Sơn Tùng M-TP và việc sử dụng beat nhạc trái phép (Kỳ 2): 'Đo' chất lượng ca khúc của Sơn Tùng

23/06/2014 08:31 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Nhìn nhận chung các nhạc sĩ, nhà báo khi nghe những ca khúc của Sơn Tùng M-TP là: Các giai điệu không có hiện tượng sao chép, bắt chước, nhưng vẫn còn phảng phất tinh thần, không khí của giai điệu các bản nhạc được lấy beat để sử dụng. Đặc biệt, cả bốn người nhận định đều cho rằng các giai điệu của Sơn Tùng không có gì đáng nói về mặt học thuật và đây không phải là cách làm của một người sáng tác chuyên nghiệp.

Thể thao & Văn hóa đã gửi đến các “chuyên gia” âm nhạc 5 bản thu âm ca khúc của Sơn Tùng M-TP gồm: Cơn mưa ngang qua, Nắng ấm xa dần, Em của ngày hôm qua, Em đừng điĐừng về trễ cùng 5 ca khúc nhạc ngoại mà Sơn Tùng dùng beat nhạc của những ca khúc này để viết thêm phần giai điệu. Sau khi nghe, họ có những nhận xét như sau:

Nhà soạn nhạc Vĩnh Lai: Không có sáng tạo gì đặc biệt

“Ca khúc Cơn mưa ngang qua so với Sarangi Mareul Deutjianha giai điệu tương đối độc lập, cả 2 giai điệu lôgic với hòa thanh, đúng kỹ thuật sáng tác. Tuy nhiên, bằng cảm xúc âm nhạc của người sáng tác, tôi thấy rằng giai điệu của bản nhạc ngoại khúc chiếc, hình tượng âm nhạc phù hợp với phần hòa âm phối khí hơn.

Ca khúc Nắng ấm xa dần so với ca khúc Monologue chúng có một đoạn ngắn na ná nhau, còn lại là độc lập.

Ca khúc Em của ngày hôm qua so với ca khúc Every Night giai điệu có chút “màu” hơi gần, nhưng nói sao chép hay bắt chước thì không có.

Ca khúc Em đừng đi so với ca khúc Still, 2 giai điệu độc lập nhau.

Ca khúc Đừng về trễ so với ca khúc Nostalgia, đây là 2 giai điệu độc lập nhau. Nhưng nhược điểm của tác giả giai điệu Đừng về trễ là không hiểu hết được phần hòa âm phối khí nên giai điệu đơn điệu, một màu.

Sau khi nghe 5 giai điệu nhạc Việt Nam nói trên, tôi thấy cũng bình thường, không có gì đặc biệt, không có sáng tạo gì đáng nói về mặt học thuật. Đứng ở góc độ là người sáng tác chuyên nghiệp, không nên làm giai điệu trên một bản hòa âm có sẵn. Trường hợp Gounod và Bach là trường hợp ngoại lệ. Một ca khúc phải có phần hòa âm phối khí, ít lắm là viết cho piano. Phối khí cho dàn nhạc cũng là một công việc sáng tạo. Viết 1 ca khúc chỉ có giai điệu chưa thể gọi đó là một người sáng tác chuyên nghiệp”.

Nhà báo Minh Đức: Chỉ hợp gu khán giả trẻ

“Với bài Cơn mưa ngang qua, giai điệu ảnh hưởng rất rõ giai điệu của bản nhạc Sarangi Mareul Deutjianha mà Sơn Tùng dùng beat của bản nhạc này, nhất là ở đoạn điệp khúc.

Bài Nắng ấm xa dần, câu filling ở gần cuối bài na ná như câu đầu bài của Monologue.

Các bài Em của ngày hôm qua, Em đừng đi, Đừng về trễ so với giai điệu các bài hát mà Sơn Tùng dùng beat thì đây là những giai điệu độc lập, không có sự ảnh hưởng (còn nó có giống với giai điệu một bài nhạc Hàn nào khác thì thời điểm này chưa phát hiện ra).

Có thể nói những giai điệu mà Sơn Tùng viết khá dễ nghe, hợp với gu khán giả trẻ, còn nói đó là những giai điệu “sáng tạo, cá tính” mang tính nghệ thuật thì chưa đạt đến tầm mức đó”.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: Giai điệu không ảnh hưởng hay sao chép

“Cách tiến hành giai điệu của Sơn Tùng M-TP, cơ bản so với các giai điệu mà Sơn Tùng dùng beat là không giống nhau, không có biểu hiện của sự ảnh hưởng hoặc sao chép. Những giai điệu của ca khúc Hàn, Nhật, họ viết theo phong cách của họ, còn Sơn Tùng viết theo “phong cách” nhạc thị trường Sài Gòn.

Sơn Tùng còn quá trẻ để chúng ta đánh giá về ca khúc của cậu ấy và Sơn Tùng cũng có nhiều thời gian để học hỏi, rèn luyện, nếu thật sự muốn phấn đấu để đi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp”.

Nhạc sĩ An Thuyên: Nói Sơn Tùng đạo nhạc là không nên

“Tôi đã nghe kỹ giai điệu 5 ca khúc của Sơn Tùng và giai điệu của 5 ca khúc mà Sơn Tùng dùng beat nhạc của các ca khúc đó để viết giai điệu. Khách quan mà nói, ngoại trừ beat là giống nhau, thì giai điệu, bè bối có viết lại khác. Tôi đã nói trong một bài báo trước là “nói Sơn Tùng đạo nhạc là không nên”.  Sự lao động của Sơn Tùng là có, tuy nhiên, do viết giai điệu trên phần hòa âm phối khí đã có sẵn giai điệu và lời ca, nên giai điệu do Sơn Tùng viết ra vẫn còn phảng phất tinh thần, không khí của bài hát gốc.

Điều đáng lo là, cách làm này đúng ra chỉ là cách để vui chơi, giải trí giữa bạn bè với nhau, còn xem nó như một cách làm của người sáng tác chuyên nghiệp thì đó là một hướng đi lệch lạc. Nếu muốn trở thành một người sáng tác chuyên nghiệp thì nên tư duy trên một nền hòa âm phối khí mới, chứ không nên lấy từ một ca khúc (đã có giai điệu và lời ca). Làm theo cách này chỉ là sự “gia công”, cho dù là thợ gia công tinh xảo đến mấy, cũng không thể gọi là sáng tạo chuyên nghiệp được, không phải con đường dài của người nghệ sĩ.

Với một bộ phận công chúng yêu âm nhạc, cũng nên có tinh thần tiếp nhận ca khúc mang tính tích cực nhằm thúc đẩy sự sáng tạo của nghệ sĩ.

Một điều đáng lo khác là, nếu cứ dựa vào âm nhạc nước ngoài thì ca khúc Việt sẽ đi về đâu? Chưa kể là ngoài bài hát còn vấn đề trang phục, tóc tai, phong cách biểu diễn của các bạn trẻ hiện nay đều ảnh hưởng nước ngoài rất nhiều. Tất cả những điều đó sẽ góp phần đánh mất bản sắc Việt trên lĩnh vực biểu diễn âm nhạc.

Các bạn trẻ như Sơn Tùng, rất thông minh và có nhiều tiềm năng, nên đi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp mang tính Việt. Nếu cứ vui vui rồi bắt chước, hoặc dựa trên nền tảng của nước ngoài như cách dùng beat (hòa âm và phối khí) để xây dựng bài hát “ăn liền”  thì thật là phí, vì các bạn là những tài năng triển vọng mà…!”.

* Kỳ cuối: Đừng là “ốc mượn hồn”

Ca khúc Cơn mưa ngang qua (Sơn Tùng M-TP):



Ca khúc Sarangi Mareul Deutjianha (thể hiện: Namolla Family):


Ca khúc Đừng về trễ (Sơn Tùng M-TP):


Ca khúc Nostalgia (thể hiện: Ga-in và Eric Mun):


 
Ca khúc Em đừng đi (Sơn Tùng M-TP):


Ca khúc Still (thể hiện: nhóm Flower):



Ca khúc Nắng ấm xa dần (Sơn Tùng M-TP):



Ca khúc Monologue (thể hiện: As One):


 
Ca khúc Em của ngày hôm qua (Sơn Tùng M-TP):



Ca khúc Every Night (thể hiện: nhóm Exid):


Hữu Trịnh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm