Phim 'Đảo địa ngục' thành công giữa 'bão' tranh cãi

03/08/2017 07:44 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Kể từ khi có mặt tại rạp chiếu hôm 26/7, quả bom tấn Đảo địa ngục (The Battleship Island) đang làm "nóng" phòng vé khắp xứ kim chi – bất chấp việc nó đang là tâm điểm của một cơn bão tranh cãi.

Cuộc tranh cãi này liên quan tới một số vấn đề, từ việc độc chiếm rạp chiếu tới cách tiếp cận của phim về lịch sử hiện đại của Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tranh cãi 

Theo nhà đầu tư & phát hành CJ Entertainment, Đảo địa ngục sẽ đón được 5 triệu lượt khán giả tới rạp vào ngày 2/8 và như vậy phim trở thành tác phẩm điện ảnh đạt ngưỡng này nhanh nhất trong năm nay. 

Và, thành công ấy lại gợi ra cuộc tranh cãi kéo dài đã nhiều năm về sự độc chiếm các chuỗi rạp chiếu ở Hàn Quốc của các bộ phim có kinh phí lớn. Sự độc chiếu ấy làm giảm sức cạnh tranh và ngăn cản sự đa dạng của các bộ phim chiếu rạp nói chung.

Điển hình, trong ngày công chiếu, phim Đảo địa ngục chiếm tới 80% trong số 2.758 rạp chiếu khắp xứ kim chi. Đây là lần đầu tiên ở Hàn Quốc một bộ phim được trình chiếu ở hơn 2.000 rạp.

Nhiều khán giả phàn nàn về sự độc chiếm rạp chiếu của Đảo địa ngục. Họ nghi ngờ rằng chuỗi rạp chiếu lớn nhất Hàn Quốc đặc biệt ưu tiên cho nó.

Chú thích ảnh
Battleship Island - Cảnh trong phim "Đảo địa ngục"

"Lịch chiếu phim Đảo địa ngục kín bưng. Ở đây không có bất cứ sự lựa chọn nào khác ư? Muốn xem các bộ phim khác cũng không được bởi phim khác chỉ được chiếu vào những giờ nhất định" – một cư dân mạng viết.

Trước những lời chỉ trích ấy, nhà điều hành của một chuỗi rạp chiếu cho biết: "Về cơ bản, chúng tôi dành nhiều rạp chiếu cho các bộ phim có kinh phí lớn hoặc phim đang hút khán giả, phục vụ nhu cầu của số đông khán giả. Nhiều người cho rằng một số phim đang được hỗ trợ quá mức, song tôi thấy hiện tượng này phát sinh do nhu cầu quá cao của công chúng tới những bộ phim ấy".

Đảo địa ngục là một trong những bộ phim Hàn Quốc được mong đợi nhất năm do mức kinh phí "khủng" (26 tỷ won; 2,32 triệu USD) và cuộc tái xuất của Song Joong Ki sau thành công vang dội của loạt phim truyền hình ăn khách Hậu duệ mặt trời (Descendants of the Sun).

Phim kể về hàng trăm người Triều Tiên bị buộc tới đảo Hashima ở Nhật Bản hay còn gọi là đảo Chiến hạm để làm việc trong các mỏ than và phụ nữ bị đưa vào các nhà chứa phục vụ lính Nhật trong Thế chiến II. Triều Tiên là một thuộc địa của Nhật Bản từ năm 1910 đến năm 1945

Càng tranh cãi... càng tốt

Đối với đạo diễn Ryoo Seung Wan, mọi sự tranh cãi đều hữu ích. "Tôi tin tưởng, giống như ngọc trong bùn, phim sẽ tỏa sáng hơn sau tất cả các cuộc tranh cãi" – vị đạo diễn này cho biết – "Tôi đã làm việc vất vả để cho ra lò được bộ phim này. Bởi vậy tôi thấy sẽ khá nguy hiểm nếu như phim không gây bất cứ tranh cãi nào trong thời gian chiếu rạp".

Tuy nhiên, đạo diễn Ryoo cảm thấy tiếc khi một số khán giả quá chú ý tới những hành động của những người Triều Tiên phò Nhật được mô tả trong phim.

"Theo tôi, phim Đảo địa ngục sẽ chỉ đề cập được một nửa lịch sử nếu như không nhắc tới cách hành xử tàn bạo của những người cai thầu Triều Tiên làm việc cho Nhật đối với những người đồng hương của mình" – đạo diễn Ryoo bày tỏ - "Tôi cho rằng khán giả Hàn Quốc nên điềm tĩnh khi đối diện với chính mình, ngừng chỉ trích những vấn đề lịch sử trong quá khứ và đưa ra quan điểm riêng về những vấn đề chưa được giải quyết rõ ràng.

Chú thích ảnh
Ryoo Seung-wan - Đạo diễn Ryoo Seung Wan

Với những lời cáo buộc phim đã mô tả sai nhiều chi tiết về những người bị lao động cưỡng bức trong phim, đạo diễn Ryoo nhấn mạnh: ông đã nêu rất rõ từ trước khi Đảo địa ngục ra rạp, rằng phim là một câu chuyện hư cấu được dàn dựng theo những sự thật lịch sử.

"Tôi thậm chí còn dựng lên cảnh của một cuộc vượt đảo lớn với sự hỗ trợ của các chuyên gia về lịch sử đảo Hashima và các chuyên gia quân sự. Nhưng đó là hư cấu" – đạo diễn Ryoo cho biết.

Nhà làm phim còn bác lại sự chỉ trích rằng ông đã lợi dụng lịch sử Hàn Quốc cho các mục đích thương mại.

"Tôi chưa bao giờ quên sứ mệnh của mình là một đạo diễn phim thương mại, song thật không công bằng khi nói rằng tôi đã lợi dụng lịch sử cho mục đích thương mại" – đạo diễn Ryoo nói. 
Theo lời đạo diễn này, ông cảm thấy phải có trách nhiệm khi làm phim dựa vào lịch sử đau thương của đất nước. Bởi vậy Ryoo cố gắng làm phim thật hay và không gây tổn hại tới bất cứ ai từng là nạn nhân trong những thời kỳ khủng hoảng lịch sử.

9 'kỷ lục' của 'Kong: Đảo đầu lâu' ở Việt Nam lớn đến mức nào?

9 'kỷ lục' của 'Kong: Đảo đầu lâu' ở Việt Nam lớn đến mức nào?

"Kong: Skull Island" (Đảo đầu lâu) đã đạt thành tích ngoạn mục khi trở thành bộ phim có doanh thu phòng vé cao nhất mọi thời đại tại Việt Nam, xấp xỉ 150 tỷ đồng, với gần 1.8 triệu lượt khán giả tới xem.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm