09/01/2011 10:24 GMT+7 | Hành tinh bóng đá
(TT&VH) - Họ chưa chạm trán nhau, nhưng ai cũng biết rằng họ sẽ là những đội bóng cầm trịch bảng B. Nhật Bản và Saudi Arabia, mỗi đội sở hữu 3 lần vô địch châu Á và 4 lần dự World Cup, sẽ được “làm nóng” đủ 2 trận trước khi đối đầu với nhau ở trận đấu cuối cùng.
HLV Jose Peseiro của Saudi Arabia đang phải chịu một sức ép khủng khiếp, sau khi không thể giúp đội tuyển nước này lọt vào vòng chung kết World Cup 2010, lần đầu tiên sau 4 kỳ tham dự liên tiếp từ 1994 đến 2006. Saudis cũng mới thất bại 0-1 trước Kuwait trong trận chung kết Cúp vùng Vịnh 2010 vào đầu tháng 12 năm ngoái. Xa hơn, đội bóng này cũng thất thủ 0-1 trước Iraq ở trận đấu cuối cùng của Asian Cup 2007.
Đỉnh cao của bóng đá Saudi Arabia xuất hiện 16 năm trước, khi tiền đạo Saeed Al-Owairan đưa đội tuyển nước này vào đến vòng 1/8, và ghi một bàn thắng để đời vào lưới ĐT Bỉ, pha lập công được xếp vị trí thứ 6 trong danh sách những bàn thắng thế kỷ. Sau đó 2 năm, đội tuyển Saudi Arabia vô địch châu Á lần thứ 3, một sự tiếp nối từ đội ngũ đã gây được tiếng vang ở World Cup.
Từ đó đến nay, họ vào chung kết Cúp châu Á 2 lần, nhưng rõ ràng chất lượng lối chơi đã đi xuống cùng với màn trình diễn cứ thụt lùi dần ở World Cup. Họ đến Cúp Thế giới để làm rổ đựng trứng (World Cup 2002 từng thua Đức 0-8, 2006 thua Ukraina 0-4), và đã không thắng trong 10 trận gần nhất ở Cúp Thế giới. Sau Owairan, Saudi Arabia không giới thiệu được bất kỳ một tài năng khả dĩ nào ở World Cup.
Chặng đường phát triển của đội tuyển Nhật Bản sau Saudi Arabia một vài năm (4 năm sau khi Owairan cùng các đồng đội tỏa sáng ở World Cup 1994, Nhật mới “bén mảng” đến Cúp Thế giới lần đầu), nhưng nếu đồ thị của đội bóng Trung Đông đi xuống liên tục trong 2 thập kỷ qua, thì Nhật tiến bộ thần tốc.
Họ thua cả 3 trận ở World Cup 1998, nhưng đã lần đầu tiên lọt vào vòng 2 ở World Cup 2002 (đồng chủ nhà với Hàn Quốc), bị loại từ vòng bảng năm 2006 ở “đất khách” (Đức), nhưng 4 năm sau, Nhật Bản tiếp tục lọt vào vòng 2 World Cup ở Nam Phi. Năm đầu tiên dự World Cup, họ thua cả 3 ĐT ở 3 châu lục là Argentina (Nam Mỹ), Jamaica (Châu Phi) và Croatia (châu Âu). Năm 2010, họ đánh bại đội bóng sừng sỏ ở Lục địa Đen là Cameroon 3-1, hạ một đội tuyển Bắc Âu có lối đá rất hiện đại là Đan Mạch.
Năm 1998 là thế hệ của Nakata. Năm 2002, thế hệ của Inamoto, Shinji Ono… Mùa hè Nam Phi là của Keisuke Honda, người sẽ thống lĩnh Nhật Bản ở Asian Cup 2011. “Viên ngọc để dành” cho kỳ World Cup 4 năm nữa sẽ là Shinji Kagawa, tiền vệ đang bay cao cùng Dortmund ở Bundesliga và là người từng khẳng định rằng anh muốn được như… Messi!
Song song với sự tiến bộ ở World Cup là sự thống trị ở châu Á, như một điều hiển nhiên. Nhật vô địch liên tiếp 2 VCK các năm 2000 và 2004. 4 năm trước, họ chỉ thua Hàn Quốc trên chấm 11 mét đầy may rủi. Các cầu thủ Nhật Bản, sau những năm tháng khẳng định vững chắc ở châu Âu, đã tiếp thu và trình diễn một lối chơi tập thể khoa học, bài bản, dựa trên những đường ban chuyền liên tục và kỹ năng xử lý bóng rất hợp lý. Trong khi đó, Saudi Arabia vẫn chơi bóng nặng tính tự phát, và phụ thuộc vào mình chân sút Yasser Al-Qahtani, người đang giữ kỷ lục ghi bàn cho Saudi Arabia (đá 96 trận, ghi 44 bàn).
Saudi Arabia có thể không phải quá bận tâm đến Syria, cũng như Nhật Bản cũng chưa phải đau đầu với Jordan, nhưng những so sánh về bước phát triển của cả hai trong 2 thập kỷ qua cũng đã làm hé lộ vài điều về ứng viên thực sự của giải đấu, dù Nhật Bản đến Asian Cup với một đội hình bị đánh tơi tả vì những chấn thương.
Dự đoán cùng chuyên gia HLV người Bosnia Ivica Osim, từng dẫn dắt đội tuyển Nhật tại Asian Cup 2007. Ngày 9/1 20h15 Nhật Bản – Jordan 2-0 23h15 Saudi Arabia – Syria 2-1
PA
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất