(TT&VH cuối tuần) - Khi Xabi Alonso rời Liverpool quay về quê nhà đó cũng là lúc Real Madrid tuyên bố khép lại một mùa Hè lịch sử với xấp xỉ 200 triệu bảng ném ra xây dựng một “Dải ngân hà” mới làm cả thế giới phải ghen tị. Đó cũng là lúc Premier League thấm thía nỗi cay đắng trên thị trường chuyển nhượng với một ngôi sao nữa rời bỏ mảnh đất từng được xem là “thiên đường ngoại binh”.
Mùa Hè năm năm trước, Alonso là chữ ký đầu tiên của Rafael Benitez tại Liverpool (10,7 triệu bảng từ Real Sociedad). Đó cũng là mùa Hè mà châu Âu bắt đầu phải làm quen với sức mạnh tiền bạc khổng lồ từ nước Anh trên thị trường chuyển nhượng. Chính xác hơn từ một năm trước đó, Chelsea với sự xuất hiện của Roman Abramovich đã sớm gây xôn xao. Nhưng đến mùa Hè 2004, khi Chelsea cùng Jose Mourinho, Liverpool cùng Benitez xây dựng triều đại mới bằng những hợp đồng đắt đỏ trong khi M.U và Arsenal cũng mạnh tay tiêu pha (M.U mua Wayne Rooney từ Everton với giá 27 triệu bảng còn Arsenal sắm các tân binh Robin van Persie, Manuel Almunia, Mathieu Flamini), thế giới bắt đầu phải thừa nhận về ông lớn “shopping” này.
Cristiano Ronaldo, ngôi sao đắt giá nhất bỏ Premier League ra đi
Có nhiều lý giải cho sự “hung hãn” đó của Premier League. Làn sóng các ông chủ ngoại, thu nhập hậu hĩnh từ bản quyền truyền hình tạo nên cuộc chạy đua vũ trang quá nóng trên thị trường chuyển nhượng. Những kỷ lục liên tiếp bị phá vỡ, lương bổng ngày một tăng biến xứ sở sương mù dù luôn ẩm ướt với khẩu vị bị chê bai ở châu Âu thành nơi đến lý tưởng cho các ngôi sao. Nhưng giờ đây, khi trái bóng đã sắp sửa bắt đầu vòng lăn mới, Premier League chịu phận lép vế không chỉ trước La Liga có Real Madrid “điên cuồng” mua sắm mà còn thua cả Serie A về tổng giá trị chuyển nhượng. Tính đến hết tháng Bảy, giao dịch bán mua của Premier League mới là 306 triệu euro (mua) và 294 triệu euro (bán).
Cay đắng hơn, đa số các hợp đồng đó chỉ là lòng vòng nội bộ. Những hợp đồng lớn nhất, hoành tráng nhất lại là…bán mà trong đó không ít ngôi sao ra đi như Cristiano Ronaldo, Alonso trong khi Premier League không đón chào thêm được ngoại binh danh giá nào. Họ phải nhận những cái lắc đầu của Karim Benzema, Samuel Eto’o, Andrea Pirlo... Những ngôi sao này hoặc chọn đến “thiên đường” mới là Real Madrid, là Inter Milan hay ở lại với đội cũ như trường hợp Pirlo thay vì đến với nước Anh dù có những trường hợp được mời chào mức lương kỷ lục như Eto’o.
Đầu tiên là… tiền đâu?
Tại sao? Có lý do cho rằng mức thuế thu nhập mới quá cao lên đến 50% ở Anh quốc khiến các ngoại binh chùn bước và chuyển sang những địa bàn dễ chịu hơn về thuế má như La Liga, Serie A. Nhưng đây cũng không phải là vấn đề chính bởi trong lĩnh vực tài chính còn nhập nhằng, các CLB vẫn có thể lách luật hoặc chấp nhận chịu thêm phần thuế tăng cho ngôi sao họ muốn có. Nếu muốn lấy lý do tiền nong, cách giải thích hợp lý hơn là Premier League không muốn chi tiêu!
Họ vẫn có được bản quyền truyền hình đắt giá bậc nhất làng bóng đá thế giới. Doanh thu từ vé vào sân, từ áo đấu, từ các mặt hàng lưu niệm vẫn tăng tích cực. Nhưng có một điểm khác so với những năm qua là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay. Nó bắt nguồn từ cuộc đổ vỡ hệ thống tín dụng mà cần lưu ý là rất nhiều CLB Premier League chịu ảnh hưởng từ đó. Số ông chủ ngoại “chịu chơi” và coi đội bóng là thứ trang sức bóng bẩy như Abramovich là hiếm hoi. Đa số chỉ là các nhà đầu tư mang tính kinh doanh mà tiền mua đội bóng chủ yếu là vay mượn từ ngân hàng mà các ngân hàng thì đang chao đảo trong cuộc khủng hoảng. Một điển hình là bộ đôi chủ Mỹ của Liverpool vừa phải mướt mồ hôi đáo nợ ngân hàng và dĩ nhiên kế hoạch xây dựng SVĐ mới thay thế Anfield đang chìm nghỉm vì thiếu tiền. Nhiều ông chủ ngoại khác thì đành phải vội vàng bán CLB khi không còn gồng gánh được nữa như trường hợp Portsmouth.
Xabi Alonso từng là bản hợp đồng đầu tiên của Benitez ở Liverpool
Thắt chặt chi tiêu lúc này là biện pháp hợp lý để Premier League không rơi vào một sự suy sụp hệ thống nếu kinh tế thế giới diễn biến tồi tệ hơn nữa. Họ không phải không có tiền. Dù có ngân sách tăng vọt nhờ bán Ronaldo, M.U cũng chẳng vội ném tiền khi số liệu cho thấy ngay cả thành công ngoạn mục như năm ngoái với doanh thu tăng mạnh, họ vẫn lỗ do phải trả lãi ngân hàng nhiều cộng với bảng lương tốn kém. Trường hợp Man. City mạnh tay là ngoại lệ. Những ông chủ Arab vừa có tham vọng, vừa có tài chính ổn định không bị ảnh hưởng mấy bởi cuộc khủng hoảng. Thậm chí giá dầu đang tăng trở lại có thể xem là tin vui cho…Man. City! Nhưng nỗi oái ăm với đội bóng này thì ai cũng rõ. Họ thừa tiền song không lại thiếu danh để lôi kéo về được những tên tuổi lớn. Rốt cuộc Man. City chỉ đóng được vai trò “cần câu” để các ngôi sao dựa vào đó tăng yêu sách với đội bóng hiện nay như trường hợp John Terry.
Trong bối cảnh đó, hiện tượng Real Madrid càng làm Premier League ngột ngạt. Giá cầu thủ bị xướng lên vô tội vạ với bất cứ mục tiêu nào mà đội bóng này được cho là để mắt tới. Một ví dụ tiêu biểu là Franck Ribery khiến những đại gia Anh như Chelsea, M.U dù cũng quan tâm nhưng phải ngậm ngùi lùi bước bởi “không chịu được nhiệt”. Đã ngại móc túi, tình trạng lạm phát vô lối trên thị trường càng khiến Premier League chùn tay hơn.
Bước thụt lùi hay sự tỉnh táo?
Có thể coi thị trường chuyển nhượng năm nay là một thất bại cho Premier League. Dù vẫn còn thời gian nhưng đa số các ngôi sao lớn đã có nơi có chủ. Tin đồn đáng kể lúc này chỉ là việc Chelsea theo đuổi chân sút Sergio Aguero của Atletico Madrid với giá 38 triệu bảng “các” thêm cả Deco. Nếu vụ chuyển nhượng này xảy ra, đó có thể là chút vớt vát “sĩ diện” cho Premier League.
Nhưng nếu không được thực hiện đi chăng nữa, giải Ngoại hạng Anh cũng không quá bi quan trước thực tế lép vế hiện nay. Xét cho cùng, điểm nhấn của mỗi kỳ chuyển nhượng quá dồn vào những ngôi sao lớn mà thực tế số lượng không nhiều. Quá trình tích lũy những năm qua vẫn giữ cho Premier League được một nền tảng chất lượng, một đội ngũ sao đông đảo. Không mua thêm được tinh tú nào không có nghĩa sức mạnh sẽ yếu đi. Chỉ thời gian và diễn biến trên sân cỏ với có thể trả lời cho thắc mắc liệu Premier League có đánh mất sự thống trị gần đây ở Champions League.
Cơn sốt shopping mà họ đã tạo ra trong năm năm qua giờ do chính họ hạ nhiệt. Đó là điều hợp lý từ một Premier League đầy những đầu óc kinh tế giỏi giang. Đây là thời điểm cần trụ vững trước những khó khăn tài chính hơn là ném mình vào cuộc phiêu lưu dễ dẫn đến vỡ nợ. Trên thực tế, trọng tâm chú ý của kỳ chuyển nhượng cũng chủ yếu hướng về các “đại gia” mà họ lúc này tự tin vẫn hùng mạnh với những gì đang có trong tay. M.U sở hữu một thế hệ trẻ đầy tiềm năng. Chelsea hào hứng cùng tân HLV Carlo Ancelotti. Liverpool sau năm ngoái khá công cũng tự tin duy trì được sức mạnh. Sự trỗi dậy của Man. City chỉ càng làm cuộc đua năm nay hào hứng hơn, hấp dẫn hơn.
Tất nhiên, rất có thể trật tự quyền lực ở Champions League sẽ thay đổi với sự hùng hậu hơn của La Liga. Nhưng Premier League vẫn là một sức mạnh lớn tại châu Âu. Khi họ biết tiết kiệm hơn không có nghĩa là họ yếu đi. Thực tế sẽ chứng minh điều đó.
Vũ Anh