thương. Không trận nào là không chấn thương! Các CĐV có quyền lo ngại việc Wenger có còn đủ người để đá hay không, khi bước vào loạt trận kinh hoàng từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 2. Khi ấy, Arsenal sẽ lần lượt đấu với Aston Villa, Man Utd, Chelsea, Liverpool, và ngay sau đó là trận gặp FC Porto ở Champions League.

Trước Birmingham, Man Utd đã trình làng tân binh Mame Diouf. Nhưng chừng đó rõ ràng là chưa đủ, khi đội quân của Sir Alex tiếp tục đánh mất sự sắc sảo và khả năng gây sức ép từ tuyến tiền vệ. Ở giữa sân, Diouf khá nhanh và mạnh. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn ngủi trên sân, anh đã tỏ ra bị “khớp” trong việc hoà nhập với cả đội ở vị trí tiền vệ con thoi. Có thể xem cầu thủ này chỉ là sự thay thế thứ 2 sau những Carrick, Fletcher, hay cả Scholes.

Còn với Arsenal, có lẽ Giáo sư sẽ không thể tiếp tục trì hoãn việc đưa về thêm 1 tiền đạo. Trước Everton, Wenger đã sử dụng tất cả những con bài có thể dùng được. Kết quả: Chỉ có Rosicky lên tiếng. Từ băng ghế dự bị, cầu thủ có biệt danh “tiểu Mozart” đã có những màn thể hiện như thể anh đủ sức sút tung lưới mọi đối thủ. Nhưng ai cũng hiểu, đã từ lâu, Rosicky không còn chơi hay khi được đá chính.

Trong khi Ancelotti khẳng định sẽ không thay đổi đội hình chính, Man Utd và Arsenal sẽ cần những bước tiến mới để cải thiện tình hình. Premiership đang ngày một nóng lên, nhưng với họ, Champions League cũng sẽ là một mặt trận không thể xem thường. Trong thời gian còn lại của tháng Giêng, hãy cùng chờ xem điều gì sẽ xảy ra.

10 trận, hoãn 7!

Trong truyện cổ Grimm có câu chuyện nổi tiếng mang tên “Một đòn chết 7” thì vòng 21 Premier League sẽ được gọi là “10 trận hoãn 7”. Chưa biết chừng, con số đó có thể là 8 nếu trận Man City – Blackburn đêm nay bị hoãn nốt.

Hoãn

Hull - Chelsea

Burnley - Stoke C.

Fulham - Portsmouth

Sunderland - Bolton W.

Wigan - Aston Villa

West Ham - Wolves

Liverpool - Tottenham

Không hoãn

Birmingham - M.U 1-1

Arsenal - Everton 2-2

Chưa đá

Man City - Blackburn

Hoãn thế này chưa ăn thua!

Có 7 trận của vòng 21 bị hoãn lại. Song điều đó chẳng là gì nếu đem so sánh với những gì xảy ra cách đây 47 năm.

Mùa giải 1962-1963, Middlesbrough đã đánh bại Blackburn 3-1 trong một trận đấu lại ở sân Ayresome Park hồi tháng Ba, qua đó kết thúc vòng đấu thứ 3 nhiều biến động nhất trong 91 năm lịch sử của Cúp FA. Vòng đấu này bắt đầu từ hôm 6/1 và phải mất tới 66 ngày để kết thúc do tuyết, băng, mất điện, mưa và bùn. Không những vậy, vòng ba của Cúp FA năm đó còn phải thi đấu trong 22 ngày khác nhau và có tới 261 lần hoãn trận đấu.

Đứng đầu trong danh sách những trận bị hoãn là cặp đấu giữa Birmingham và Bury, vốn đã bị hoãn liên tiếp 14 lần, 1 lần huỷ và 1 lần đá lại. Trong khi đó, cặp đấu giữa Lincoln và Coventry cũng bị hoãn tới 15 lần. Tuy vậy, kỷ lục lại được lập ở Scotland, nơi trận đấu cúp giữa Stranraer và Airdrie bị hoãn tới 33 lần. Trong khi đó, đội Yorkshire Barnsley chỉ thi đấu được đúng hai trận kể từ ngày 22/12 tới 12/3. Được biết, mùa đông năm 1963 là mùa đông khắc nghiệt nhất trong lịch sử vương quốc Anh kể từ năm 1740 và nó cũng khiến cho nhiều trận đấu bóng bầu dục và giải đua ngựa bị hoãn lại.

Việc các vòng đấu liên tục bị hoãn lại đã gây ra nhiều tranh cãi giữa các đội bóng vào thời điểm đó. Nhiều đội bóng cho rằng khi trận đấu được tổ chức lại thì tình chất của nó đã không còn được nguyên vẹn như trước. Vì vậy, LĐBĐ Anh đã phải nhất trí cho phép các đội bóng thi đấu vòng 3 và 4 của các loại Cúp trên sân trung lập, trong khi LĐBĐ Scotland tính tới phương án tổ chức trận đấu Cúp ở mùa hè.

Tuy vậy, cuối cùng mọi chuyện đã trở lại bình thường vào tháng Ba và các ứng cử viên cho danh hiệu vô địch đã lộ diện. Đó là Tottenham Spurs, Leicester và Everton. Tuy nhiên, chỉ sau vài vòng đấu, Leicester đã bị hai đối thủ còn lại bỏ cách trên bảng xếp hạng. Trận đấu giữa Tottenham Spurs và Everton ngày 20/4 được coi là trận “chung kết” của giải VĐQG Anh năm đó. Hơn 67.000 khán giả đã tới sân Goodison Park để chứng kiến đội nhà giành trọn ba điểm nhờ bằng bàn thắng duy nhất của Alex Young. Dù ở trận đấu sau đó, Everton phải chia điểm với Arsenal nhưng mạch thắng bốn trận đấu cuối cùng đã giúp đội bóng chủ sân Goodison Park đăng quang. Còn tại Cúp FA, trận chung kết của mùa giải 1962-1963 bị hoãn lại cho tới ngày 25/5. Và Man United, đội bóng phải rất vất vả mới giành quyền trụ hạng, đã đánh bại Leicester.
Minh Trang
 
Tiểu Yến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm