01/09/2015 05:57 GMT+7 | Phim
(Thethaovanhoa.vn) - Nhận lời tham gia mà không hề biết đóng phim chiến tranh vất vả thế nào. Lần đầu tiên Hà Linh, cô ca sĩ thành thị chân yếu tay mềm "nếm mùi" súng đạn, hành quân, đã khóc thành tiếng vì thấy bộ đội quá gian khổ. Nhưng đây cũng là trải nghiệm làm thay đổi nhận thức của Hà Linh.
Khát vọng bình yên lấy ý tưởng từ ca khúc Miền xa thẳm (nhạc sĩ Đức Trịnh). Bộ phim kể về mối tình lãng mạn giữa nữ thanh niên xung phong tên Linh (ca sĩ Hà Linh) và anh giải phóng quân tên Nam (biên đạo múa Thanh Nam) giữa bối cảnh chiến tranh khốc liệt.
Đây là bộ phim ca nhạc đầu tiên quay bằng máy chất lượng cao 4K của Đài truyền hình Việt Nam, phát sóng trên VTV1 hôm 31/8/2015.
Òa khóc trên phim trường
Hà Linh, một gương mặt âm nhạc cá tính của phía Bắc đã được đạo diễn, NSƯT Việt Hương chọn ngay từ khi dự án khởi động. Cho đến khi phim đóng máy và công bố, truyền thông mới biết Hà Linh đi đóng phim.
Hà Linh cũng không hình dung được việc đóng phim vất vả như thế nào, nhất là một phim về chiến tranh, cô chia sẻ: “Thú thực là tôi không nghĩ lại vất vả đến thế. Quay từ 5h sáng đến 2h sáng hôm sau, về chỉ kịp nghỉ 3 tiếng lại quay tiếp, có hôm chưa kịp tắm đã lăn ra giường ngủ như chết. Có những cảnh mình phải chạy giữa hai làn đạn, quả nổ chỉ cách mình có nửa mét, cảm giác không khác gì chiến tranh thật. Rất may là đoàn làm phim rất thương tôi, nên tôi cũng phải gắng sức vì mọi người”.
Quay được 3 ngày cô tiểu thư Hà Nội bị ngã và giãn dây chằng, cộng thêm nhiễm trùng nặng, chân sưng vù như chân voi. Báo hại diễn viên nam chính và mọi người trong đoàn làm phim phải thay nhau… cõng cô.
Ở đúp thứ 10, cảnh quay lãng mạn trên đồi, với làn khói lốp cao su cháy từ dưới bay lên nồng nặc, đạo diễn yêu cầu “em hãy bước đi như thiên thần”, cô ca sĩ chân đi tập tễnh đã khóc òa.
Những đôi mắt sáng như sao
Khát vọng hòa bình nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ quân đội, có khoảng 300 chiến sĩ xuất hiện trong các đại cảnh. Hà Linh tự nhận là kẻ không phù hợp với cuộc sống tập thể, cứ ở trong đám đông là bị “lòi” ra ngoài.
Cô thành thật chia sẻ: “Nói thật trước kia tôi không tiếp xúc với bộ đội nhiều. Đến khi được sống cùng họ mới thấy họ thật thà, quá hồn hậu và đáng mến. Mà lạ lắm, nhìn đen nhẻm, gian khổ vậy mà mắt ai cũng sáng như sao. Mình cũng là đứa hồn nhiên, mà so với bộ đội thì mặt mình đầy mưu mô (cười)”.
Sau những ngày gian khổ, trong một cảnh quay trên đồi hoa mua tím, khi nhạc bài Tự nguyện cất lên, Hà Linh đã khóc như mưa. “Đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự hy sinh của những người lính một cách sâu sắc đến thế và đó cũng là trải nghiệm mà cả đời có lẽ tôi không bao giờ quên”. Lần đầu tiên cô thấm thía những gì ông nội đã viết trong cuốn hồi ký chiến tranh của ông.
“Hồi còn nhỏ, tôi đã băn khoăn nếu chiến tranh xảy ra, sẽ có những người lính đứng lên bảo vệ, nhưng còn những người bình thường như mình thì sao, liệu có dám từ bỏ tất cả để bước vào cuộc chiến? Nhưng bây giờ tôi tin, tình cảm sâu sắc nhất của người Việt Nam mình là yêu nước. Tình yêu ấy ở sẵn trong tim, trong máu. Cũng giống như tình yêu của con cái đối với cha mẹ: con cái có thể bất hòa với cha mẹ, có người còn cãi láo, nhưng người ngoài thử động vào cha mẹ ta dù chỉ một cọng tóc mà xem... Sau chuyến đi này, tôi thấy sống trên đời mà chỉ nghĩ đến vật chất thì thật vô nghĩa quá”.
Đóng phim vì ca khúc 'Tình em' |
Ngọc Diệp (ghi)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất