11/10/2022 21:11 GMT+7 | Văn hóa - Giải trí
Đặc biệt hơn cả, đai lưng Điệp tiệp thời nhà Đường có thể được ví như Hermès trong giới thắt lưng cổ đại.
Nói về thắt lưng thời cổ đại, có lẽ bạn sẽ nghĩ ngay đến những chiếc vòng màu đen mà người ta đeo quanh lưng trong phim cổ trang Trung Quốc. Đương nhiên, bên trên còn treo thêm một miếng ngọc bội quý giá.
Nhưng thật ra, hình ảnh trong phim vẫn chưa thể hiện được sự cao quý của chiếc thắt lưng thời cổ đại. Có thể nói, thắt lưng nạm ngọc phản ánh cả quan niệm thẩm mỹ thời bấy giờ.
Người Trung Quốc xưa có câu: Không đeo thắt lưng, đồng nghĩa với việc không mặc đồ.
Từ thời đại Hoàng đế khai sinh ra văn hóa Hoa Hạ, phục trang của vùng trung nguyên đã được hình thành cơ bản, đồng thời dần hoàn thiện và dung hòa bởi các nền văn hóa khác nhau. Trong phục trang của vương triều trung nguyên, người ta dùng đai hoặc dây quấn quanh eo để cố định quần áo.
Theo diễn biến phát triển của văn hóa, phục trang trung nguyên càng trở nên mỏng và rộng hơn. Ngoài đai eo truyền thống, còn có cả thắt lưng được làm bằng da hoặc kim loại.
Đừng nên xem thường chiếc thắt lưng nhỏ bé này, người Trung Quốc cổ đại vô cùng xem trọng nghi thức văn hóa chứa đựng trong chiếc thắt lưng nạm ngọc. Bất kể mặc quan phục hay đồ thường, phần eo phải được buộc bằng một chiếc đai.
Ở thời kỳ nhà Đường, cách buộc đai lưng đòi hỏi nhiều yêu cầu hơn. Mỗi trang phục khác nhau sẽ có cách buộc và vị trí đai lưng khác nhau. Được biết, trang phục thời Đường có sự rộng rãi, thoải mái. Người phụ nữ buộc đai ở phần trước ngực. Nhờ đó, trang phục sẽ không bị tuột khỏi vị trí ban đầu. Chiều cao của phần vạt áo sẽ quyết định chiều cao của vị trí buộc đai lưng.
Âu Dương Tu (nhà sử học nổi danh thời Bắc Tống Trung Quốc) từng ghi chép một câu chuyện thế này:
"Tống Thái Tông vào một đêm nọ gấp gáp cho triệu hồi một đại thần tên Đào Cốc. Sau khi Đào Cốc đến lại không dám bước vào đại điện. Tống Thái Tông ý thức được vì nguyên nhân mình chưa buộc đai áo nên đã cho người nhanh chóng chỉnh trang phục, thắt đai lưng đầy đủ. Đào Cốc nhìn thấy Hoàng đế thắt đai lưng thì mới bước vào. Chiếu theo quy định lễ nghi thời bấy giờ, Hoàng đế triệu kiến quan thần mà không buộc đai lưng, cũng xem như hành vi thất lễ".
Thắt lưng thời cổ đại Trung Quốc có thể được phân làm 2 loại: Loại làm bằng da, được gọi là “Bàn cách”; loại làm bằng tơ lụa, gọi là “Đại đới” hoặc “Ti thao”. Đặc biệt hơn cả, đai lưng "Điệp tiệp" thời nhà Đường có thể được ví như Hermès trong giới thắt lưng cổ đại.
Điệp tiệp trong “Mộng khê bút đàm” được mô tả là thắt lưng dùng để mang đồ, trên có treo đao, túi đá lửa, ống kim… Quan trọng nhất là chỉ có quan từ cấp tam phẩm trở lên (bất kể quan văn hay quan võ) mới có thể dùng loại thắt lưng này. Thiên tử dùng đai ngọc 13 vòng. Từ đó cũng có thể nói, thắt lưng đai ngọc là loại cao cấp nhất.
Hiển nhiên, vật đeo trên đai ngọc nhiều hay ít, quý hay tầm thường cũng đại diện cho thân phận cao thấp của người mang. Chất ngọc tốt, vật phẩm đeo kèm có màu tối, số lượng nhiều thì cấp bậc của vị quan này càng cao.
Vật trang trí trên đai lưng được gọi là Khoa.
Trong “Tân Đường Thư - Dư phục chí” có ghi chép quy định Khoa trên đai lưng như sau:: Nhất phẩm và nhị phẩm dùng vàng, tam đến lục phẩm dùng sừng tê giác, thất đến cửu phẩm dùng bạc. Quan dưới cửu phẩm và thường dân dùng dây đai gắn Khoa bằng đồng, số lượng cũng được quy định rõ ràng, không quá 7 cái.
Song, đai lưng thời cổ đại không chỉ được sử dụng bởi người đàn ông có quyền lực. Thật ra, nữ giới thời bấy giờ cũng rất thích dùng đai lưng để làm đẹp, chủ yếu là đai bằng lụa, trên có thêu hoa, dài thướt tha, phối thêm trâm hoa, lưu tô…
Trung Hạ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất