Olympic Rio 2016: Cử tạ gánh niềm hy vọng huy chương

09/07/2016 08:59 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Không chỉ là môn giành tới 4 suất chính thức thuyết phục, điều quyết định, cử tạ đang là môn sở hữu tới hai “mũi nhọn” có khả năng tranh chấp huy chương tại Olympic Rio, với Thạch Kim Tuấn và Vương Thị Huyền.

Trong đó, sự hồi phục khó tin sau chấn thương của Kim Tuấn, đô cử đang có kết quả tập luyện áp sát mức 300kg ở hạng 56kg mang lại niềm hy vọng lớn cho cả đoàn quân sẽ tranh tài trên đất Brazil vào tháng 8 tới.  

Kim Tuấn vượt chấn thương, nhắm 300kg  

Qua hai tháng nghỉ điều trị chấn thương đầu gối và lưng, Kim Tuấn đã trở lại tập luyện bình thường nhanh và vững một cách ngoạn mục. Thậm chí, anh  đang đáp ứng tốt khối lượng vận động cùng các chỉ số chuyên môn. Mọi chuyện với Tuấn càng ổn hơn khi tuyển thủ người Khmer đang có điều kiện tập luyện, hồi phục, dinh dưỡng và chăm sóc y tế lý tưởng trong chuyến tập huấn cao điểm trên đất Mỹ.  

Thành tích tập luyện ổn định của anh hiện đã vượt xa mức 287kg từng khiến anh chỉ giành được HCĐ  tổng cử tại giải vô địch thế giới 2015, khi còn đang dính chấn thương. Mục tiêu thầy trò Tuấn đang đặt ra là chinh phục thành công mức tổng cử trên dưới 300kg để đảm bảo có thể tranh chấp sòng phẳng một huy chương Olympic hạng 56kg. Tại giải vô địch thế giới 2014, anh cũng từng đạt mức tổng cử 296kg, chỉ chịu mất HCV nội dung tổng cử vào tay kỳ phùng địch thủ Om Yun Chul (CHDCND Triều Tiên) do thua về chỉ số phụ vì nặng hơn đối thủ 0,04kg.


Kim Tuấn với mục tiêu xấp xỉ 300kg tổng cử cho tấm huy chương

Ở đỉnh cao của mình, Tuấn là một trong ba đô cử xuất sắc thế giới hạng 56kg, với khoảng cách hơn rõ rệt so với phần còn lại. Theo dự báo của giới chuyên môn, Tuấn phải đạt mức tổng cử tối thiểu 295kg mới có thể bắt đầu nghĩ tới tấm HCĐ. Nhưng là điều hoàn toàn nằm trong khả năng của đô cử đang ở độ chín nhất của sự nghiệp, và đang được đầu tư chuyên biệt tương đố tốt.

Nhân tố bí ẩn Vương Thị Huyền

Từ cuối năm ngoái, làng cử tạ quốc tế bắt đầu phải nói nhiều đến lực sĩ 23 tuổi đến từ Việt Nam, người bất ngờ giành 2 HCB, 1 HCĐ giải VĐTG. Từ một gương mặt vô danh, Huyền đã lập tức vươn tới đẳng cấp hàng đầu ở hạng 48kg, được coi là một nhân tố bí ẩn đáng chờ đợi nhất trên mọi đấu trường.

Với mức tổng cử 194kg, Huyền đã xuất sắc đoạt HCB, chỉ kém nhà Quán quân Jiang Huihua (Trung Quốc) đúng 4kg. Đáng nói hơn, tổng cử 194kg của Huyền cũng vượt qua mức HCĐ Olympic 2012 của Ryang Chun Hwa (CHDCND Triều Tiên) tới 2kg, cũng như chỉ kém 3 kg so với mức HCB của Hiromi Miayke (Nhật Bản).

Nếu như nâng cao được mức tổng cử chạm mốc 200kg, cô gái người Bắc Giang đầu quân Hà Nội  sẽ chắc chắn có huy chương tại Rio, bất kể các đối thủ và diễn biến của hạng 48kg có thay đổi như thế nào. Có thể thấy việc  tăng thêm  5-10kg nữa với Huyền hoàn toàn khả thi.

Qua 3 điểm nhấn Đại hội TDTT toàn quốc 2014 (181kg), giải vô địch châu Á 2015 (190 kg) và giải VĐTG (2015, 194kg). Trong đó, bên cạnh thế mạnh cử giật tiếp tục được chứng tỏ, Huyền đã có thể đột phá nhờ ngày càng nâng cao khả năng cử đẩy. Đơn cử, nếu tại giải vô địch châu Á, Huyền chỉ đẩy nổi 86kg thì đến giải VĐTG, chị đẩy thành công mức 109kg, tăng tới 23kg.

Tin trong âu lo

Rõ ràng bộ đôi vàng cử tạ Thạch Kim Tuấn- Vương Thị Huyền hoàn toàn vượt trội về cơ hội, khả năng đua tranh một tấm huy chương Olympic, so với  các thành viên khác của đoàn TTVN. Với họ, phần nào đó đã có thể đặt niềm tin có cơ sở chứ không dừng lại ở niềm hy vọng phập phồng theo kiểu 40-60 như trường hợp của đô cử Quốc Toàn, hay 20-80 với xạ thủ Xuân Vinh 4 năm trước. Lần đầu tiên, TTVN đã có tới 2 “mũi nhọn” có đủ năng lực, nền tảng để đua tranh sòng phẳng cho một vị trí trong Top 3, nhất là với nhà đô cử Việt duy nhất từng đoạt HCV thế giới Kim Tuấn. Nếu thể hiện được đúng đẳng cấp hiếm có, Tuấn không ngán bất cứ đối thủ, kể cả nhà ĐKVĐ thế giới và Olympic Om Yun Chol.

Cử tạ Việt Nam có 3 suất dự Olympic Rio 2016

Cử tạ Việt Nam có 3 suất dự Olympic Rio 2016

Kết thúc giải cử tạ vô địch thế giới 2016 tại Houston (Mỹ), đội tuyển cử tạ nam Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu tích điểm và giành 3 suất chính thức tham dự Olympic Rio 2016.


Tuy nhiên, chiến dịch tranh huy chương Olympic với hai “mũi nhọn” sáng giá này của TTVN đều đang phải đối mặt với những nỗi âu lo. Vấn đề với Tuấn không dừng lại ở chuyện sẽ phát huy, tận dụng tài năng đặc biệt, bản lĩnh dày dạn như thế nào mà còn gắn với việc phòng ngừa tuyệt đối những nguy cơ, hệ lụy từ chấn thương. Trong khi đó, Vương Thị Huyền hãy còn rất  non kinh nghiệm, và thiếu sự ổn định cần thiết. Ở giải vô địch châu Á đồng thời là vòng loại Olympic mới đây, chị chỉ đạt mức tổng cử 187, kém thành tích cao nhất của mình tới 7kg.

Cùng đó, cả Huyền và Tuấn đều bị thua thiệt ở một điểm có thể mang tính quyết định ở một cuộc đấu khốc liệt như Olympic khi không được chuẩn bị và dẫn dắt trực tiếp bởi một ê- kíp hàng đầu  hay chí ít cũng là một chuyên gia đầu bảng thế giới, như các đối thủ của Trung Quốc, Triều Tiên. Ví như HLV Huỳnh Hữu Chí, ông thầy có công lớn trong việc tạo ra Thạch Kim Tuấn, đã vài lần thua các đồng nghiệp trong các cuộc đấu trí cân não.

Những cây “lúa trời 56kg” của cử tạ Việt Nam

Olympic 2008, đô cử Hoàng Anh Tuấn đã mang về cho TTVN HCB hạng 56kg. Kỳ Đại hội 4 năm sau đó, Trần Lê Quốc Toàn đã suýt đoạt HCĐ khi đứng hạng 4 cũng ở hạng 56kg với khoảng cách thua sít sao người xếp trên, do sai lầm về chiến thuật và khởi động. Đến Olympic 2016, một đại diện khác ở chính hạng cân này là Thạch Kim Tuấn được coi như “mũi nhọn” tranh huy chương số 1.

Ngoại trừ siêu cường Trung Quốc, hiện tại không có nền cử tạ nào lại đang sở hữu tới 3 hảo thủ tầm cỡ thế giới chỉ ở 1 hạng cân, (56kg) như Việt Nam. Bên cạnh bộ đôi vàng Quốc Toàn - Kim Tuấn, từ 2 năm nay, cử tạ Việt Nam lại sản sinh ra một nhân tố đầy triển vọng khác là Nguyễn Trần Anh Tuấn từng đoạt HCB giải Trẻ thế giới.

Như một nghịch lý dù những người có trách nhiệm của TTVN luôn coi cử tạ là môn trọng điểm hàng đầu, kết đọng ở hạng 56kg song thực tế lại hoàn toàn khác. Cử tạ chưa từng nhận được sự quan tâm chăm lo xứng đáng, nếu không muốn nói còn thua kém nhiều môn khác có khả năng và thành tích quốc tế dưới mình hẳn một bậc. Khi Hoàng Anh Tuấn mang về tấm HCB tại Olympic 2008, cả môn chỉ được có 50-60 ngàn USD mỗi năm. Mức đầu tư sau đó có được tăng lên qua từng năm, song tối đa cũng chỉ khoảng 100.000 USD, tương đương trên 2 tỷ đồng. Với khoản kinh phí quá ít, ĐTQG mỗi năm chỉ dự tranh 2-3 giải đấu, cũng như ưu tiên cho một vài ngôi sao như Thạch Kim Tuấn được xuất ngoại rèn giũa ngắn hạn.

Cử tạ, cụ thể là hạng 56kg xứng đáng có một Trung tâm Huấn luyện đào tạo quốc gia riêng, như đề xuất của giới chuyên môn, giống như Thái Lan hay Indonesia làm lâu nay.

56kg được coi là một sân chơi vừa sức với các lực sĩ Việt Nam với những yếu tố thuộc về cơ địa, trong khi ở các hạng cân nặng hơn thì chúng ta hầu như không có cửa. V.T


Tường Nhi
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm